/ 20
1.291

Liễu Phàm Tứ Huấn

Tập 17

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 19.04.2001

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng

Thâm Quyến_Trung Quốc

 

  Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Mời xem tiếp đoạn sau cùng: Phương pháp tích thiện. “Tùy duyên tế chúng, kỳ loại chí phồn, ước ngôn kỳ cương, đại ước hữu thập”. Đây là Liễu Phàm tiên sinh dạy chúng ta, trong cuộc sống hằng ngày phải biết tùy duyên, tận lực đi hành thiện. Việc thiện là những gì? Ông đưa ra mười ví dụ.

“Đệ nhất dữ nhân vi thiện, đệ nhị ái kính tồn tâm, đệ tam thành nhân chi mỹ, đệ tứ khuyến nhân vi thiện, đệ ngũ cứu nhân nguy cấp, đệ lục hưng kiến đại lợi, đệ thất xả tài tác phức, đệ bát hộ trì chánh pháp, đệ cửu kính trọng tôn trưởng, đệ thập ái tích vật mạng”.

Sau khi chúng ta đọc mười điều này, suy nghĩ tận tường quả thật rất cần thiết. Mười điều này trong xã hội hiện nay, có thể nói là thiếu sót trầm trọng, vì thế xã hội động loạn bất an, nhân tâm hoang mang, quả thật có đạo lý. Mười điều này giúp ích rất lớn cho chúng ta.

Bên dưới Liễu Phàm tiên sinh nói rõ từng điều cho chúng ta, trước tiên là nói “dữ nhân vi thiện”. “Hà vị dữ nhân vi thiện”, ông đưa ra một trường hợp ngày xưa. “Tích Thuấn tại Lôi Trạch, kiến ngư giả giai thủ, thâm đàm hậu trạch, nhi lão nịch tắc ngư ư, cấp lưu thiển than chi trung, trắc nhiên ai chi, vãng nhi ngư yên”. Đây là nói Vua Thuấn, Đại Thuấn lúc còn trẻ. “Lôi Trạch” là tên cái hồ, bên bờ hồ ở Sơn Đông, đương nhiên người đánh cá rất nhiều. “Ngư giả” chính là người đánh cá, những người này trẻ tuổi sức mạnh đều chọn những nơi tốt để bắt cá. Nhưng những người già yếu không thể tranh được với họ, chỉ đành đến nơi bờ sông cạn, nước chảy xiết, là nơi cá không nhiều, không dễ bắt được cá. Thuấn thấy thế sanh tâm xót thương, đây là người trẻ tuổi hiếp đáp người già, có lỗi với người lớn tuổi, ông ta như thế nào? Ông ta cũng đi bắt cá, ông ta cũng đi. Lấy thân mình làm gương, làm tấm gương cho người khác noi theo.

“Kiến tranh giả, giai nặc kỳ quá nhi bất đàm. Kiến hữu nhường giả, tắc du dương nhi thủ pháp chi”, phương pháp này rất hay! Thấy mọi người tranh dành nhau bắt cá, không nhường nhau. Ông không nói gì, không nói lỗi lầm của họ. Đôi lúc thấy có người nhường nhịn lẫn nhau, ông liền lớn tiếng khen ngợi. “Kỳ niên”, một năm sau. “Giai dĩ thâm đàm hậu trạch, tương nhường hĩ”, một năm sau, do Thuấn cảm hóa, mọi người đều nhường nhịn lẫn nhau.

“Phu dĩ Thuấn chi minh triết, khởi bất năng, xuất bất ngôn giáo chúng nhân tai, nãi bất dĩ ngôn giáo, nhi dĩ thân chuyển chi, thử lương công khổ tâm dã”. Thuấn quả thật có đại trí tuệ, vì sao ông không dùng ngôn giáo để dạy đại chúng, mà dùng thân thể hành động của mình để làm gương cho mọi người? Đạo lý trong này chúng ta phải suy nghĩ thật nhiều. Ngôn giáo không bằng thân giáo, nếu dạy người khác làm mà tự mình không làm được, như vậy không ai tin. Đặc biệt là xã hội hiện nay, tập khí tham sân si của mọi người, ô nhiễm so với cổ nhân không chỉ là gấp mười lần, 100 lần. Vào thời đại đó, chúng ta có thể nói là nếp sống của nhân dân khá thuần hậu. Phương pháp của Thuấn, một năm có thể nhận được hiệu quả. Ngày nay chúng ta học theo tinh thần của Đại Thuấn, nếu áp dụng phương pháp “lấy thân làm gương” của Đại Thuấn, một năm không thu được hiệu quả, ít nhất phải mười năm. Nếu mười năm thu được hiệu quả, đó là điều rất may mắn. Mười năm không có hiệu quả, hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm, kiên nhẫn duy trì, nhất định có thể cảm hóa được chúng sanh. Đây là lấy từ bi của Thuấn, dùng phương tiện thiện xảo của Thuấn, làm ví dụ.

Bên dưới nói: “Ngô bối xứ mạt thế”. “Mạt thế”, trong Phật pháp gọi là thời kỳ mạt pháp. Pháp vận của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chúng ta thấy trong kinh điển nói là 12 ngàn năm. 1000 năm đầu tiên gọi là thời kỳ chánh pháp, 1000 năm thứ hai gọi là thời kỳ tượng pháp, tượng pháp giống như đã biến chất. Mười ngàn năm về sau đều gọi là thời kỳ mạt pháp, hiện nay thời kỳ mạt pháp đã qua 1000 năm. Liễu Phàm tiên sinh là người thời nhà Minh, nhà Minh đã là thời kỳ mạt pháp. Lúc này nhân tâm dần dần suy thoái, không còn thuần hậu như trước. Đây là đặc biệt nhắc nhở, chúng ta hiện tại đang sống trong thời mạt thế.

/ 20