CHƯƠNG BA: KÍNH THUẬN
Các vị thầy cô giáo tôn kính! Xin chào mọi người! Chúng ta tiếp tục học chương thứ ba của sách “Nữ Giới” là Kính Thuận.
Chương này cũng rất quan trọng. Kính thuận là lễ nghĩa quan trọng nhất trong việc học tập về đức hạnh của người vợ. Trong phần Tiên Chú của Vương Tương có viết: “Tiền chương đản ngôn phu phụ chi đại đoan, bất khả bất kính dĩ vi phu chi đạo. Thử chương phương phát minh kính thuận chi lễ, kính thuận, tức thủ chương ti hạ tập lao chi sự dã”. Ý câu này nói, chương trước đã nói về đạo chung sống với nhau giữa vợ chồng. Trong đạo vợ chồng đặc biệt nêu ra bổn phận mà người làm vợ cần nên tuân thủ chính là lễ tiết kính thuận. Sự kính thuận này được thể hiện trong hai sự việc mà chương Ti Nhược đã nhắc đến, một là khiêm hạ, hai là cần lao. Hai việc này cần phải dụng tâm cung kính, thuận tòng mà làm. “Kính” phải giữ cho được bền lâu, nếu chỉ cung kính nhất thời thì không phải là cung kính thật sự. Đối với chồng, người và sự việc xung quanh có thể giữ được tâm cung kính trong một khoảng thời gian, nhưng thời gian lâu hơn thì không còn giữ được nữa, hoặc là khi gặp sự khảo nghiệm thì mất đi sự cung kính. Vậy thì tâm cung kính đó không phải là cung kính chân thật. “Thuận” chính là khoan dụ. Thế nào là khoan dụ? Nghĩa là tâm khoan dung, quảng đại. Bản thân từ “dụ” mang ý nghĩa giàu có, sung túc, quảng đại. Kính thuận là nói về tâm ý, kính là quả, thuận là nhân. Chỉ khi trong tâm làm được “thuận” thì ở bề ngoài mới có thể biểu đạt được sự cung kính. Nội tâm lúc nào cũng rất khoan khoái rộng mở, trong tâm sung túc, thanh tĩnh vô nhiễm thì sẽ dễ dàng thể hiện sự cung kính ra bên ngoài. Nếu trong tâm hẹp hòi, hiểm trở mà muốn làm ra bộ dạng cung kính thì cũng không dễ dàng.
Phía sau chúng ta sẽ xem xét cụ thể chi tiết từng câu xem Ban Chiêu đã hướng dẫn cho chúng ta như thế nào.
ÂM DƯƠNG THÙ TÁNH, NAM NỮ DỊ HÀNH. DƯƠNG DĨ CƯƠNG VI ĐỨC. ÂM DĨ NHU VI DỤNG. NAM DĨ CƯỜNG VI QUÝ, NỮ DĨ NHƯỢC VI MỸ. CỐ BỈ NGẠN HỮU VÂN: SANH NAM NHƯ LANG, ƯU KHỦNG KỲ UÔNG, SANH NỮ NHƯ THỬ, ƯU KHỦNG KỲ HỔ
(Tạm dịch: Một âm một dương là đạo của trời đất, tính của âm và dương không đồng nhau. Người nam thuộc tính dương, người nữ thuộc tính âm. Hai tính âm-dương không đồng nhau, thế nên phẩm hạnh giữa nam và nữ có sự khác biệt. Dương lấy cương làm đức tính của nó. Âm lấy nhu là tướng dụng của mình. Người nam lấy cương cường làm quý, người nữ lấy nhu thuận làm mỹ đức. Thế nên, tục ngữ có câu: “Sinh con trai mạnh mẽ như sói, mà sợ nó nhút nhát nhu nhược. Sinh con gái gan nhỏ như chuột mà sợ nó hung dữ như hổ”)
“Âm dương thù tính, nam nữ dị hành” có nghĩa là thiên tính của nam và nữ vốn là không như nhau. Người nam thuộc tính dương, có khí chất cương cường. Người nữ thuộc tính âm, có bản tính nhu mì. Người nam cần lấy khí chất cương cường làm đức tính của mình. Người nữ cần dùng sự nhu thuận làm tướng dụng của mình. Cương cường là mỹ đức của người nam, nhu thuận là mỹ đức của người nữ, nên tục ngữ có câu: Sinh con trai hy vọng nó mạnh mẽ như sói mà sợ nó yếu ớt, hèn nhát. Sinh con gái thì mong nó giống như chuột, chứ không mong nó giống như hổ. Kỳ thực nghĩa thâm sâu bên trong không phải là nói về cái dáng vẻ bề ngoài, chúng ta hãy phân tích cho rõ một chút. Thế nào mới chân thật là “dương cương chi đức dụng”? Đức dụng của tính cương cường chính là nói người nam cần toát ra hạo nhiên chánh khí (khí khái chánh trực quảng đại) từ trên thân. Hạo nhiên chánh khí lấy trung lương làm thể. Chúng ta hãy xem chữ “trung” (忠), bao gồm chữ “trung” (中) ở trên chữ “tâm” (心), ý muốn nói tâm trước sau cần luôn luôn ở trong trung đạo, không nghiêng cũng chẳng lệch.
Tôi xin nêu một ví dụ đơn giản nhất, khi vợ chồng chung sống với nhau, người nam luôn giữ trạng thái trung đạo, không nghiêng về cảm tình, cũng không phải quá lý trí. Nếu như quá lý trí thì người nữ sẽ cảm thấy anh ấy chẳng có tình cảm, chẳng có ý vị tình người. Nếu như người nam lại thiên về cảm tình thì sẽ bị người nữ đánh giá thấp, cảm thấy anh ấy không mạnh mẽ, nhỏ mọn quá, giống đàn bà quá. Khi xử lý mối quan hệ giữa mẹ ruột và vợ, người nam cần có thái độ trung đạo. Việc gì cũng không được quá nghiêng về phía mẹ hoặc là quá nghiêng về phía vợ. Mà bất kỳ việc gì cũng phải giữ vững được cái “nghĩa”. “Nghĩa” chính là làm việc phù hợp, đúng mực, cân nhắc khi làm việc. Nếu như đó là việc nhỏ nhặt trong gia đình thì đừng quản, phải biết vỗ về vợ, lấy đại cục làm trọng. Ví dụ như khi mẹ ruột của mình có vấn đề về đạo nghĩa mà vợ mình đã đúng, thì lúc này nếu như hoàn toàn nghiêng về mẹ để tận hiếu đạo thì cái hiếu này là giả, sẽ làm nguy hại đến thế hệ sau. Nếu như con cái của bạn hoặc người ngoài nhìn thấy biểu hiện như vậy cho rằng đó là hiếu, rồi đi tuyên dương thì sẽ dẫn dắt xã hội đi sai đường. Lúc này, bạn cần phải khuyên can mẹ ruột của mình, đồng thời cũng mong vợ mình có thể xử sự một cách hòa hoãn. Đối đãi với bạn bè cũng cần giữ trung đạo, người nam tương đối nghĩa khí, nếu như bạn bè mượn tiền thông thường sẽ không chút do dự mà cho mượn. Tôi quen với một ông chủ công ty. Ông ấy đã nói với tôi một cách đau khổ: “Ôi chao! Tôi cho bạn mượn nhiều nhất là 10 triệu tệ. Cho đến bây giờ anh ấy vẫn chưa trả tiền cho tôi”. Sau đó, ông ấy rất lo lắng mà nói rằng: “Hiện nay tôi đang cần vốn gấp, hy vọng anh hãy trả tiền cho tôi”. Người bạn của ông ấy đã nói một câu rằng: “Ai bảo anh cho tôi mượn tiền làm chi! Dù sao chúng ta cũng là bạn bè, tôi thực sự không có khả năng trả. Anh hãy cho tôi luôn đi!”. Ông ấy rất khổ não vì đây không phải là một số tiền nhỏ. Thế nên, làm bất kỳ việc gì cũng không được nhất thời nông nổi, mà phải nghĩ xem trong tâm có trung đạo hay không. Có chữ “trung” thì mới có thể giữ được bản tánh tốt đẹp thiện lương. Chính là cái đức cương cường của nam giới.