/ 20
23.910

Liễu Phàm Tứ Huấn

Tập 1

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 16.04.2001

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng

Thâm Quyến_Trung Quốc


  Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Hôm nay chúng ta có thể ở trong phòng quay của đài truyền hình Phụng Hoàng, để chia sẻ với mọi người về Liễu Phàm Tứ Huấn.

Cuốn sách này vào năm tôi 26 tuổi, là cuốn sách tôi đọc đầu tiên lúc mới tiếp xúc Phật pháp. Nó đối với tôi có ảnh hưởng rất lớn, có thể nói là ảnh hưởng cả cuộc đời tôi. Tôi vô cùng yêu thích cuốn sách này, thường đọc tụng, cũng từng giảng không ít lần. Trước đây giảng và những gì bây giờ giảng, trên phương diện cảnh giới đương nhiên có nhiều điều khác nhau, nhưng những gì nói trước đây vẫn có thể làm tham khảo.

Liễu Phàm tiên sinh họ Viễn, tên gọi là Hoàng, hoàng của hồng hoàng lam trắng đen, tự là Khôn Nghi, đương thời ông là người huyện Ngô Giang tỉnh Giang Nam. Ông sinh vào thời Minh Thế Tông, Thế Tông là hoàng đế đời thứ 12 của nhà Minh, năm Gia Tịnh thứ 14, tức năm 1535 của công nguyên. Như vậy quý vị sẽ có một khái niệm rõ ràng hơn, cách chúng ta hiện nay khoảng hơn 500 năm.

Ở sau Liễu Phàm Tứ Huấn có kèm theo một bài viết là Dũ Tịnh Ý Công Ngụ Táo Thần Ký, là một bài viết rất đáng cho chúng ta học tập. Dũ Tịnh Ý sanh vào năm Gia Tịnh thứ tư, lớn hơn Liễu Phàm tiên sinh 10 tuổi. Vào năm Đinh sửu, họ từng_tức là lần thứ hai Liễu Phàm tiên sinh thi tiến sĩ, năm đó ông 43 tuổi, còn Dũ Tịnh Ý 53 tuổi, hai người họ là đồng khoa. Dũ Tịnh Ý thi đậu, Liễu Phàm tiên sinh thi không đậu. Cho đến năm Bính tuất, Liễu Phàm tiên sinh 52 tuổi mới thi đổ tiến sĩ.

Chúng ta quan sát từ truyện ký về cuộc đời của ông, thay đổi chính mình cũng là một việc rất gian khổ, không phải là điều đơn giản. Đặc biệt là trước đây, 20 năm trước rất gian nan. Đến lúc về già, công phu thuần thục, đoạn ác tu thiện ngày càng dễ dàng hơn. Chúng ta cùng nhau xem trong sách nói gì.

“Dư đồng niên tang phụ”. “Dư” là Liễu Phàm tiên sinh tự xưng, “đồng niên” là lúc còn nhỏ. Căn cứ theo “học thuyết lập mạng”, chúng ta biết ông mất cha chắc chắn trước năm 15 tuổi. Làm sao biết được? Vì lúc ông gặp Khổng tiên sinh là năm 15 tuổi, bởi vậy chắc chắn là trước năm 15 tuổi. “Lão mẫu mạng, khí cử nghiệp học y”. “Cử nghiệp” nghĩa là đọc sách cầu công danh. Mẹ ông nói với ông, không cần đọc sách để cầu công danh, khuyên ông học y. “Vị khả dĩ dưỡng sanh, khả dĩ tế nhân”, học y rất hay, có thể tự nuôi thân, cũng có thể cứu tế cho những người bệnh khổ. “Thả tập nhất nghệ dĩ thành danh, nhĩ phụ túc tâm dã”. Nếu như học thật tốt y học, tương lai có thể trở thành danh y, đây cũng là nguyện vọng của cha con đối với con.

“Hậu, dư tại Từ Vân Tự, ngộ nhất lão giả, tu nhiêm vĩ mạo, phiêu phiêu nhược tiên, dư kính lễ chi”. Về sau, “hậu” là năm ông 15 tuổi, công nguyện năm 1549, tại Chùa Từ Vân ông gặp được một người. “Tu nhiêm vĩ mạo”, tu nhiêm là râu rất dài, tướng mạo vạm vở khôi ngô. “Phiêu phiêu nhược tiên”, không giống như người phàm, khi ông nhìn thấy, đối với người này rất kính lễ. Do đây có thể biết, Liễu Phàm tiên sinh từ lúc còn nhỏ được giáo dưỡng thật tốt. Tuy tuổi còn rất trẻ, mới 15 tuổi, nhưng rất hiểu quy củ xử sự đối nhân tiếp vật, điều này khiến nhiều người yêu thích, khiến người hoan hỷ.

“Ngữ dư viết”, người này nói với ông. “Tử nhậm lộ trung nhân dã”, người này hình như rất biết xem tướng, vừa gặp liền nói, cậu có số làm quan. “Minh niên tức tấn học”, “tấn học”, tức sang năm ông sẽ thi đậu tú tài. “Hà tất đọc thư”, vì sao không đọc sách? Ông đi khắp nơi bên ngoài, vì sao không ở nhà đọc sách? “Dư cáo dĩ cố”, ông liền đem những điều mẹ ông dạy như đừng đọc sách, nên học y. Ông đi khắp nơi bên ngoài, có thể là đi hái thuốc, vì 15 tuổi học y, vậy nhất định là học nghề, hoặc là theo đại phu, hoặc là học nghề trong tiệm thuốc. Điều này chúng ta đều có thể tưởng tượng được. Ông đem ngọn nguồn nói với vị đạo trưởng này.

“Tịnh khấu lão giả, tánh thị lý cư”, thỉnh giáo quý tánh của đạo trưởng, từ đâu đến? “Viết, ngô tánh Khổng, Vân Nam nhân dã”, người này nói với Liễu Phàm, ông ta họ Khổng, người Vân Nam. “Đắc thiệu tử, hoàng cực số chánh truyền”, Hoàng Cực Số Chánh Truyền của Thiệu Khang Tiết, hiện nay trong Tứ Khố Toàn Thư có thu thập. Tôi từng mở ra xem, nói thật là xem không hiểu, hoàn toàn thuộc về toán học cao cấp. Trong sách này không những có thể nói về vận mệnh của một người, mà còn nói đến vận mệnh quốc gia, vận mệnh của thế giới, hoàn toàn đoán định theo quẻ số trong Kinh Dịch. “Số cai truyền nhữ”, từ trên định số mà nói, tôi nên truyền cho cậu. Vị đạo trưởng này lần đầu tiên gặp Liễu Phàm, làm sao biết có thể truyền cho ông? Trong này chắc chắn có học vấn uyên thâm, học vấn này rất gần với phương pháp các bậc tổ sư Tông môn Giáo môn của Phật giáo truyền đạo. “Dư dẫn chi quy, cáo mẫu”, Liễu Phàm tiên sinh đưa vị đạo trưởng này về nhà gặp mẹ, nói với mẹ mình. “Mẫu viết: Thiện đãi chi, thức kỳ số, tiêm tất giai nghiệm”, người mẹ nói, tiếp đãi ông ta thật tốt, thử xem ông ta xem có đúng chăng? Không ngờ vừa thử, ông ta xem quả nhiên rất đúng. “Dư toại khởi đọc thư chi niệm”, từ đây Liễu Phàm đối với những gì đạo trưởng suy đoán về mình, ông đã có niềm tin, lại sanh khởi ý niệm đọc sách. “Mưu chi biểu huynh trầm xưng”, ông thương lượng với anh họ mình, anh họ nói. “Ngôn, Uất Hải Cốc tiên sinh, tại trầm hữu phu gia khai quản, ngã tống nhữ ký học thậm tiện, dư toại lễ Uất vi sư”. Anh họ của Liễu Phàm đưa ông đến nơi Uất Hải Cốc tiên sinh, Uất Hải Cốc dạy tư thục. “Khai quản”, chính là dạy tư thục, người anh họ gởi Liễu Phàm đến đó học. Liễu Phàm tiên sinh lạy Uất Hải Cốc tiên sinh làm thầy.

/ 20