Phật Thuyết Đương Lai Biến Kinh
Giảng Ký[1]
佛說當來變經講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Năm 1992 tại liên xã Đại Giác, Cựu Kim Sơn, Hoa Kỳ
Tâm Huệ ghi, Hàn Anh kiểm giảo
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
---o0o---
Kinh này kinh văn không dài, nhưng rất khế cơ, có thể nói là từ bộ kinh nhỏ này chúng ta có thể nhận ra từ ba ngàn năm trước đây, đức Phật đã sớm nhìn thấy tình trạng xã hội hiện tại.
Kinh này mang tựa đề “Phật thuyết Đương Lai Biến Kinh”. Giải thích đơn giản,“Đương Lai” chỉ thời đại hiện tại của chúng ta, “Biến” nghĩa là biến hóa, tức là nói hiện tại con người biến hóa, thế giới biến hóa, ngay cả Phật giáo cũng bị biến hóa, sau khi bị biến hóa là tốt hay xấu? Người tu hành nên thành tựu đạo nghiệp của chính mình như thế nào đây? Bản kinh này giảng đúng vào những vấn đề thiết thân của chúng ta.
Bàn đến chuyện thế giới biến hóa, phỏng chừng hai mươi, ba mươi năm nay thật là dữ dội, khó thể nói là cái thuyết “ngày thế giới tận cùng” của Cơ Đốc Giáo đã xảy đến hay chưa?
Bàn về nhân tâm biến hóa, do hiện đại thông tin phát đạt, quan sát nhân tâm mọi địa phương chẳng khó khăn gì. Kinh dạy: “Y báo chuyển theo chánh báo”. “Chánh báo” chỉ thân tâm của con người. “Y báo” chỉ hoàn cảnh sanh hoạt. Hoàn cảnh xã hội hiện tại an hay nguy hoàn toàn phụ thuộc vào tâm con người nhân hậu hay tệ bạc. Từ cổ đến nay, đã có những việc an hay nguy trong lịch sử làm chứng. Xưa nay, trong nước, ngoài nước đều lấy việc quán sát nhân tâm để suy lường cát - hung, phước - họa; bởi thế, rất coi trọng quan niệm luân thường, đạo lý. Thế nhưng con người hiện đại chẳng màng đến những quan niệm đạo đức đó nữa, mà lấy chuyện tranh danh đoạt lợi làm chủ, bởi thế đến nỗi xã hội chẳng an định.
Lại xem trong Phật giáo, trong hai ngàn năm chẳng biến hóa lớn lao chi lắm là vì gìn giữ được những tiêu chuẩn, nguyên tắc. Kể từ mấy năm đề cao dân chủ tự do gần đây, cường điệu tự do ngôn luận, tự do xuất bản, Phật giáo phải đương đầu với những biến hóa chẳng thể dự liệu trước được. Nếu như chúng ta chẳng lắng lòng quán sát và tư duy, sẽ không có cách nào đối diện với những biến thiên của xã hội hiện thực, chẳng biết tu hành như thế nào? Trong bản kinh này, đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta [nên làm như thế nào].
---o0o---
Chánh kinh:
Văn như thị: nhất thời, Phật tại Xá Vệ quốc, Kỳ Thọ, Cấp Cô Độc viên, dữ đại tỳ-kheo chúng câu, tỳ-kheo ngũ bách cập chư Bồ Tát.
(Nghe như thế này: một thời, đức Phật ở nước Xá Vệ, trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, cùng các đại tỳ-kheo nhóm họp, năm trăm tỳ-kheo và các Bồ Tát).
“Văn như thị” là câu văn được dùng trong giai đoạn đầu của việc phiên dịch kinh văn, nó cũng chính là “như thị ngã văn”. Trong đoạn Tự Phần này, cũng có đủ sáu thứ thành tựu giống như [các kinh khác]. “Văn như thị” là Văn Thành Tựu. “Như thị” là Tín Thành Tựu. “Nhất thời” là Thời Thành Tựu. “Phật” là Chủ Thành Tựu. “Xá Vệ quốc, Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên” là Xứ Thành Tựu. “Dữ đại tỳ-kheo chúng câu. Tỳ-kheo ngũ bách cập chư Bồ Tát” là Chúng Thành Tựu.
Địa điểm đức Phật giảng kinh này và kinh A Di Đà giống nhau. Trong lúc ấy có thường tùy chúng[2] và Bồ Tát chúng hiện diện. Bởi thế, kinh này không chỉ giảng riêng về pháp Tiểu Thừa mà là giảng về căn bản tu hành cho cả pháp Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa.
Chánh kinh:
Nhĩ thời Thế Tôn cáo chư tỳ-kheo:
- Đương lai chi thế, đương hữu tỳ-kheo, nhân hữu nhất pháp bất tùng pháp hóa, linh pháp hủy diệt, bất đắc trường ích. Hà vị vi nhất? Bất hộ cấm giới, bất năng thủ tâm, bất tu trí huệ, phóng dật kỳ ý, duy cầu thiện danh, bất thuận đạo giáo, bất khẳng cần mộ độ thế chi nghiệp. Thị vi nhất sự linh pháp hủy diệt.