/ 20
1.136

Liễu Phàm Tứ Huấn

Tập 19

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 20.04.2001

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng

Thâm Quyến_Trung Quốc

 

  Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Mời xem Liễu Phàm Tứ Huấn, bài thứ tư “Hiệu quả của khiêm đức”. Ở trước đều nói đến sửa lỗi tích thiện, có thể sửa đổi tích thiện đương nhiên rất tốt, nhưng người sống trong xã hội không thể không giao tiếp với quần chúng rộng rãi, do đó làm người quan trọng nhất là khiêm tốn. Nếu vẫn còn ngạo mạn, thì rất khó làm được. Cho nên Liễu Phàm tiên sinh đem “khiêm đức” đặt ở sau cùng trong bốn bài văn, giống như phần lưu thông trong kinh Phật vậy, ý nghĩa rất quan trọng.

Xin xem nguyên văn: “Dịch viết, thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm, địa đạo biến doanh nhi lưu khiêm, quỷ thần hại doanh nhi phước khiêm, nhân đạo ác doanh nhi háo khiêm”. Đây là mấy câu trong Kinh Dịch. “Thị cố khiêm chi nhất qua, lục hào giai kiết”. Quý vị xem 64 quẻ trong Kinh Dịch, mỗi hào đều may mắn thuận lợi mà không có hung tướng. Duy nhất quẻ khiêm, chỉ có quẻ này. “Thư viết, mãn chiêu tổn, khiêm thọ ích”, hai câu này nói trong Kinh Thư. “Dữ lũ đồng chư công ứng thức, mỗi kiến hàn sĩ tương đạt, tất hữu nhất đoạn, khiêm quang khả cúc”. Ở sau Liễu Phàm tiên sinh nói, có rất nhiều lần ông cùng tham gia thi cử với mọi người, thường gặp các học sinh nghèo khó. Sắp phát đạt, cũng chính là lúc họ sắp thi đậu, trước đó họ có điềm báo, nhất định phải rất khiêm tốn. Cho nên xử sự đối nhân tiếp vật, quan trọng nhất là thật khiêm tốn. Có thể tiếp nhận người khác, có thể thành tựu người khác.

Bốn câu này trong Kinh Dịch, chúng ta nói đơn giản một chút. “Khuy” là tổn thất, “doanh” là tự mãn, “thiên đạo” cũng chính là đạo lý tự nhiên. Phàm là người tự mãn, luôn gặp những chuyện thiệt thòi, thiếu thốn. Người khiêm tốn nhất định được lợi ích, đây là thiên đạo.

“Địa đạo biến doanh nhi lưu khiêm”. “Địa” là rộng lớn, “biến” là biến động, “lưu” nghĩa là tụ tập tại một nơi. Giống như dòng nước, nước thường chảy đến nơi thấp nhất, không chảy đến nơi cao. Cho nên “biến doanh nhi lưu khiêm”, như nước, chỗ cao là đầy, tự mãn, cống cao ngã mạn. Không đạt được lợi ích, không đạt được sự thấm nhuần, thấm nhuần luôn ở chỗ thấp. “Quỷ thần hại doanh”, đối với người tự mãn, người ngạo mạn, quỷ thần luôn gây phiền phức cho họ, trêu đùa họ. Còn đối với người khiêm tốn, quỷ thần tôn kính, quỷ thần giúp đỡ, cõi người sao có thể ngoại lệ!

“Nhân đạo ác doanh nhi háo khiêm”. Đối với người tự mãn, người tự đại, người kiêu ngạo, mọi người hay ghét họ, đối với người khiêm tốn thường hay thích họ. Cho nên quẻ khiêm này, chỉ có kiết tường thuận lợi mà không có hung dữ. Đây là nguyên tắc làm người quan trọng. Bên dưới Liễu Phàm tiên sinh đưa ra năm người làm ví dụ, chúng ta quan sát từ đây, cách nhìn của ông không sai, quan sát rất chuẩn xác.

Ví dụ thứ nhất: “Tân vị kế giai, ngã gia thiện đồng bào, phàm thập nhân, duy đinh kính vĩ tân, niên tối thiếu, cực kỳ khiêm hư. Dữ cáo Phí Cẩm Ba viết, thử huynh kim niên tất đệ. Phí viết hà dĩ kiến chi. Dữ viết, duy khiêm thọ phước. Huynh khán thập nhân trung, hữu tuân tuân khoản khoản, bất cảm tiên nhân, như kính vũ giả hồ, hữu cung kính thuận thừa, tiểu tâm khiêm úy, như kính vũ giả hồ, hữu thọ vũ bất đáp văn báng bất biện, như kính vũ giả hồ. Nhân năng như thử, tức thiên địa quỷ thần, do tương hựu chi, khải hữu bất phát giả. Cập khia bảng, Đinh quả trung thức”.

Năm nay Liễu Phàm tiên sinh 37 tuổi, ông đi thi tiến sĩ, cùng với mười người khác, huyện Gia Thiện tất cả có mười người. Trong mười người này ông nhận ra, Đinh Kính Vũ, Kính Vũ là tự của ông ta, tên ông ta gọi là Đinh Tân. Trong số mười người, người này tuổi nhỏ nhất, “niên tối thiếu”, rất khiêm tốn. Liễu Phàm nói với người bạn khác là Phí Cẩm Ba, cũng tham gia thi lần này, nói với ông ta, Liễu Phàm nói Đinh Kính Vũ năm nay nhất định thi đậu, thi đậu tiến sĩ. Phí Cẩm Ba nói: Từ đâu để nhận ra? Liễu Phàm tiên sinh nói: Do khiêm tốn nên được phước báo, câu này là định luận từ trong Kinh Dịch.

“Huynh khán thập nhân trung”, anh xem trong mười người chúng ta, có ai khiêm tốn như Đinh Kinh Vũ? “Tuần tuần khoản khoản”, là nói uy tín, trung hậu, thành thật. “Bất cảm tiên nhân”, luôn đứng sau người khác. Điều này rất hiếm có, không dám hơn người khác. “Hữu cung kính thuận thừa, tiểu tâm khiêm úy”, đối với mỗi người đều có thể cung kính thuận theo. Nói cách khác, trong đại chúng ông ta không giữ thành kiến của mình, có thể tùy thuận người khác, rất khó được! “Hữu thọ vũ bất đáp”, ông bị người khác sỉ nhục cũng không nói câu nào, nghe người khác hủy báng ông cũng không biện bạch. Đinh Kính Vũ đều làm được, con người ông có thể như thế, trời đất quỷ thần đều gia hộ ông ta, làm gì có chuyện thi không đậu? Khi treo bảng, ông ta quả nhiên thi đậu, Liễu Phàm tiên sinh không đậu. Liễu Phàm thi tiến sĩ ba lần, hai lần trước đều không đậu, đây là lần đầu tiên, năm 37 tuổi ông đi thi, không thi đậu.

/ 20