/ 9
1.221

CHƯƠNG SÁU: KHÚC TÒNG

Kính chào các thầy cô giáo!

Chúng ta tiếp tục học chương thứ sáu của sách “Nữ Giới” là Khúc Tòng. Chương này chủ yếu nói về cách chung sống giữa mẹ chồng và nàng dâu, đặc biệt là nàng dâu nên cư xử như thế nào đối với mẹ chồng. Nếu như ở các chương trước chúng ta học tập có được sự thể ngộ thì học sang chương này sẽ cảm thấy dễ dàng hơn một chút. Nếu như chúng ta đột nhiên học tập chương này đầu tiên thì sẽ rất khó tiếp nhận. Tên của chương này là “Khúc Tòng”. Lúc đầu chắc có người sẽ hiểu lầm rằng phải chăng mình phải chịu thiệt, chịu khuất mình để thuận theo một cách mù quáng hay không. Hình như đây là sự trói buộc của lễ giáo phong kiến xưa đối với phụ nữ, nhưng trên thực tế không phải như vậy. Chữ “khúc” này có đại trí tuệ ở bên trong. Chúng ta thường gọi là phương tiện thiện xảo. “Phương” là phương pháp, “tiện” là tiện lợi. Vậy “phương tiện” là phương pháp tiện lợi nhất. Còn “thiện xảo” thì sao? “Thiện” nghĩa là khéo, “xảo” nghĩa là trí huệ, tức là khéo dùng trí huệ để tìm ra phương pháp tiện lợi nhất để đạt được mục tiêu là hiếu thuận với cha mẹ chồng.

Ban Chiêu đã dùng một chữ quá đơn giản và thẳng tắt đó là chữ “khúc” này. Bởi vì nếu như chúng ta đi thẳng vào vấn đề mà không dùng phương tiện thì sẽ dẫn đến một số hiểu lầm, hoặc sẽ khiến cho cha mẹ chồng phật ý. Chúng ta cần phải uyển chuyển, ví dụ như cha mẹ chồng của chúng ta đã 70-80 tuổi rồi, sống rất tiết kiệm. Họ rất ít đi ra ngoài mua sắm nên sẽ không chấp nhận được giá cả của một số món đồ. Ví dụ như mẹ chồng của tôi thích cắn hạt dưa. Tôi mua hạt dưa cho mẹ chồng. Cha chồng tôi khen rằng: “Hai đồng nửa cân, hạt dưa này ngon đấy”, nhưng trên thực tế là mười đồng nửa cân hạt dưa. Khi tôi đi siêu thị mua đồ trước khi về nhà đều xé bỏ hết mác niêm yết giá, bởi vì nếu như để cha mẹ chồng nhìn thấy họ sẽ không hoan hỷ: “Sao món đồ này lại đắt như thế!”. Bạn lại phải giải thích với họ rằng giá cả của siêu thị là như vậy. Đi siêu thị thì mua đồ yên tâm hơn nhưng cha mẹ rất khó hiểu được vấn đề này nên tôi phải xé bỏ mác giá đi. Nếu như cha mẹ hỏi thì sẽ nói một giá mà họ có thể chấp nhận được nên chữ “khúc” này là sự uyển chuyển phù hợp để cha mẹ được yên lòng.

Còn chữ “tòng” không phải là sự nhắm mắt tuân theo. Từ

“thính” trong câu “phu nghĩa phụ thính”, cùng với chữ “thuận” và chữ “tòng” này đều có sự diệu dụng như nhau. Bạn xem chữ “tòng” (从) là chỉ cho hai người (人), trước sau đều có chữ “nhân” (人). Chữ “nhân” phía sau chỉ cho chính mình, còn chữ “nhân” phía trước chỉ cho mẹ chồng. Tuy nhiên đây không phải là sự “thuận theo” mang nghĩa đen mà là sự thuận theo bản tánh và tự tánh của mẹ chồng, không phải thuận theo tập tánh của mẹ. Nếu như mẹ chồng là người lười biếng, bạn cũng thuận theo bà lười biếng dọn dẹp. Nếu mẹ chồng là người tham lam bạn cũng thuận theo sự tham lam của bà thì phiền phức rồi. Bạn cần phải thuận theo tự tánh của bà. Khi tự tánh và tập tánh của bà có sự xung đột, bạn cần phải biết xử lý một cách có trí tuệ. Việc này cần một quá trình, thông qua việc rèn luyện, trải nghiệm không ngừng trong các sự việc và cảnh giới mà bạn không ngừng nâng cao, gọi là “cái khó nó ló cái khôn”, dần dần bạn sẽ nắm được cái đạo “khúc tòng” mà cùng chung sống tốt với cha mẹ chồng.

Phần Tiên Chú của Vương Tương trong chương này nói rằng: “Nếu lời nói của cha mẹ chồng có đạo lý, chúng ta thuận theo là điều dĩ nhiên hợp với chánh đạo. Nếu như lời cha mẹ chồng nói không có đạo lý, là lời phi nghĩa, là việc phi lễ mà người con dâu vẫn thuận theo một cách có trí tuệ thì gọi là “khúc tòng”. Sự “khúc tòng” này là hiếu thuận thực sự”. Ở đây Vương Tương nêu lên hai ví dụ về Đại Thuấn và Mẫn Tử Khiên. Các Ngài tuy không được cha mẹ thương yêu nhưng vẫn thuận theo cha mẹ, bất cứ sự việc gì cũng đều không làm trái tâm ý của cha mẹ, bất kỳ việc gì cũng đều có thể xét lại chính mình, không chút oán trách cha mẹ. Đây đích thực là hiếu thuận. Hai Ngài đã được xếp vào trong hai mươi bốn gương hiếu.

Nói về vua Thuấn, Ngài là một vị thánh Vương của dân tộc. Theo lịch sử ghi chép thì cha của Ngài là một ông lão mù lòa. Mẹ của Ngài sinh hạ Ngài chưa được bao lâu thì qua đời. Kế mẫu đối xử với Ngài hết sức tệ bạc. Mẹ kế sinh cho cha Ngài một đứa con trai tên là Tượng. Em trai Ngài cũng thườngxuyên bắt nạt Ngài. Có một lần cha và em của Ngài bảo Ngài chui xuống giếng rồi lập kế chôn Ngài ở dưới giếng sâu. Nhờ vợ mà Ngài biết được tin này nhưng Ngài biết rồi không đi chất vấn mà chỉ đào trước một lối đi ở dưới giếng để thoát thân. Quả nhiên có một ngày cha ruột và em trai Ngài bảo ngài chui xuống giếng. Ngài vẫn an nhiên chui xuống. Cha và em trai ở trên lăn đá xuống. Ngài xuyên qua địa đạo mà thoát nạn. Đây là một ví dụ của sự “khúc tòng”. Nếu như Ngài chất vấn phụ thân Ngài, nhìn bề ngoài thì là việc có đạo lý vì phụ thân Ngài đã làm việc bất nghĩa, nhưng trên thực tế thì đó không phải là phương pháp xử lý có trí tuệ, nếu như có thể giữ được mạng sống của mình mà không cần chất vấn phụ thân thì rất tốt. Còn có một lần khác, cha của Ngài bảo ngài trèo lên nóc nhà kho để phơi ngũ cốc. Sau đó, ông ở bên dưới nổi lửa đốt cháy kho thóc. Ngài sớm đã dự liệu trước nên đã chuẩn bị hai cái nón rơm thật lớn. Ngài vẫy hai cái nón như hai cánh của con chim từ trên cao nhảy xuống thoát thân. Sau khi xuống đất an toàn, Ngài điềm nhiên như không có việc gì xảy ra. Quả thật là “người tu đạo chân thật không thấy lỗi người khác”! Không phải Ngài nhìn không thấy! Ngài thấy, nếu như Ngài không thấy thì Ngài đâu có chuẩn bị trước hai cái nón, hay đào địa đạo trước được. Thế nhưng trong tâm của Ngài quả thật không hề nhìn thấy, có nghĩa là trong tâm của Ngài không lưu lại một mảy may việc xấu nào của cha, mẹ kế và em trai. Ngài tuyệt đối không để nó ở trong tâm. Việc gì mình nên làm thì Ngài đi làm. Trước khi vua Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, vua quan sát cách Thuấn xử lý công việc trong gia đình như thế nào, hiếu đạo của Thuấn ra sao. Vua Nghiêu không những gả hai người con gái cho Thuấn mà còn bảo mấy người con trai của mình đến phò tá Thuấn, xem xem Thuấn xử lý công việc bên ngoài như thế nào. Sau khi quan sát cách Thuấn xử lý công việc trong ngoài, vua Nghiêu mới an tâm đem ngôi Vua trao lại cho Thuấn.

Cẩn Dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.

/ 9