/ 40
960

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TỐT CHÂN THẬT ĐÚNG NHƯ PHÁP

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Tập 1

1.   Tổ tiên xa xưa (4.500 năm trước) của chúng ta giáo dục con cháu của họ như thế nào?

2.   Thực hiện giáo dục đức hạnh như thế nào?

3.   Quy tắc nhân sinh đầu tiên -  “Đệ Tử Quy”.

Các vị đồng học, xin chào buổi chiều tốt lành. Hôm nay rất vui vì có cơ hội này, cùng các vị đồng học nghiên cứu thảo luận “làm thế nào để đời sống được hạnh phúc”. Chúng ta gọi là “Giảng Tọa Nhân Sanh Hạnh Phúc”.

Trước tiên tôi xin được tự giới thiệu, tôi họ Thái, Thái Lễ Húc. “Lễ” của lễ phép, “Húc” của húc nhật mặt trời mọc hướng đông. Khi còn nhỏ tôi có một thói quen, sau này thì mới biết thói quen này là rất tốt, đó là chỉ cần có người lớn đến nhà của chúng tôi, tôi chỉ cần nghe thấy tiếng của họ, bất luận là tôi đang ở đâu, tôi cũng nhất định gác lại công việc mình đang làm, đi đến trước mặt những người lớn đó để chào hỏi họ. Tôi nói con chào chú, con chào dì. Các vị đồng học, khi mà tôi cúi đầu xuống chào như vậy rồi ngẩng đầu lên thì vẻ mặt của người lớn liền rất vui, lại xoa xoa đầu của tôi mà nói, cháu thật là ngoan quá. Tôi cũng rất là vui, bởi vì họ đã khẳng định tôi. Chào xong thì tôi đi. Cho nên khi một đứa trẻ đang làm những việc có đức hạnh, chúng nỗ lực thực hiện giáo huấn của Thánh Hiền. Thánh Hiền giáo huấn chúng ta phải làm một con người có lễ phép. Khi chúng chân thật cúi đầu xuống, trên thực tế trong tâm của chúng cũng sẽ rất hoan hỷ, bởi vì con người chúng ta vốn có cái tâm hiếu thiện hiếu đức. Cho nên từ nhỏ tôi đã hình thành thói quen này rồi, về sau cũng nhờ thói quen này mà được những sự lợi ích rất lớn.

Có một lần đúng lúc tôi đang đi lên lầu bằng thang máy, có một người phụ nữ chắc tuổi tác cũng ngang với mẹ của tôi, tôi vào thang máy trước, sau đó vị ấy cũng vào. Tôi liền hỏi vị ấy rằng: “Cô ơi, xin hỏi cô muốn lên lầu mấy vậy?”. Các vị đồng học khi đi thang máy, ai hỏi như vậy xin giơ tay? Vâng, xin cảm ơn! Nếu như khi bạn đi vào trong thang máy, có một người mỉm cười nói với bạn rằng, xin hỏi anh chị lên lầu mấy vậy? Các vị bằng hữu, cảm nhận của các vị như thế nào? Rất dễ chịu, cũng có thể tâm tình cả ngày hôm đó rất tốt. Vì vậy, lễ phép chính là khoảng cách tốt đẹp nhất giữa người với người. Việc lễ phép này không thể không dạy.

Vì thế, tôi thường thường nói với học trò của tôi và với cả phụ huynh học sinh: “Học lễ phép quan trọng hay là làm bài thi cho đạt 98 hay 100 điểm thì quan trọng?”. Là học lễ phép quan trọng hay học cái quan niệm thái độ đúng đắn một đời quan trọng, hay là cố gắng đạt từ 98 điểm thành 100 điểm quan trọng? Cái nào thì quan trọng? Học lễ phép quan trọng. Mọi người đều cảm thấy lễ phép quan trọng, vậy xin hỏi những phụ huynh hiện nay đang làm cái việc ở phía trước hay là làm cái việc ở phía sau? Phía sau. Vì sao vậy? Rõ ràng trên miệng đều cho rằng đối người xử sự là quan trọng, nhưng trên thực tế thì đến khi gặp con cái đều vẫn là chỉ ép chúng học hành, vì vậy vấn đề là ở chỗ nào? Mong con thành tài. Vậy điểm số mà tốt thì con cái đã thành tài rồi phải không? Khi điểm số đã tốt thì cuộc đời chúng đã hạnh phúc mỹ mãn rồi phải không? Cho nên rất nhiều vấn đề đều cần chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo, đều cần chúng ta phải dùng trí huệ để phán đoán mới có thể phán đoán chính xác. Tôi tin chắc là có rất nhiều phụ huynh đều thúc đẩy con cái về mặt điểm số. Về sau, đợi đến khi con cái tốt nghiệp đại học ra trường xong, rất có thể đến nổi khả năng chào hỏi với người khác cũng không có, thậm chí là không cần phải đợi đến tốt nghiệp đại học, rất nhiều sinh viên đi học chưa được mấy tháng thì đã bị nhà trường cho nghỉ học. Tại vì sao lại bị trường học cho nghỉ? Năng lực chung sống đối xử với người khác quá kém cỏi, và cả năng lực tự lo liệu cuộc sống chính mình cũng quá kém. Năng lực sống chung với người và năng lực tự chăm lo cuộc sống đều sẽ ảnh hưởng cả một đời chúng, mà chín mươi tám với một trăm chỉ cách nhau có hai điểm, có ảnh hưởng tới cuộc đời chúng hay không? Không có. Bởi vì tôi cũng là một học sinh được sinh ra từ cái chủ nghĩa thi cử, trong suốt quá trình hơn mười năm đèn sách ấy, rõ thật là quay đầu nhìn lại chẳng học được cái gì, không học được gì cả. Cho nên chúng tôi có sự thể hội sâu sắc này, không muốn học sinh của mình trong thời gian hơn mười năm trời uổng phí đối với những sự học tập không liên quan tới cuộc đời chúng cho lắm. Bởi vì chúng tôi có sự thấu hiểu này nên mới suy nghĩ một cách cặn kẽ là làm thế nào để một đứa học trò, để cho một đứa trẻ chân thật học được quan niệm thái độ cuộc sống chính xác. Sau đó thì khiến chúng xây nền móng cho cuộc sống thật vững chắc. Vì vậy nếu không học lễ, cuộc sống của chúng có thể sẽ tăng thêm rất nhiều trở ngại, vì một khi chúng thất lễ có thể người ta sẽ không giúp đỡ chúng, thậm chí là còn làm chướng ngại chúng. Thế nhưng một khi chúng ta có được sự lễ phép, cuộc sống có thể sẽ tăng thêm rất nhiều sự trợ lực. Trợ lực giúp đỡ cho chúng ta. Cho nên bậc làm trưởng bối như chúng ta nên phải suy nghĩ, học hỏi những gì để có thể giúp đỡ cho một đời của bọn trẻ. Vì vậy, thái độ chào hỏi người lớn từ nhỏ này của tôi cũng là do sự dạy dỗ của cha mẹ, đã hình thành thói quen này từ nhỏ.

/ 40