/ 374
465

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 331

Các vị pháp sư, các vị đồng học!

Ngày hôm qua chúng tôi đã giới thiệu phẩm kinh “Thập Phương Phật Tán” (mười phương Phật tán thán). Chúng tôi cũng đã nêu ra trọng điểm của việc học tập.

Chúng ta xem thấy chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã dẫn dụng các kinh luận vô cùng tinh túy, khiến cho chúng ta sau khi đọc thì không muốn dừng lại, những điểm này cũng nên chia sẻ cùng với các vị đồng học. Ngài chú giải rất nhiều, chú giải vô cùng hay, khai thị của Tổ sư Đại đức xưa nay, những từ ngữ tinh yếu trong các kinh luận, Ngài đều giúp chúng ta trích lục ra, đây là ân đức của Ngài đối với chúng ta. Bản hội tập tốt đến như vậy lại có chú giải hay đến như thế, chúng ta không thể nào không chăm chỉ tu học, hy vọng ngay trong đời này thành tựu được quả đức vô cùng thù thắng.

Hôm qua tôi nói với các vị về quy y cúng dường. Trong pháp cúng dường của Di Đà Kinh Sớ Sao của Liên Trì Đại sư đã dẫn dụng một đoạn của Thanh Lương Đại sư trong Hoa Nghiêm Tông. Đây là lời của Thanh Lương Đại sư vào thời Cao Tề, đây là thời đại Nam Bắc triều.

Đại Hạnh Hòa thượng đề xướng pháp môn niệm Phật, Ngài lấy bốn chữ động viên mọi người, bốn chữ này chính là “tín”, “ức” và “ức Phật”, nhớ Phật niệm Phật. “Tín, ức bất ly ư tâm; xưng, kính bất ly ư khẩu” (tin Phật thì nhớ Phật chẳng lìa tâm; xưng danh thì cung kính chẳng lìa nơi miệng). Hoàng Niệm lão nói câu nói này chính là bổn kinh đã nói “ức niệm thọ trì quy y cúng dường”. Trong Di Đà Sớ Sao nói, vãng sanh Tịnh Độ nhất định phải có tín tâm, “thiên tín tắc thiên sanh, vạn tín tắc vạn sanh” (ngàn người tin ngàn người sanh, vạn người tin vạn người sanh). Tin danh tự Phật thì chư Phật liền cứu, chư Phật sẽ hộ niệm bạn. Tâm thường nhớ Phật, miệng thường xưng danh hiệu Phật, thân thường kính Phật thì mới gọi là “thâm tín” (tin sâu). Những câu nói này cần phải có thêm sự thuyết minh tường tận, e rằng các đồng học mới học Phật nhìn chữ mà đoán nghĩa rồi hiểu sai đi ý nghĩa.

Cái gì gọi là tín? Tin rất là khó, không dễ dàng. Tôi ngày trước đã từng báo cáo với các vị, năm xưa tôi ở Đài Loan học Phật vào năm 26 tuổi, tôi học Phật 7 năm thì xuất gia. Sau khi xuất gia thì dạy ở Phật Học Viện, tôi vừa xuất gia thì liền đi giảng kinh. Trước khi xuất gia, tôi học kinh giáo với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thời gian học không dài lắm, một năm ba tháng tổng cộng là 15 tháng. Trước khi xuất gia đã ở Đài Trung 15 tháng, nhưng tiến độ học thì rất nhanh, tôi cứ một tháng thì học một bộ kinh, cho nên 15 tháng thì học được 15 bộ kinh. Về sau vừa xuất gia thì dạy ở Phật Học Viện, ở Phật Học Viện dạy một bộ môn, một học kỳ dạy một bộ kinh. Họ ba năm thì tốt nghiệp, ba năm có 6 học kỳ, chỉ dùng có 6 bộ kinh mà tôi thì đã học đến 15 bộ kinh, tôi vẫn còn 9 bộ kinh chưa dùng tới, cho nên tiến độ rất là nhanh. Sau khi trải qua hai năm như vậy thì tôi mới đi thọ giới, chiếu theo quy củ, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là thân giáo sư của tôi, Phật pháp của tôi là học được từ ở chỗ của Ngài. Vì vậy sau khi thọ giới thì nhất định phải đi bái lão sư, đây là một lễ tiết của người Trung Quốc. Tôi đi đến thư viện Từ Quang ở Đài Trung, còn chưa bước vào cửa thì nhìn thấy lão sư đứng ở bên trong, Ngài cũng nhìn thấy tôi, Ngài vẫy tay với tôi, chỉ vào tôi nói: “Ông phải tin Phật”. Ngài nói đi nói lại vài lần cho đến khi tôi đi đến trước mặt Ngài, tôi không hiểu cái ý này. Các vị nghĩ xem tôi xuất gia đến lúc đó thì đã học Phật được 9 năm rồi, cũng đã đi giảng kinh, cũng đã đi dạy học, bây giờ còn đi thọ đại giới nữa, Ngài lại chỉ vào tôi nói: “Ông phải tin Phật”. Tôi không tin Phật thì vì sao tôi lại đi học Phật? Tôi không tin Phật thì sao tôi lại xuất gia, sao tôi lại đi thọ giới chứ? Cho nên những lời này làm cho tôi cảm thấy mù mờ. Ngài bảo tôi ngồi xuống, sau đó nói với tôi, Ngài nói: “Ông đừng cho rằng mình đã thọ giới thì là đã tin Phật rồi. Có rất nhiều người là lão tu hành đến tám chín mươi tuổi râu tóc bạc hết rồi mà vẫn không tin Phật”. Việc này tôi hiểu được một chút. Vậy thì như thế nào mới gọi là tin Phật? Bạn phải chân thật hiểu được đạo lý mà Phật đã nói, sau khi hiểu rồi thì phải y giáo phụng hành. Nếu bạn làm không được thì bạn là người không tin Phật. Thì ra tiêu chuẩn là như vậy, cái tiêu chuẩn này rất đáng để cho chúng ta cảnh giác.

/ 374