/ 29
839

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ CHỦ GIẢNG

TẠI CƯ SĨ LÂM SINGAPORE

(Tháng 11 năm 1994)

Chuyển ngữ: Cư Sĩ Thanh Trí

Biên tập: Cư sĩ Thiện Đức

TẬP 13

TÍCH CÔNG LŨY ĐỨC ĐỆ BÁT

PHẨM THỨ TÁM: TÍCH CÔNG LŨY ĐỨC

Phần trước, đã giới thiệu đại nguyện đã phát của A-di-đà Phật khi còn ở nhân địa. Có nguyện nhất định phải có hành, nếu không có hành thì nguyện này là nguyện suông, nhất định phải toàn tâm toàn lực đi làm. Trong phẩm kinh này nói với chúng ta, A-di-đà Phật lấy hành để xây dựng nguyện, tích công được dày, lũy đức được cao, tích công lũy đức. Như vậy thì nhân mới có thể viên mãn, “nhân viên quả mãn”, quả báo thù thắng. Trong phẩm này, những chỗ đáng cho chúng ta học tập, noi gương nhiều vô cùng. Hãy xem Ngài tu hành cách nào. Đây là tấm gương tốt nhất của chúng ta.

A-nan! Pháp Tạng Tỳ-kheo ư Thế Tự Tại Vương Như Lai tiền, cập chư thiên nhân đại chúng chi trung, phát tư hoằng thệ nguyện dĩ. Trụ Chân Thật Huệ, dũng mãnh tinh tấn, nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ.

(Này A-nan! Pháp Tạng Tỳ-kheo ở trước Như Lai Thế Tự Tại Vương và giữa đại chúng trời người phát hoằng thệ nguyện này rồi, an trụ trong huệ chân thật, dũng mãnh tinh tấn, một hướng chuyên tâm trang nghiêm cõi nước).

Phật gọi A-nan, gọi tên của Ngài là đặc biệt nhắc nhở Ngài phải chú ý. Phần khai thị phía sau vô cùng quan trọng. “Pháp Tạng Tỳ-kheo”, chúng ta phải chú ý những cách xưng hô này, có lúc gọi là “Tỳ-kheo”, có lúc gọi là “Bồ-tát”, gọi là “Phật”, đây là nói rõ từng giai đoạn Ngài tu hành chứng quả, hoàn thành từng giai đoạn thì danh xưng của Ngài sẽ khác. Ngài ở trước Phật phát nguyện, đây là “đối Phật phát nguyện”, cầu Phật chứng minh cho Ngài.

“Cập chư thiên nhân đại chúng chi trung”, đây là phát nguyện trước chúng, không phải chỉ phát nguyện ở trước mỗi một mình Phật. Có thể thấy rằng nguyện này nhất định không phải giả, Phật chứng minh cho Ngài, mọi người cũng làm kiến chứng cho Ngài, nguyện của Ngài phát là chân thật, không hư dối.

“Phát tư hoằng thệ nguyện dĩ”, đây là đã phát xong đại nguyện rồi, vả lại Ngài đích thật đã thành tựu thế giới Cực Lạc rồi. Thật sự mà nói, đoạn này là Thế Tôn vì chúng ta mà bổ sung nói rõ Ngài xây dựng thế giới Cực Lạc trong năm kiếp tu hành, cách tu hành của Ngài Pháp Tạng như thế nào? Chúng ta ở chỗ này phải chú ý, phải học tập. Ba điều sau đây vô cùng quan trọng:

Trụ Chân Thật Huệ, dũng mãnh tinh tấn, nhất hướng chuyên chí, trang nghiêm diệu độ”. “Trang nghiêm diệu độ” là quán thông ba điều phía trước, không có một thứ nào không phải là “trang nghiêm diệu độ”.

Trụ Chân Thật Huệ trang nghiêm diệu độ, dũng mãnh tinh tấn trang nghiêm diệu độ, nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ.

Vậy phải có đại nguyện mới có thù thắng vi diệu. Dùng đại hạnh của chân như thật tướng, đây là nói về tu hành, còn phát nguyện là nói về tín, “trụ Chân Thật Huệ” là nói về trí huệ.

Kế tiếp là “tinh tấn”, “nhất hướng chuyên chí” là niệm. Nếu chúng ta từ chỗ này mà xem cho tỉ mỉ, trong Kinh Di-đà nói với chúng ta về ngũ căn, ngũ lực: “tín, tấn, niệm, định, huệ”, căn lực tương ưng, đây là điều kiện cơ bản để công phu tu hành đắc lực, có thành tựu của Ngài. Quay đầu lại chúng ta phản tỉnh. Chúng ta học Phật, chúng ta cũng nghe pháp, cũng đọc kinh, cũng niệm Phật tại sao đã nhiều năm như vậy mà công phu không đắc lực?

Vì sao không đạt được sự thọ dụng chân thật? Nguyên nhân là vì “tín, tấn, niệm, định, huệ” của ngũ căn, ngũ lực đã có vấn đề. Nếu chúng ta muốn công phu tu hành thật sự đắc lực, ngang hàng với những vị Đại Đức xưa, những vị Bồ-tát thì ba điều trên là căn bản. “Trụ” là an trụ, trong tâm phải tràn đầy trí huệ mới được, đây là điều kiện thứ nhất. Chúng ta xem Lục Tổ Đàn Kinh của Thiền Tông, Huệ Năng Đại Sư lần đầu tiên gặp Ngũ Tổ (Hòa Thượng Hoằng Nhẫn), Ngài nói với Ngũ Tổ rằng: “Trong tâm đệ tử thường sanh trí huệ”. Tôi đọc đến câu này thì thật là hâm mộ, chúng ta ngày nay nếu gặp những vị Đại Đức này thì sao? “Trong tâm đệ tử thường sanh phiền não”, chúng ta thường sanh phiền não, còn họ thì thường sanh trí huệ. Đây là nói rõ tâm của người tu hành chân chánh là an trụ trong trí huệ chân thật. Chúng ta thì an trụ trong vọng tưởng, phiền não, hoàn toàn không tương ưng. Cho nên dù hết lòng niệm Phật thế nào đi nữa, ngày ngày lễ Phật, cúng dường Tăng, làm mấy mươi năm vẫn chưa có chút tin tức gì, vẫn khổ não như trước.

/ 29