/ 28
657

QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ PHẬT KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 24


Xin xem trang một trăm tám mươi bảy, xem phần kinh văn.


Tưởng bỉ Phật giả, tiên đương tưởng tượng, bế mục, khai mục, kiến nhất bảo tượng, như Diêm Phù Đàn kim sắc, tọa bỉ hoa thượng.

想彼佛者。先當想像。閉目開目。見一寶像。如閻浮檀金色。坐彼華上。

(Hãy tưởng đức Phật ấy: Trước hết hãy nên tưởng hình tượng. Nhắm mắt, mở mắt đều thấy một tượng báu, có màu như vàng Diêm Phù Đàn, ngồi trên hoa ấy).


Đây là dạy chúng ta cách quán. Trong cách quán, trước hết nói rõ là Quán Tượng. Hoàn toàn giống như các phép Nhật Quán, Thủy Quán trong phần trước, ắt phải mở mắt hay nhắm mắt đều thấy tượng Phật ấy ở trước mắt, thấy cặn kẽ như trong kinh đã dạy thì mới là quán thành công. Dù trong tâm mục có tượng ấy, nhưng [tượng ấy] chẳng thể xuất hiện trước mắt tức là phép Quán này chẳng thành tựu! Tiếp theo đó là “nhân tượng kiến độ” (do tượng mà thấy cõi nước). Chúng ta xem kinh văn trong trang một trăm tám mươi tám.


Kiến tượng tọa dĩ.

見像坐已。

(Đã thấy tượng ngồi rồi).


A Di Đà Phật ngồi trên đài sen.


Tâm nhãn đắc khai, liễu liễu phân minh kiến Cực Lạc quốc thất bảo trang nghiêm, bảo địa, bảo trì, bảo thụ hàng liệt. Chư thiên bảo mạn di phú kỳ thượng, chúng bảo la võng mãn hư không trung. Kiến như thử sự, cực linh minh liễu, như quán chưởng trung.

心眼得開。了了分明見極樂國七寶莊嚴。寶地寶池。寶樹行列。諸天寶幔彌覆其上。眾寶羅網滿虛空中。見如此事。極令明了。如觀掌中。

(Tâm nhãn mở mang, thấy rành rẽ, phân minh cõi Cực Lạc trang nghiêm bằng bảy báu, đất báu, ao báu, cây báu bày thành hàng. Các màn cõi trời phủ kín bên trên. Các lưới mành báu giăng khắp hư không. Thấy sự như vậy sao cho hết sức rõ rệt như nhìn vào bàn tay).

Cổ đức nói cảnh giới vi tế như vậy đều từ nhất tâm diệu quán dần dần chuyển sanh, nên sẽ thấy cảnh giới ngày càng rõ rệt, càng thấy càng hiểu rõ. Ở chỗ này, phải đặc biệt chú ý: Thật sự quan sát, hiểu rõ, thật ra là do chân tâm rất thanh tịnh. Nay chúng ta nói tới Quán Tưởng Niệm Phật. Đối với phép Quán này, tông Thiên Thai đề ra Thứ Đệ Tam Quán và Nhất Tâm Tam Quán. Tông Thiên Thai [đề xướng như vậy] vì thuở trước, Trí Giả đại sư lập ra phương pháp tu hành Tam Chỉ Tam Quán, phương pháp ấy do Trí Giả đại sư phát minh. Các cao tăng Ấn Độ đến Trung Hoa bái phỏng Trí Giả đại sư, Trí Giả đại sư kể với họ phương pháp tu hành của chính Ngài, các pháp sư Ấn Độ bội phục khôn cùng. Họ nói với Trí Giả đại sư: Ở phương Tây (Ấn Độ) có kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, phương pháp tu học được giảng trong kinh ấy hết sức tương tự, rất gần gũi với pháp Tam Chỉ, Tam Quán của tông Thiên Thai. Kinh Lăng Nghiêm dạy Xa Ma Tha, Tam Ma, Thiền Na. Vì lẽ đó, Thiên Thai đại sư dựng một đài bái kinh tại núi Thiên Thai, hằng ngày hướng về phía Tây lễ bái, mong mỏi kinh ấy truyền sang Trung Hoa. Lạy suốt mười tám năm, Trí Giả đại sư viên tịch, kinh ấy vẫn chưa truyền tới Trung Hoa; nhưng về sau, ngài Bát Lạt Mật Đế đem kinh ấy đến Trung Hoa.

Kinh ấy ở Ấn Độ được gọi là quốc bảo, bất cứ kinh điển nào cũng đều có thể lưu thông sang ngoại quốc, nhưng kinh điển này (kinh Lăng Nghiêm) chẳng thể lưu thông tại ngoại quốc. Đấy là do người Ấn Độ tiếc pháp, nên hiện thời tại Ấn Độ chẳng có Phật pháp, quả báo do tiếc pháp đấy! Pháp sư Bát Lạt Mật Đế mang kinh ấy tới nơi đây (Trung Hoa), hải quan tra xét rất nghiêm, lén đem vài lần đều chẳng thành công. Cuối cùng, Ngài rạch mu bàn tay, giấu bổn kinh đã được chép với khổ chữ rất nhỏ vào trong đó, chờ cho đến khi miệng vết thương hoàn toàn lành lặn, đem kinh đến Trung Hoa như vậy. Đem đến Trung Hoa, bèn mổ mu bàn tay, lấy kinh ra, kinh Lăng Nghiêm được truyền tới Trung Hoa như vậy đó. Thuở đầu, chú giải kinh, do bị ảnh hưởng [bởi lời nhận định của các vị pháp sư Ấn Độ], nên đều dùng pháp Chỉ Quán của tông Thiên Thai để giải thích Xa Ma Tha, Tam Ma, Thiền Na. Mãi cho đến đời Minh, Giao Quang đại sư mới không dùng phương pháp ấy, trực tiếp dùng cách nói trong kinh Lăng Nghiêm, đề xướng “bỏ Thức dùng Căn”, hết sức phù hợp ý nghĩa của kinh. Chúng ta đọc thấy trong lời tựa cho bản Chú Giải, pháp sư Giao Quang có nói Ngài niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ. Lúc lâm chung, khi A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, A Di Đà Phật đứng trên không trung tiếp dẫn Ngài vãng sanh, Ngài xin A Di Đà Phật cho hoãn lại. Ngài nói chú giải kinh Lăng Nghiêm từ xưa tới nay chẳng nêu rõ ý nghĩa trong kinh, những lời mi chú[1] cũng chẳng giảng rõ ràng, Ngài xin A Di Đà Phật cho phép Ngài khoan vãng sanh để chú giải kinh Lăng Nghiêm. Sau khi chú giải xong xuôi sẽ vãng sanh. A Di Đà Phật cũng chấp thuận, cho phép Ngài được ở lại, Ngài trụ thế để soạn chú giải.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 28