CHƯƠNG THỨ NHẤT: TI NHƯỢC
Phía sau là phần chánh văn của sách “Nữ Giới”.
Chúng ta trước tiên xem qua hàm nghĩa của từ “Nữ Giới” (女誡). “Nữ Giới” là thiên văn chương để khuyên dạy phụ nữ. Thế nào là “giới” (誡)? Tôi còn nhớ một lần tham gia một luận đàn, có một vị lớn tuổi không cho tôi lên luận đàn giảng “Nữ Giới”. Vị trưởng bối này nói cái “giới” (誡) này không tốt, phụ nữ đã bị trói buộc rồi mà cô còn muốn “giới” (戒: ngăn cấm) họ nữa, không thể giảng thứ này được. Sau khi trao đổi với vị trưởng bối này, đồng thời tặng cho vị đó những băng đĩa bài giảng ở những nơi khác của tôi để ông về nhà nghe, ông nghe xong rất vui thích. Sau đó ông quay lại nói với ban tổ chức rằng: “Tốt lắm! Không giống với những gì tôi đã hiểu, nhưng cần phải giảng chữ “giới” (誡) này cho thật rõ”. Sau buổi luận đàn lần đó, tôi mỗi lần giảng đều giải thích chữ “giới” (誡) trong “Nữ Giới” một lần cho mọi người, cho nên tôi rất cảm ơn vị trưởng bối đó.
Chữ “giới” (誡) này tôi tra trong từ điển Cổ Hán Ngữ thấy có bốn ý nghĩa: Nghĩa thứ nhất là nhắc nhở và khuyên răn. Nghĩa thứ hai là cảnh giác và cẩn thận. Nghĩa thứ ba là một loại châm ngôn, một tiêu chuẩn khuyên răn người cần tuân thủ. Nghĩa cuối cùng chính là cái nghĩa được dùng ở đây, chính là tên của một thể văn chương mang tính chất giáo dục khuyên răn, giống như tên gọi của các thể hành văn thời xưa. Ví dụ như chữ “minh” (銘) trong “Lậu Thất Minh” là tên của một thể văn chương (bài minh thường được khắc chữ vào đồ vật, hoặc để tự răn mình, hoặc ghi chép công đức). Vào thời xưa, “giới” (誡) cũng là một thể văn chương, có nghĩa tương đồng với từ “giới” (戒: ngăn cấm), ví dụ như Gia Cát Lượng có viết bài “Giới Tử Thiên” (戒子篇), chữ “giới” (戒) đó với chữ “giới” (誡) này là cùng một nghĩa, cũng là tên một thể văn chương. Thể văn chương này biểu thị đây là văn chương mang tính chất giáo dục răn nhắc, là lời dạy dỗ của tiền nhân dành cho hậu nhân, chỉ dạy, nhắc nhở người đời sau cần chú ý để có thể có được lợi ích.
Chương đầu tiên trong “Nữ Giới” tên là “Ti Nhược”. Trong những tác phẩm văn chương thì chương đầu tiên luôn luôn là chương quan trọng nhất. Vì sao vậy? Bởi vì nó là phần cương lĩnh, toàn bộ phần phía sau là phần triển khai của nó. Phần tinh hoa được đúc kết lại ở chương đầu tiên mang tính tổng kết. Ví dụ, chúng ta thấy chương đầu tiên của sách “Lễ Ký” là “Khúc Lễ”, câu đầu tiên nói rằng: “Lễ tức là không được bất kính”, câu nói này đã hàm nhiếp hết thảy phần tinh túy của “lễ”. Ví dụ như câu đầu tiên trong “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” là “Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu, thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”. Phần kinh văn phía sau giảng cái gì là thiện, cái gì là ác, cái gì là họa, cái gì là phước. Trong các sách “Đại Học”, “Trung Dung”, “Hiếu Kinh”, chương mở đầu rất quan trọng và cũng là chương được nói đến nhiều nhất. Lúc tôi mới học “Nữ Giới”, vì mới học nên rất to gan, bất cứ ai mời tôi, tôi đều đi giảng Nữ Đức. Mỗi lần đều giảng đi giảng lại chương đầu tiên, đại khái là đã giảng hơn mười lần, càng giảng thì chính mình càng hiểu rõ, lúc mới bắt đầu không hiểu rõ lắm, lại còn cảm thấy khá phản cảm. Vì sao phụ nữ cần phải “ti nhược”? Vừa nhìn hai từ này thì cảm thấy một sự xem thường đối với phụ nữ, một sự phân biệt, phụ nữ không cần “ti nhược”. Phụ nữ là nửa bầu trời, nhất định phải mạnh mẽ, nếu không sẽ bị người ức hiếp, “người hiền bị bắt nạt, ngựa giỏi sẽ bị người cưỡi”. Sau này tôi phát hiện quan niệm của mình hoàn toàn điên đảo, sai lầm, không phù hợp luân lý đạo đức.
“Ti nhược” mở rộng ra là bốn chữ, “ti” nghĩa là khiêm hạ, “nhược” nghĩa là dịu dàng. Khiêm hạ và dịu dàng đại biểu cho hai đức hạnh quan trọng nhất của phụ nữ. Khiêm hạ chính là chỉ đức hạnh “hậu đức tải vật” (đức dầy chứa chở vạn vật). Chúng ta luôn dùng đại địa để hình dung cho bốn chữ này, đại địa có đức dày mới có thể chuyên chở, dung chứa vạn vật. Dịu dàng là chỉ cho đức hạnh “thượng thiện nhược thủy” (thiện lành như nước), nước là thứ mềm yếu nhất trên thế giới, thế nhưng nó có đức thiện. Vì vậy, dùng đại địa và nước để ví với hai loại đức hạnh đáng quý nhất vốn có trong bản tính của phụ nữ. Sau khi được cô đọng hàm súc lại thì dùng hai chữ “ti nhược” để thể hiện ra. Thế nên, nó không chỉ là phần mở đầu của chương mà còn là phần đầu tiên trong hết thảy giáo dục đức hạnh phụ nữ. Bạn học hết thảy đức hạnh của phụ nữ, nếu như rời khỏi hai từ “ti nhược” này thì không thể làm được khiêm hạ với người, không làm được tâm tính dịu dàng. Như vậy, toàn thể đức hạnh của phụ nữ sẽ mất đi ý nghĩa, chỉ là “khẩu nhĩ chi học, mộng trung ngật phạn”, tức là trên miệng thì nói, tai thì nghe nhưng bản thân không được thọ dụng, giống như ăn cơm trong mộng vậy. Thế nên, trong quá trình chúng ta học tập, lúc nào chúng ta cũng không được quên khiêm hạ và dịu dàng. Thế nhưng, làm thế nào thể hiện được sự khiêm hạ và dịu dàng chân thật, nhất định chúng ta sẽ gặp rất nhiều bài thi thử thách, đây là một quá trình gian nan để quay trở về với tự tánh. Chúng ta bị hoàn cảnh ô nhiễm, từ nhỏ lại không nhận được giáo dục gia đình tốt, tâm đều tự tư tự lợi, tâm vô cùng cang cường khó cảm hóa, chỉ có giáo dục mới có thể khiến cho chúng ta quay về tự tánh.