/ 1
5.815

LƯỢC GIẢNG GIÁO NGHĨA

PHẨM PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

(NGUYÊN TÁC: PHỔ HIỀN ĐẠI SĨ

HẠNH NGUYỆN ĐÍCH KHẢI THỊ)

普賢大士行願的啟示

CHỦ GIẢNG: HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG

CHUYỂN NGỮ: BỬU QUANG TỰ ĐỆ TỬ NHƯ HÒA

 

Mục Lục

Lời Nói Đầu

A. Dẫn Nhập

B. Giải Thích Kinh Văn

  I. Phần Trường Hàng

    1. Mười đại nguyện vương

      1.1. Nguyện thứ nhất: Lễ kính chư Phật

      1.2. Nguyện thứ hai: Xưng tán Như Lai

      1.3. Nguyện thứ ba: Rộng tu cúng dường

      1.4. Nguyện thứ tư: Sám hối nghiệp chướng

      1.5. Nguyện thứ năm: Tùy hỷ công đức

      1.6. Nguyện thứ sáu: Thỉnh chuyển pháp luân

      1.7. Nguyện thứ bảy: Thỉnh Phật trụ thế

      1.8. Nguyện thứ tám: Thường tùy Phật học

      1.9. Nguyện thứ chín: Hằng thuận chúng sanh

      1.10. Nguyện thứ mười: Phổ giai hồi hướng

  II. Trùng Tụng

    1. Tụng mười đại nguyện vương

      1.1. Kệ tụng lễ kính chư Phật

      1.2. Kệ tụng xưng tán Như Lai

      1.3. Kệ Tụng Quảng Tu Cúng Dường

      1.4. Kệ tụng sám hối nghiệp chướng

      1.5. Kệ tụng tùy hỷ công đức

      1.6. Kệ tụng thỉnh chuyển pháp luân

      1.7. Kệ tụng thỉnh Phật trụ thế

      1.8. Kệ tụng thường tùy Phật học

      1.9. Kệ tụng hằng thuận chúng sanh

      1.10. Kệ tụng phổ giai hồi hướng

    2. Nguyện Đồng Nhị Thánh

    3. Tán Thán Công Đức Thù Thắng Của Kinh Này

    4. Khuyến Chúc Thọ Trì

  III. Kết Quy

THAY LỜI TỰA

 

Nhờ công sức dịch thuật và hoằng truyền của hòa thượng Trí Tịnh, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện được trì tụng rất phổ biến trong giới Phật Tử Việt Nam, tiếc là từ trước đến nay, ít có vị tôn túc nào dành thời gian giảng giải tỉ mỉ cho hàng Phật tử sơ cơ được thấu hiểu phần nào huyền nghĩa bao la của kinh Hoa Nghiêm được cô đọng trong phẩm kinh này.

Do vị trí đặc biệt của phẩm kinh này đối với pháp môn Tịnh Độ (cư sĩ Ngụy Mặc Thâm xếp phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện vào Tịnh Độ Ngũ Kinh), chúng tôi luôn mong mỏi được đọc một bản chú giải hay giảng ký nào xiển dương thật rõ giáo nghĩa phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Trong Đại Tạng Kinh không thiếu các bản chú giải, sớ giải phẩm này, nhưng đa phần văn nghĩa quá rộng, chú trọng nhiều về mặt Lý nên hầu như chỉ thích hợp cho những hành giả thượng căn thuộc Hoa Nghiêm Tông hay dành riêng cho các vị đại tri thức, học giả nghiên cứu. Khi thử đọc tác phẩm chú giải lừng danh Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Biệt Hành Sớ Sao (bản chú giải ấy được coi là bản chú giải đặc sắc nhất, tinh vi nhất của phẩm kinh này), chúng tôi hoàn toàn choáng ngộp và buồn tủi nhận thấy mình khó thể lãnh hội được chút phần. Những lời Sao của ngài Khuê Phong Tông Mật và lời Sớ của ngài Thanh Lương Trừng Quán quá cao siêu, tinh vi, uyên áo, câu văn quá súc tích, nếu chúng tôi không lượng sức, cứ dịch bừa ra, chắc chắn sẽ không tránh khỏi tình trạng diễn dịch sai lạc ý kinh, ý Tổ, tự mình lầm, khiến người lầm, gây tội nghiệt nặng nề khó thể cứu vãn.

Thử tìm đọc những trước tác của các tôn đức Trung Hoa cận đại, chúng tôi thấy tác phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Tập Yếu Sớ của ngài Đế Nhàn rất uyên áo, nhưng quá thiên trọng về Lý, câu văn lại quá súc tích, khó lòng chuyển ngữ đầy đủ, gãy gọn sang tiếng Việt được. Thêm nữa, để hiểu được lời Sớ của Ngài, nếu không hiểu biết đôi chút về giáo nghĩa Hoa Nghiêm và giáo nghĩa Thiên Thai, hành nhân sơ cơ không dễ gì lãnh hội được. Những bản giảng ký của các vị như trưởng lão Từ Châu, pháp sư Từ Hàng, pháp sư Viên Anh, pháp sư Văn Châu cũng thiên trọng luận giải giáo nghĩa của kinh văn theo quan điểm của tông Hoa Nghiêm hơn là chú ý đến khía cạnh ứng dụng tu tập các hạnh nguyện ấy một cách cụ thể; cũng như chưa hiển thị rõ ràng mối quan hệ thân thiết giữa phẩm kinh này với ba kinh Tịnh Độ.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 1