PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 181
Văn Danh Cụ Sanh
Kinh văn:
“Ngã nhược thành chánh giác
Lập danh vô lượng thọ
Chúng sanh văn thử hiệu
Câu lai ngã sát trung”.
Đoạn nhỏ này là một bài kệ gồm bốn câu. Bốn câu này là trung tâm của đại nguyện Di Đà, cũng là hết thảy mấu chốt của “Kinh Vô Lượng Thọ”. Không chỉ là Di Đà phổ độ mười pháp giới tất cả chúng sanh, mà cũng là con đường duy nhất mà mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai độ chúng sanh thành Phật đạo. Bốn mươi tám nguyện đều là khai diễn của bốn câu kệ này.
Vào thời xưa, Đại sư Thiện Đạo đã nói: “48 nguyện mỗi nguyện đều là quy về pháp môn niệm Phật”. Danh hiệu của Di Đà đầy đủ vô lượng nghĩa: vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng thanh tịnh, vô lượng trang nghiêm, vô lượng trí tuệ, thậm chí đến vô lượng của vô lượng. Người xưa nói với chúng ta, vô lượng quang là biểu thị tự tánh vô lượng trí tuệ vốn đầy đủ, vô lượng thọ là biểu thị pháp thân thường trụ. Cho nên, danh hiệu hàm nhiếp tất cả pháp. Chúng ta thường hay nghe nói: “Danh hiệu công đức không thể nghĩ bàn”. Câu nói này rất chân thật. Thế nhưng đối với người sơ học của chúng ta mà nói, sau khi chúng ta nghe rồi, luôn cảm thấy cách nói của câu này quá hàm hồ, quá chung chung, khiến cho người sơ học chúng ta không tìm ra được bờ mé. Do đây Thế Tôn mới cần phải 49 năm vì tất cả chúng sanh giảng Kinh nói pháp. Chư Phật Như Lai nói ra tất cả pháp đều không lìa khỏi Vô Lượng Thọ. Các vị phải ghi nhớ, “Vô Lượng Thọ”, văn Phạn gọi là A Di Đà, là đức hiệu chân như tự tánh của chúng ta. Người xưa nói “Vô Lượng Thọ” biểu thị pháp thân thường trụ. Lời nói này rất thỏa đáng, rất viên mãn.
Các Đại đức thời Tùy Đường, bao gồm Nhật Bản, Cao Ly thời đó, một số tăng nhân nước ngoài đến Trung Quốc du học, họ đều khẳng định: Thế Tôn nhất đại thời giáo 49 năm đã tuyên nói, ngay trong tất cả Kinh giáo, “Hoa Nghiêm” là tối viên mãn. Cho nên, bất cứ một tông phái nào cũng đều tôn trọng “Hoa Nghiêm” là pháp luân căn bản, tất cả Kinh đều là quyến thuộc của “Hoa Nghiêm”. Cũng giống như một cây to, “Hoa Nghiêm” là gốc rễ của một thân cây, Thế Tôn 49 năm đã nói ra tất cả Kinh giáo khác cũng giống như cành lá của cây vậy, đều là từ căn bản mà sanh ra, đều là để xiển dương đạo lý căn bản. Mà “Vô Lượng Thọ” lại chính là căn bản của căn bản. Từ ngay chỗ này hiển thị rõ ra, danh hiệu công đức không thể nghĩ bàn. Nói được càng cụ thể hơn một chút, 48 nguyện chính là chú giải của bài kệ này, toàn bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” là chú giải của 48 nguyện, bộ “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” chính là chú giải của “Kinh Vô Lượng Thọ”, tất cả Kinh màThế Tôn nói trong 49 năm là chú giải của “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”. Chúng ta từ ngay chỗ này quy nạp lại một chút, tất cả Kinh quy nạp lại là “Hoa Nghiêm”, “Hoa Nghiêm” quy nạp lại là “Vô Lượng Thọ”, “Vô Lượng Thọ” quy nạp lại là 48 nguyện, 48 nguyện quy nạp lại chính là bốn câu kệ này. Đây mới biết bốn câu kệ này nói rõ pháp môn niệm Phật. Khoa đề này chúng ta là “văn danh cụ sanh”, như vậy mới đem danh hiệu công đức vì chúng ta hiển thị rõ ra.
Do đây có thể biết, niệm một câu sáu chữ hồng danh này cũng giống như đem tất cả Kinh mà Thích Ca Mâu Ni Phật trong 49 năm nói ra thảy đều niệm hết, “một là tất cả, tất cả là một”. “Một” là gì? Là một câu sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật”. “Tất cả” là gì? Ngày nay mọi người chúng ta có thể thấy ra được, “Đại Tạng Kinh” của Phật giáo là tất cả. Đạo lý và chân tướng sự thật này, người biết được không nhiều. Quả nhiên tường tận, quả nhiên biết được rồi thì làm gì có lý nào mà không hết lòng hết dạ niệm Phật? Bạn không niệm Phật thì niệm cái gì? Bạn đọc Kinh, niệm chú, bạn niệm gì đều chỉ là cành lá của một cây. Bạn niệm A Di Đà Phật chính là niệm ngay gốc của cây to. Chúng ta mới thật làm cho rõ ràng, thật làm cho tường tận. Cho nên, người xưa thường hay khích lệ chúng ta: “Tử tận thâu tâm, lão thật niệm Phật”. Thâu tâm là gì? Đầu cơ thủ xảo, không thành thật. Người chân thật thành thật, một câu danh hiệu niệm đến cùng thì liền thành công rồi.
Mấy ngày nay, có rất nhiều đồng tu từ khắp nơi đến đây, các vị có người từ Cam Túc đến, có người từ Đơn Đông đến, có người từ Thẩm Dương, còn có người từ Đại Liên, các đồng tu từ các quốc gia khu vực khác đến rất nhiều. Các vị từ Đông Bắc đến đại khái đều biết Trường Xuân Bách Quốc Hưng Long Tự có một vị pháp sư Thường Huệ, rất nhiều người đều biết bà. Bà không hề đi học, không biết chữ. Bà năm nay đã hơn 60 tuổi, là một vị lão Tỳ Kheo. Một câu “Nam Mô A Di Đà Phật” bà đã niệm thành công. Rốt cuộc bà niệm đến được công phu như thế nào? Tôi không dám nói, tôi chưa gặp mặt bà, nhưng ngay trong truyền thuyết, tôi suy tưởng mức độ thấp nhất là bà đã chân thật niệm đến công phu thượng thừa, công phu thành khối. Công phu thành khối cũng có ba bậc chín phẩm. Có được công phu như vậy thì sanh tử liền tự tại. Thế gian này có duyên thì có thể ở thêm mấy năm, nếu không có duyên, muốn lúc nào vãng sanh thì đến lúc đó vãng sanh. Đây là các vị xem thấy một người ngay hiện tại. Còn có một số người chân thật có cái công phu này, hoặc giả còn cao minh hơn so với công phu này, nhưng họ không hiển lộ nên không có người biết.