QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 26
Phần trước là một đoạn lớn, từ phép Quán thứ nhất đến phép Quán thứ mười hai thuộc loại Quán Tưởng Niệm Phật. Từ phép Quán thứ mười ba thuộc về Quán Tượng Niệm Phật, phương pháp này khác với các phương pháp trước. Chúng ta xem đoạn tiếp theo, [hãy xem từ] hàng thứ ba đếm từ dưới lên trong trang hai trăm lẻ chín.
Phật cáo A Nan cập Vi Đề Hy: - Nhược dục chí tâm sanh Tây Phương giả, tiên đương quán ư nhất trượng lục tượng, tại trì thủy thượng.
佛告阿難及韋提希。若欲至心生西方者。先當觀於一丈六像。在池水上。
(Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy: - Nếu muốn chí tâm sanh về Tây Phương, trước hết hãy nên quán tượng cao một trượng sáu ở trên mặt nước trong ao).
Khoa đề của phần này là “tạp minh Phật, Bồ Tát quán, sơ quán trượng lục tượng” (nói về pháp quán xen lẫn Phật và Bồ Tát, trước hết là quán tượng cao một trượng sáu). Trong phần trước đã nói thân tướng của Phật và Bồ Tát đều vô cùng cao lớn, thật sự rất khó tưởng tượng; nhưng Quán Tượng Niệm Phật cũng phải rất có phước báo thì mới được. Nếu chẳng có phước báo, rất khó tu hành! Nếu phước báo rất lớn, chính mình cũng chẳng phải làm chuyện gì, cuộc sống có người chăm sóc, trong nhà có Phật đường, trong Phật đường khắc hình tượng Phật, Bồ Tát cao một trượng sáu thước. Hiện thời, tại Đại Lục, có rất nhiều tượng Phật cao một trượng sáu thước, rất cao, rất lớn. Tượng Phật thờ trong nhà, mỗi ngày nhìn ngắm, quán tượng; nhưng nếu rời khỏi Phật đường, cái nhân tu tập ấy bị đoạn mất, nên phải thường ở trong Phật đường quán tượng. Vì lẽ đó, chính mình chỉ đành chẳng đi làm thì mới có thể tu được. Do đó, điều này cho thấy [phải có] phước báo rất lớn [thì mới tu Quán Tượng Niệm Phật thành công]. Hiện thời, [cách tu này] không chỉ là rất khó đối với kẻ tại gia, mà đối với người xuất gia cũng rất khó! Phải buông hết thảy xuống, mỗi ngày quán tượng trong Niệm Phật Đường, rất khó! Đó là [nói về cách tu quán tưởng] kim thân cao một trượng sáu.
Chúng ta đọc lời chú giải: “Hành giả ư tiền y chánh chư quán, tuy dĩ tinh tu, thượng vị đắc nhập” (Hành giả nương theo các phép Quán về chánh báo và y báo như trên đây, tuy đã tu chuyên ròng, vẫn chưa chứng nhập). Ý nói tuy tu Quán đúng như các phương pháp trên đây, nhưng chẳng thể quán thành tựu. Chẳng thể thành tựu, bèn chẳng thể đắc lực. “Kỳ cầu sanh chi tâm, di gia đôn đốc, danh vi chí tâm” (Cái tâm cầu được vãng sanh ấy càng được thêm đôn đốc, nên gọi là chí tâm), nhưng cái tâm cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới hết sức ân cần, tha thiết. Quán chẳng thành, nhưng chúng ta rất mong mỏi được sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, làm như thế nào đây? Bất đắc dĩ, đức Phật lại dạy chúng ta một phương pháp: Chẳng thể quán Thắng Ứng Thân thành tựu, bèn quán Liệt Ứng Thân, tức là thân trượng sáu. “Cố linh thử nhân xả thắng, quán liệt” (Nên dạy người ấy thôi quán Ứng Thân, mà quán Liệt Thân). Mười hai phép Quán trên đây đều vô cùng thù thắng, nhưng quán chẳng thành công, chúng ta bỏ đi, quán tượng Liệt Ứng Thân. “Vị quán nhị thị tiền, tưởng Di Đà, cố vân tiên đương quán trượng lục dã” (Trước khi quán hai vị thị giả, bèn tưởng Di Đà, nên nói là trước hết quán tượng cao một trượng sáu). Đây là thân cao một trượng sáu thước, chúng ta sẽ dễ quán hơn nhiều. “Hành nhân dục thác bỉ độ liên trì, cố linh quán tượng tại trì thủy thượng” (Hành nhân muốn thác sanh trong ao sen nơi cõi ấy, nên dạy họ quán tượng ở trên mặt nước trong ao). Tuy chúng ta thờ phụng hình tượng Phật, phải tưởng tượng Phật ấy đứng trên hoa sen báu trong ao bảy báu. Do đó, trong quán tượng còn bao gồm quán tưởng, nhưng quán tượng là chủ, dễ tu thành công hơn! “Ưng tri thắng thân, ký tâm tác, tâm thị, khởi kim trượng lục, phi tác thị da? Viên nhân tác vi, giai liễu duy tâm” (Hãy nên biết thân thù thắng đã là “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, há nay tượng cao trượng sáu chẳng phải là “tâm này làm Phật, tâm này là Phật” ư? Người viên đốn làm gì cũng đều thấu hiểu duy tâm). Do vậy, có thể biết, bất luận là quán Thắng Ứng Thân hay quán Liệt Ứng Thân, đều chẳng thể bỏ nguyên tắc “tâm này làm, tâm này là”. Đối với những chữ tiếp đó, tôi không nói tới, vì đã bao hàm hết thảy vạn pháp, tâm này làm Phật, tâm này là Phật, [tương tự, ta cũng có thể nói] tâm này làm Bồ Tát, tâm này là Bồ Tát. “Tâm làm, tâm là” bao quát hết thảy muôn pháp thế gian và xuất thế gian, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều chẳng lìa khỏi nguyên tắc này. Lại xem kinh văn.