/ 9
8.577

TỀ GIA TRỊ QUỐC, NỮ ĐỨC VI YẾU

Chư vị thầy cô thân mến!

Xin chào mọi người!

Hôm nay chúng ta có được nhân duyên thù thắng như thế này, mọi người cùng nhau học tập sách “Nữ Giới”, thật sự vô cùng cảm ân. Nữ Đức, đối với phụ nữ chúng ta trong xã hội hiện nay là một từ khá xa lạ. Tôi còn nhớ cách đây hai ngày có một giáo viên vẫn hỏi tôi thế nào là Nữ Đức.

Nữ Đức là gì vậy? Nữ Đức chính là phẩm hạnh đạo đức của phụ nữ. Trong xã hội hiện nay, rất ít người quan tâm đến chủ đề này. Ngược lại, rất nhiều người quan tâm đến làm thế nào để kiếm tiền, làm thế nào để nâng cao danh vọng và địa vị của mình trong xã hội. Phụ nữ thì quan tâm nhiều đến việc gia đình của mình có ngày càng trở nên hạnh phúc hay không, chỉ số cuộc sống có cao hơn hay không, tuy nhiên nguyên nhân ngọn nguồn của hạnh phúc lại không có người nào chú ý đến. Trong văn hóa truyền thống 5000 năm của dân tộc, Tổ tiên đã để lại cho chúng ta sự giáo dục đạo đức về đức hạnh của phụ nữ thuần hậu, thiện lương. Đó chính là phụ nữ làm thế nào để đạt được suối nguồn hạnh phúc trong đời sống.

Trong mấy năm học tập văn hóa truyền thống vừa qua, bản thân tôi có rất nhiều tâm đắc và cũng đã nhiều lần chia sẻ với mọi người tại các buổi luận đàn và giảng tọa. Nhận lời mời của rất nhiều bạn bè, tôi đến đây cùng với mọi người học tập sách “Nữ Giới”. “Nữ Giới” là cuốn sách nhỏ, chỉ có hơn 1800 chữ, là cuốn sách giáo dục đạo đức chuyên dành cho phụ nữ do Ban Chiêu thời Đông Hán viết. Đây chính là giáo trình giáo dục đức hạnh phụ nữ sớm nhất của nước ta. Thế nên, chúng ta có thể thấy rằng vào thời xưa thực sự rất xem trọng việc giáo dục tố chất cho phụ nữ. Vì sao vậy? Bởi vì có câu nói rằng: “Vương hóa xuất tự khuê môn”. “Vương” trong từ “quốc vương”, “hóa” trong từ “giáo hóa”. Việc giáo hóa của một đất nước bắt nguồn từ chốn khuê môn. Khuê môn chính là cửa ngõ nơi khuê phòng mà phụ nữ thường ra vào. “Gia lợi thủy ư nữ trinh”, trong gia đình nếu như muốn được lợi ích thì cũng bắt nguồn từ sự trinh đức của phụ nữ. Thế nên, từ xưa đến nay, muốn có hiền tài thì trước hết phải có người con hiền. Muốn có con hiền thì trước hết phải có mẹ hiền. Để có hiền mẫu thì trước tiên phải có hiền nữ. Truy đến ngọn nguồn thì vẫn là ở nơi người mẹ, người mẹ rất quan trọng. Vậy người mẹ tốt từ đâu mà đến? Từ dạy mà ra. Trong xã hội hiện nay, vì sao lại xem nhẹ vấn đề này? Là do chúng ta đã xem nhẹ sự giáo dục của văn hóa truyền thống.

Trong buổi giảng đầu tiên này, chúng ta hãy cùng nhau tham thảo và học tập ý nghĩa quan trọng của Nữ Đức. Tôi xin chia sẻ với mọi người dựa trên ba phương diện.

Vấn đề thứ nhất chính là phụ nữ trong xã hội hiện nay không hiểu rõ bổn phận của chính mình là gì. Cái gọi là “đôn luân tận phận” chính là nói phụ nữ trong xã hội, trong gia đình rốt cuộc có địa vị như thế nào, sứ mạng của bản thân là gì, có trách nhiệm gì, có ý nghĩa quan trọng ra sao. Nếu bản thân phụ nữ không biết những điều này, thì đây là một vấn đề phiền phức [vì] họ sẽ băn khoăn không hiểu, không biết nên bắt tay làm từ đâu, làm như thế nào. Thế nên, trong “Kinh Dịch” có câu nói: “Người nữ làm tròn bổn phận bên trong, người nam làm tròn bổn phận bên ngoài. Đây là nghĩa lớn của trời đất”. Câu nói này hiện nay rất ít người nhắc đến, thế nhưng nó đã chỉ ra chỗ khác biệt giữa nam và nữ. Đây chính là một trong năm mối quan hệ Ngũ Luân của văn hóa truyền thống. Đó là “phu phụ hữu biệt”. Điểm khác biệt này là ở chỗ nào? Chính là chỗ mà “Kinh Dịch” đã chỉ ra, một người lo việc bên ngoài, người kia lo việc bên trong. Những việc bên ngoài gia đình do người nam đảm trách, có nghĩa là người nam ở bên ngoài gánh vác trọng trách kinh tế của gia đình. Việc trong nhà thì do phụ nữ đảm đương, phụ nữ lo bồi dưỡng thế hệ kế thừa tiếp theo của gia tộc. Sự nghiệp bên trong quan trọng hơn bên ngoài. Vì sao vậy? Bởi vì sứ mạng của phụ nữ chính là “giúp chồng dạy con” (tướng phu giáo tử). “Tướng” nghĩa là giúp đỡ, chính là giúp chồng thành tựu đức hạnh, giúp cho đức hạnh của chồng được tăng thêm. Chúng ta hãy nghĩ xem nếu như bản thân không có đức hạnh thì làm sao có thể thành tựu đức hạnh cho người khác được. Không thể có sự việc này. Bản thân mình không hiểu biết, còn mơ mơ hồ hồ thì sao có thể biết được vấn đề của người khác nằm ở đâu? Càng không cần nói đến việc hướng dẫn cho người khác. Dạy con chính là khéo dạy dỗ con cái. So sánh hai bổn phận giúp chồng và dạy con với nhau thì dạy con còn quan trọng hơn giúp chồng. Thế nào gọi là giúp chồng? Thế nào gọi là khéo dạy dỗ con cái? Chúng ta hiện nay cũng đang dạy đấy thôi, nhưng đã dạy con trở nên người như thế nào vậy? Khi chúng lớn lên thì cha mẹ sẽ rất đau đầu, đến trường sẽ khiến thầy cô giáo đau đầu. Đây là một vấn đề rất phiền phức. Làm thế nào để dạy con cho tốt? Trước tiên chúng ta phải có năng lực giáo dục, bản thân phải có đạo đức, phải có học vấn.

Cẩn Dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.

/ 9