/ 374
601

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 299

Khoa đề: “Thực tự tại”

Kinh văn: “Nhược dục thực thời, thất bảo bát khí, tự nhiên tại tiền, bách vị ẩm thực, tự nhiên doanh mãn. Tuy hữu thử thực, thật vô thực giả, đản kiến sắc văn hương, dĩ ý vi thực. Sắc lực tăng trưởng, nhi vô tiện uế, thân tâm nhu nhuyễn, vô sở vị trước. Sự dĩ hóa khứ, thời chí phục hiện”.

Đoạn Kinh văn này là nói đến ẩm thực, việc ăn uống ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc, hiện tại xã hội chúng ta thì nói là văn hóa ẩm thực. Các vị hãy xem văn hóa ẩm thực của người ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Câu mở đầu này vô cùng quan trọng: “Nhược dục thực thời”. Chữ then chốt trong câu này là chữ “dục”, cũng chính là nói khi bạn muốn ăn, khi bạn không muốn ăn thì sẽ không có những sự việc này. Vì sao lại muốn ăn vậy? Trong sự suy đoán của chúng tôi, đây nhất định là mới vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc thời gian vẫn chưa bao lâu, những tập khí ở Thế giới Ta Bà của chúng ta vẫn còn chưa quên hẳn, đến bên đó được một khoảng thời gian, liền nghĩ “sao vẫn còn chưa ăn cơm nhỉ”. Cái ý niệm này vừa khởi lên thì cảnh giới này liền hiện tiền. Thế giới Tây Phương Cực Lạc chân thật là tâm tưởng sự thành, tất cả đều là biến hóa ra.

“Thất bảo bát khí”. Nhà Phật gọi là bát khí, hiện nay mọi người trong xã hội thì gọi là dụng cụ ăn uống. Chúng ta phải hiểu được sự biến hóa ở chỗ này, là thiện xảo biến hóa mà thế xuất thế gian pháp thường nói. Hiện tại thì gọi là dụng cụ để ăn uống.

Chúng ta biết, vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng không phải chuyên ám chỉ những người niệm A Di Đà Phật đều được vãng sanh. Nếu bạn nghĩ như vậy thì sai rồi. Sau cùng chúng ta đọc đến trong phần “Tam Bối Vãng Sanh”, “Vãng Sanh Chánh Nhân” thì sẽ nói đến cái chân tướng sự thật này. Gặp được pháp môn này, người tu học Tịnh Tông chúng ta đích thực là niệm Phật vãng sanh. Nhưng nếu không phải tu pháp môn Tịnh Tông mà tu các pháp môn khác thì có thể vãng sanh hay không? Có thể. Bạn xem phần “Tam Bối Vãng Sanh” ở phía sau, tổng cộng có bốn đoạn Kinh văn, một đoạn sau cùng (Từ Châu Đại Sư phân chia thành nhất tâm tam bối), điều nói trong đoạn này thì không phải tu Tịnh Tông, mà là tu pháp môn khác trong nhà Phật, đem công đức mà mình tu học đều hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ thì hết thảy đều có thể vãng sanh. Pháp môn này mới thật sự gọi là quảng đại. Không những là tu các pháp môn khác trong nhà Phật, chúng ta chân thật hiểu được ý nghĩa này thì suy luận ra mà biết, tu học bất kỳ tôn giáo nào ở thế gian mà bạn đem công đức tu học của mình đến lúc lâm chung muốn cầu vãng sanh thì hết thảy đều được sanh. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là đa nguyên văn hóa, dù là dân tộc nào, dù là tôn giáo nào đi nữa cũng bao gồm hết thảy.

Điều kiện thật sự của việc vãng sanh các vị nhất định phải ghi nhớ: “Tâm tịnh thì Phật Độ tịnh”. Bất luận bạn tu học một tôn giáo nào mà tu được đến tâm địa thanh tịnh thì điều kiện của bạn đã đầy đủ, đến lúc lâm chung mà gặp được bạn hữu nói với bạn rằng thiên đường Thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng hay lắm, thiên đường thì có rất nhiều, cái thiên đường này thì có thể đi xem thử, như vậy họ cũng có thể đi được. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Đây không những là Đại Thừa, mà Đại Thừa trong Đại Thừa. Việc này phía trước đã giới thiệu qua với các vị rồi, là Nhất Thừa ở trong Nhất Thừa, cứu cánh viên mãn, làm gì có chuyện tu học các pháp môn khác mà không thể vãng sanh, làm gì có đạo lý này chứ? Thông thường trên Kinh nói tám vạn bốn ngàn pháp môn đó là chỉ Phật giáo, còn nói vô lượng pháp môn đó chính là đem tận hư không biến pháp giới tất cả mọi hành môn đều bao gồm vào trong cả. Vô lượng pháp môn, bạn suy nghĩ xem, có bao gồm các pháp môn khác ở trong đó hay không? Phải hiểu đạo lý này thì bạn mới thật sự hiểu được cái chân thật nghĩa mà Như Lai đã nói, quyết không phải là hạn chế phiến diện, mà là viên mãn, nó rất uyên thâm.

/ 374