/ 374
446

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 234

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH (TẬP 234)

****************

Kinh văn: “Sở phát thệ nguyện, viên mãn thành tựu, như thật an trụ, cụ túc trang nghiêm, uyđức quảng đại, thanh tịnh Phật độ”.

Câu ở phía trước đã báo cáo qua cùng với chư vị rồi, tiếp theo đây là khoa nhỏ thứ tư: “Như thực nghiêm tịnh”. Bởi vì Pháp Tạng Bồ Tát đã phát ra 48 nguyện, 48 nguyện không phải chỉ là 48 điều, mà là đại nguyện cứu cánh viên mãn. Mấy hôm trước tôi ở Hồng Kông có vị đồng tu hỏi rằng, pháp môn bổn nguyện niệm Phật của Nhật Bản cùng với 48 nguyện Tịnh Độ Tông của chúng ta đã nói có gì khác biệt? Kỳ thực, Tịnh Tông của Nhật Bản là truyền đến Nhật Bản từ thời Tùy Đường, khi được truyền đến không có sai khác gì, đa số đều là học trò của Thiện Đạo Đại Sư, cho nên ngày nay chúng ta tại Nhật Bản có rất nhiều nơi đều nhìn thấy tạo tượng của Thiện Đạo Đại Sư, còn có rất nhiều tự miếu dùng danh hiệu của Đại Sư đặt làm tên, như Thiện Đạo tự. Từ đây cho thấy, người Nhật Bản, đặc biệt là Tịnh Tông của Nhật Bản, đối với Thiện Đạo Đại Sư có cảm tình vô cùng sâu dày. Việc này đáng để chúng ta tán thán. Pháp môn Bổn Nguyện ban đầu không sai, cùng với “Kinh Vô Lượng Thọ” giảng không hai không khác, chỉ là ở trong 48 nguyện đã đặc biệt nhấn mạnh nguyện thứ 18. Thế nhưng chúng ta phải hiểu được, 48 nguyện mà Phật A Di Đà đã nói, mỗi một nguyện quyết định bao gồm 47 nguyện còn lại thì cái nguyện này mới là viên mãn. Nếu như đơn độc một nguyện mà không hàm chứa những nguyện khác thì nguyện này không thể thành tựu. Đạo lý này, chúng tôi giảng “Kinh Vô Lượng Thọ” đã nói qua rất nhiều lần, đều đã nêu ra. Lần giảng này, 48 nguyện chúng tôi đã giảng được rất là tường tận, hình như đã có VCD lưu hành riêng. Nhật Bản ngày trước, những vị Đại đức này đều hiểu, nhưng mà thời cận đại có một số Đại đức đã hiểu lầm, cho rằng chỉ nương vào nguyện thứ 18 thì được rồi. Chúng ta có thể nói với họ, khẳng định không thể vãng sanh. Nguyên nhân là gì? “Kinh Vô Lượng Thọ” trong phần “Tam Bối Vãng Sanh” đã nói rất hay, thượng bối trung bối hạ bối đều là giảng “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, đây là điều kiện cần phải có đủ để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế giới. “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, nếu như chỉ nương vào nguyện thứ 18, họ chỉ có nhất hướng chuyên niệm không có phát Bồ Đề tâm, vì thế tôi nói khẳng định là không thể vãng sanh. Phát Bồ Đề tâm nằm ở nguyện nào? Ở nguyện thứ 19. Chúng ta đều đã đọc rất thuộc. Thực tế mà nói, 47 nguyện khác đều là thuộc về phát Bồ Đề tâm, thiếu một nguyện thì Bồ Đề tâm của bạn không viên mãn. Mọi người nghĩ xem có phải đạo lý như vậy không? Cho nên, trong việc này không thể hiểu sai, không thể đánh cược. Học Phật, tụng Kinh cầu sanh Tịnh Độ, làm gì có chuyện may mắn mà được vãng sanh? Việc này chúng ta nhất định phải hiểu được, phải làm rõ ràng, phải làm minh bạch.

“Thệ nguyện thành tựu” ở chỗ này, câu nói này là tổng kết: “Sở phát thệ nguyện viên mãn thành tựu”. Bốn mươi tám nguyện, nguyện nguyện đều bao hàm 47 nguyện còn lại, trên thực tế là bao hàm đại nguyện viên mãn của chư Phật Bồ Tát, do vậy 48 không chỉ giới hạn ở 48. Chúng ta nhất định phải minh bạch chân tướng sự thật này. Sau khi thành tựu viên mãn, “như thật an trụ, cụ túc trang nghiêm, uyđức quảng đại, thanh tịnh Phật độ”. Bốn câu này là nói Tây Phương Cực Lạc Thế giới. Cực Lạc Thế giới thanh tịnh trang nghiêm, ở trong bốn câu này đều đã được hiển bày ra hết. Trong bốn câu này, một câu quan trọng nhất chính là “như thật an trú”. Thực là chân thật, cũng chính là thật tướng chân như và pháp thân. “Như thật an trú”, như thật an trú cái “chân thật chi tế” này. Phật ở trên bộ Kinh này đã giảng cho chúng ta ba cái chân thật. “Chân thật chi tế”, chính là ở trong Thiền Tông nói “minh tâm kiến tánh”, “chân thực chi tế” chính là “chân như bổn tánh”, cũng chính là “chư pháp thực tướng” mà trên “Kinh Bát Nhã” thường nói. “Chư pháp thực tướng” là tất cả tánh thể của Kinh Đại Thừa, cũng chính là nói, tất cả Kinh luận Đại Thừa mà hết thảy chư Phật Bồ Tát đã nói đều là y cứ vào chư pháp thực tướng mà nói. “Như thực” chính là “như như”.

/ 374