PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 319
Văn tự ở trong khoa đề vô cùng khẳng định, khiến cho chúng ta sau khi đọc xong thì không còn một chút hoài nghi nào nữa. Ý nghĩa chính là nói người vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho dù là vãng sanh đến biên địa nghi thành, biên địa nghi thành này là còn chưa nhập phẩm, đều có thể nói là họ nhất định đang ở thế giới Cực Lạc, ngay trong một đời có thể chứng được Phật quả cứu cánh. Chúng ta thấy cái ngữ khí này là khẳng định biết bao! Vãng sanh đến nghi thành, chúng ta cũng xem trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, trong Vãng Sanh Truyện. Hầu hết các đồng học đều biết việc ông Viên Hoằng Đạo vãng sanh. Ông là sanh vào biên địa nghi thành. Trong các Kinh luận, Tổ sư đại đức nói với chúng ta, phàm là người sanh đến biên địa nghi thành đều là lòng tin chưa đủ. Thế nhưng ông rất dụng công, thật làm, nếu ông không thật làm thì ông đã không thể vãng sanh. Thật làm nhưng tại sao lại sanh đến biên địa nghi thành? Thứ nhất là hoài nghi Phật nói đến thế giới Tây Phương Cực Lạc là thật hay giả, ông chần chừ do dự, lưỡng lự đắn đo. Nếu đây là sự thật thì mình sẽ được vãng sanh rồi, còn nếu là giả thì thôi vậy. Dù ông rất dụng công, nguyên nhân là tại tín nguyện hạnh. Đây là nghi hoặc đầu tiên, Phật nói lời này là thật hay không thì không dám quyết đoán. Thứ hai là hoài nghi chính mình, bản thân mình nghiệp chướng rất sâu nặng, có thể vãng sanh được hay không? Thế nhưng họ vẫn đầy đủ tín nguyện hạnh. Trong hai loại nghi hoặc này, chỉ có một loại thôi thì họ không thể nhập phẩm, hạ hạ phẩm vãng sanh họ cũng chưa có phần. Họ sanh đến nghi thành nhưng họ đích thực có đầy đủ điều kiện để vãng sanh, chỉ là “nghi” vẫn chưa đoạn trừ. Trong Kinh, Phật nói với chúng ta, người sanh đến nghi thành phải sám hối, vừa sám hối thì họ liền có thể nhập phẩm. Thời gian sám hối dài nhất cũng không quá năm trăm năm. Năm trăm năm là nói theo thời gian của chúng ta, không phải nói thời gian của thế giới Cực Lạc.
Phần trước, chúng ta cũng đã xem qua, thế giới Cực Lạc không có ngày tháng năm. Phàm là người vãng sanh đến thì đều có thể đột phá được thời gian và không gian ở nơi đó. Thuật ngữ của các nhà khoa học hiện nay gọi là đột phá thời không. Sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì thời gian và không gian không còn nữa, việc này chúng ta không thể không biết. Không gian không còn nữa thì khoảng cách cũng không còn. Cho nên họ có năng lực mỗi ngày đi cúng Phật, bái Phật ở mười phương. Bái Phật, cúng Phật là tu phước. Nghe Phật giảng Kinh thuyết pháp là tu huệ. Cho nên, đi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì cơ hội tu phước và tu huệ của chúng ta rất viên mãn. Chúng ta không thể nói là nhiều, nó là viên mãn, phước huệ song tu.
Thứ hai là đột phá thời gian. Đột phá thời gian chính là không có quá khứ, không có tương lai. Đây là việc mà ở thế gian này có biết bao nhiêu người từ xưa đến nay muốn mà không thể nào đột phá được. Chúng ta không thể nào trở về quá khứ, chúng ta cũng không thể tới được tương lai, đây là thuộc về đột phá thời gian. Ngày nay chúng ta ở trên địa cầu này, bất luận là ở nơi nào cũng đều bị chướng ngại về thời gian. Hiện nay tuy rằng giao thông tiện lợi, chúng ta từ đây bay đi Mỹ chỉ mất khoảng mười mấy tiếng đồng hồ. Nếu như nói là thời gian không còn nữa thì không cần phải mất nhiều thời gian như vậy. Vừa động ý niệm thì đã tới nơi rồi, bạn nói xem tiện lợi biết bao! Cho nên, ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, những thứ tưởng như khoa học viễn tưởng đều hoàn toàn thực hiện được. Việc này chứng tỏ chúng sanh ở bên đó có cuộc sống rất tự tại.
Lấy một thí dụ để chứng minh, bất luận tu học pháp môn nào, không những là học Phật, ở bên Trung Quốc thì nói nhà Đạo, thậm chí là nhà Nho, hiện tại ở trên thế giới này, ở trong rất nhiều Kinh điển của các tôn giáo, không có pháp môn nào không chú trọng tâm thanh tịnh. Trong chương này Kinh văn không dài, nó cũng được phân làm ba đoạn, đoạn thứ nhất chính là thanh tịnh bình đẳng. Trong đây lại có ba đoạn nhỏ nữa. Trong khoa phán thì các vị cũng đã xem thấy, cảnh bình đẳng, tâm bình đẳng, lạc bình đẳng. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì cái lạc đó là bình đẳng. Không phải là nói Phật, Bồ-tát các Ngài hưởng niềm an lạc nhiều hơn chúng ta, chúng ta thua kém các Ngài một bậc. Không có! Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc thì hết thảy đều bình đẳng. Vậy chúng ta muốn vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không thể không tu tâm bình đẳng. Điều này rất quan trọng. Những thứ này đều thuộc về tam tư lương. Tín nguyện hạnh đều nằm ở trong tam tư lương, cho nên phải giảng kỹ tam tư lương một chút. Phần sau của Kinh văn giới thiệu với các vị cần phải có những điều kiện gì thì mới có thể vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Cho nên, phần sau là tam bối vãng sanh.