/ 40
557

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TỐT CHÂN THẬT ĐÚNG NHƯ PHÁP

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Tập 3

Chư vị bằng hữu, chào buổi tối tốt lành! Chúng ta tiếp tục buổi học lúc chiều. Muốn có thể thâm nhập trí tuệ của Thánh Hiền Trung Quốc mấy nghìn năm qua, nhất định phải có pháp bảo bạn mới có thể trực tiếp đi thẳng vào giáo huấn của Thánh Hiền. Là pháp bảo gì vậy? Là cổ văn. Nhất định phải có chìa khóa này. Khi nhắc đến cổ văn, rất nhiều người cảm thấy sợ, thậm chí phát run. Kỳ thực, lúc tôi còn đang học cấp hai, học cổ văn cũng rất kém. Tôi còn nhớ thời gian lúc còn học cấp hai, thầy giáo ngữ văn của tôi có một hôm chợt nhìn thấy ở trên bàn có một bài văn mẫu được viết rất hay, sau đó được chỉnh lý thành bài văn hoàn chỉnh. Đúng lúc chúng tôi cũng học đến văn mẫu, trên bài văn mẫu đó có viết tên người tác giả là “Thái Dung Thanh”. Họ của người ấy cũng giống với họ của tôi, thế là thầy giáo chúng tôi sau khi xem xong liền nói một câu thế này: “Cùng là con cái được sinh ra trong một gia đình, tại sao năng lực về ngữ văn lại kém xa đến vậy”. Thái Dung Thanh là chị ba của tôi, chị học lớp 9, tôi lớp 7. Các vị bằng hữu, sau khi nghe câu nói này, tâm hồn yếu đuối của tôi đã bị một sự đả kích rất lớn. Cho nên chúng ta làm thầy người khác, những lời nói tổn hại lòng tin của trẻ có thể nói ra hay không? Không thể nói. Khi chúng ta làm thầy của người mà nói quá nhiều lời làm tổn thương, rất có thể khiến cho trẻ nhỏ mất lòng tin, thậm chí còn khiến học sinh sinh ra tâm hối hận. Việc này phải cẩn thận. Đương nhiên tôi không có sanh tâm hối hận, tôi chỉ cảm thấy bản thân thật xấu hổ vì luôn học không được giỏi.

Tôi còn nhớ, một lần đi thi làm bài thi dạng đề lựa chọn. Đề bài là “Lão khí …”

1/ hoành xuân…   2/ hoành hạ …

3/ hoành thu…   4/ hoành đông….

Các vị bằng hữu, nên chọn cái nào? Lão khí … gì?

“Lão khí hoành thu”.

Các vị sao mà trả lời được nhanh vậy? Tôi lúc đó suy nghĩ cả buổi, còn hát một bài nữa. Hễ hát ra một tiếng thì chấm vào một chữ, chấm cho đến hết, xem thử chữ cuối cùng chấm được là ở phần nào thì chọn phần đó. Thế là tôi cũng đã chọn sai. Cho nên bản thân học ngữ văn vốn chẳng có chút lòng tin nào. Cho đến lúc học cấp ba, tôi còn nhớ lúc học “Nhạc Dương Lầu Ký”, vì đều là văn cổ thể văn ngôn văn nên trong lòng tôi cũng rất sợ, đến lớp học được một nửa thì thầy giáo đã gọi tôi đứng dậy. Thầy nói: “Thái Lễ Húc, em hãy đứng lên cho thầy. Nếu như em học môn ngữ văn của thầy mà còn ngủ gục, thầy sẽ ghi là em vắng mặt”. Vì thế, môn ngữ văn của tôi vẫn luôn rất kém cỏi, vẫn không có chuyện hết bỉ cực thì thái lai, cho nên lòng tin của tôi vốn chưa hề được xây dựng. Thậm chí đến khi lên đại học cũng như thế, cảm thấy bản thân mình quá kém cỏi.

Cho đến khi tôi được hai mươi lăm tuổi, nghe được giáo sư Tịnh Không nhắc đến “cổ văn Trung Quốc là ơn trạch lớn nhất mà lão tổ tông để lại cho con cháu đời sau”. Sau khi chúng tôi nghe và hiểu rõ vấn đề này, trong lòng thật sự cảm thấy rất hổ thẹn. Bình thường có một người rót cho bạn một ly nước một cách rất chân thành, bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Sẽ hết sức cảm kích. Thế mà tổ tiên từ mấy nghìn năm trước niệm niệm đều là vì cuộc sống của con cháu đời sau có thể có được sự khải thị thật lớn, thậm chí là truyền lại trí huệ của họ. Từ mấy nghìn năm trước tổ tiên đã dụng tâm vì muốn thành tựu cho chúng ta, ơn huệ như thế có lớn hay không? Lớn. Tôi không những không cảm ơn, mà còn đem những sự giáo huấn này ném vào trong thùng rác, trong lòng cảm thấy vô cùng hổ thẹn, đến nỗi rớt cả nước mắt. Hơn hết là cảm thấy dễ chịu sau khi khóc hết những giọt nước mắt này, cảm thấy tôi đã làm sai.

Khổng Phu Tử dạy bảo chúng ta: “Người không phải Thánh, ai chẳng lỗi lầm, lỗi mà biết sửa còn gì tốt hơn”. Lúc trước không biết trân quý những giáo huấn của tổ tiên, bây giờ đạo lý đã hiểu rõ rồi, mau mau cải tà quy chánh. Cho nên sau khi tâm niệm này được đề khởi, tôi liền bắt đầu học những Kinh điển của Thánh Hiền. Hơn nữa, đã xảy ra một sự việc rất kỳ lạ, khi tôi lật những quyển cổ văn ra để đọc lại lần nữa, đột nhiên lại cảm thấy thân thiết lạ thường. Vì sao vậy? Chúng tôi ấn chứng một câu giáo huấn của Thánh Hiền: “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”. “Hết thảy pháp là từ tâm mà sanh”, từ tâm tưởng mà sanh ra. Cho nên tại vì sao ngữ văn của tôi lại học không giỏi? Tại vì trong nội tâm của mình có sợ hãi, bản thân đã dựng sẵn rất nhiều chướng ngại, cho nên vẫn luôn không thể học được. Khi ý niệm này chuyển trở lại; chuyển lại để hiểu mà trân quý, rồi tiếp nhận giáo huấn của lão tổ tông, chướng ngại sẽ bị tiêu mất. Cho nên chúng ta phải từ trong tâm lý chân thật thể hội được ơn trạch của lão tổ tông thì chúng ta mới có thể học tập được giáo huấn của Thánh Hiền.

/ 40