/ 374
562

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 164

Ngày trước, vào thời đại Tùy Đường, Đại Sư Trí Giả của Tông Thiên Thai vãng sanh Thế giới Cực Lạc, học trò hỏi Ngài: “Lão sư! Ngài sanh đến Thế giới Cực Lạc là phẩm vị gì vậy?”. Ngài nói với học trò, phẩm vị vãng sanh của Ngài không cao, vãng sanh phẩm vị thứ năm. Phẩm vị thứ năm là sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Đại Sư nói cho học trò, bởi vì Ngài dẫn chúng, bởi vì hoằng pháp, cho nên làm lỡ đi việc tu hành của chính mình; nếu như Ngài không dẫn chúng, không quản những sự việc này thì phẩm vị của Ngài sẽ rất cao. Đây là nói rõ hy sinh phẩm vị của chính mình để thành tựu nhân duyên vãng sanh của đại chúng, là Bồ Tát thị hiện. Đặc biệt ở vào thời đại hiện tại của chúng ta, người hoằng pháp ít, nếu chúng ta không phát tâm thì ai đến phát tâm? Nếu như bạn chuyên cầu tự lợi, không lo người khác, Phật pháp ở thế gian này bị đoạn tuyệt, bạn nghĩ xem, bạn có thể vãng sanh được hay không? Trong thế gian pháp mà còn nói "bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại". Thích Ca Mâu Ni Phật tổ tổ tương truyền, truyền đến đời này của bạn thì bạn làm sao có thể để đoạn tuyệt? Đó gọi là đại bất hiếu! Trừ khi bạn không có nhân duyên thì được, nếu không có người học với bạn, không có người bằng lòng thân cận bạn, vậy thì bạn có thể chuyên tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, về sau thừa nguyện tái lai. Nếu như thế gian này còn có một hay hai người chịu nghe bạn, muốn theo học với bạn thì bạn không thể không chăm sóc họ, thì bạn không thể đi một mình. Nếu như bạn đi một mình, bạn không chăm sóc những người này thì tâm từ bi của bạn ở đâu? Bạn có ý niệm này, bạn thử nghĩ xem, bạn vẫn chưa buông xả tự tư tự lợi . Nếu không buông xả tự tư tự lợi thì bạn có dụng công tu hành như thế nào cũng không thể vãng sanh. Vì sao vậy? Không tương ưng với điều kiện vãng sanh. Bạn xem, ba bậc vãng sanh trong bổn Kinh, Thế Tôn dạy bảo chúng ta là "phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm". Bạn chỉ có một lòng chuyên niệm, không có "phát tâm Bồ Đề", vậy thì bạn niệm có được tốt hơn, nếu cho điểm số thì điểm cao nhất của bạn cũng chỉ được 50 mà thôi, không thể đạt chuẩn. Cho nên bạn phải ghi nhớ, vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc chính là "phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm". Điều này bạn phải hiểu.

Đọc đến đoạn nguyện văn này, đối với hoàn cảnh sinh hoạt của Thế giới Cực Lạc, chúng ta sanh khởi ngưỡng vọng vô hạn, quyết tâm phải đi.

Chúng ta xem tiếp nguyện sau, nguyện này rất là thù thắng. "Mười phương chư Phật ứng niệm thọ kỳ cúng dường". Điều này vô cùng quan trọng. Đối với tu học của Phật pháp, Thế Tôn ở trong tất cả Kinh luận đều đem bố thí để ở hàng đầu. Luận về công phu của hành môn, có thể nói chính là bố thí, bắt đầu từ ngay chỗ này, cũng đến ngay chỗ này viên mãn. Từ thỉ đến chung, không gì khác hơn chính là bố thí mà thôi. Ý nghĩa của bố thí là buông xả.

Hành môn của Bồ Tát thì vô lượng vô biên, nên gọi là tám vạn bốn ngàn pháp môn. Vô lượng pháp môn, Phật đem nó quy nạp lại thành sáu nguyên tắc lớn, chính là sáu Ba La Mật. Vô lượng vô biên hành môn quy nạp lại thành sáu điều. Sáu điều này nếu quy nạp lại nữa thì chính là một điều bố thí. Trong bố thí có ba loại: Tài bố thí, pháp bố thí, vô úy bố thí. Trì giới, nhẫn nhục là thuộc về vô úy bố thí. Tinh tấn, thiền định, Bát Nhã là thuộc về pháp bố thí. Tất cả đều có thể quy về một điều bố thí này. Trong việc tu hành, bạn tu điều gì? Bạn phải hiểu được, đó chính là thí xả. Phật ở trong Kinh luận dạy bảo chúng ta: “Thí xả độ san tham”. San là bỏn xẻn, chính mình có nhưng không thể xả cho người khác, đây là gốc bệnh. Vì sao nói nó là gốc bệnh? Ý niệm của bạn không thể xả, chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nghiêm trọng. Hậu quả của việc nghiêm trọng này là gì? Địa ngục. Do đây có thể biết, thường buông xả san tham chính là buông xả ba đường ác rồi, bạn chắc chắn không đọa ba đường ác. Đạo lý chính ngay chỗ này.

Trong pháp bố thí, nếu bạn dùng tâm chân thành, cung kính để tu bố thí thì đó gọi là cúng dường. Cúng dường và bố thí ở trên sự mà nói là một sự việc, nhưng dụng tâm không giống nhau. Thông thường bạn bố thí cũng sẽ có tâm yêu thương, thế nhưng tâm chân thành, cung kính không thể sanh khởi. Hiện tại không thể dùng thí dụ để nói ra được. Người thời trước nói: “Bạn dùng tâm hiếu thuận cha mẹ, tâm cung kính sư trưởng để tu bố thí thì đó gọi là cúng dường”. Người thời trước thì hiểu được, nhưng người hiện tại không biết được như thế nào gọi là hiếu thuận cha mẹ, cũng không biết được như thế nào gọi là tôn trọng sư trưởng, ý niệm của họ không có. Ngày nay chúng ta nói điều này, ngay đến thí dụ cũng không nói ra được. Việc này thật khó. Họ từ trong cái nhà nhỏ, người lớn không dạy cho họ; khi đi học thì trường học cũng không dạy họ; phóng mắt nhìn vào trong xã hội cũng không tìm ra được điển hình, vậy thì làm sao họ có được quan niệm này? Nếu họ có quan niệm này, vậy thì họ chính là cổ Phật tái sanh. Nếu như họ không phải là người tái sanh thì họ quyết định sẽ không có được quan niệm này. Thực tế, việc này thì rất khó. Do đây có thể biết, chúng ta tu hành thành tựu, lấy vãng sanh mà nói, nếu bạn muốn sanh đến cõi Thật Báo, sanh đến cõi Phương Tiện Hữu Dư đều tương đối khó khăn. Hy vọng duy nhất ngày nay của chúng ta chính là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, mang nghiệp chướng cực trọng cũng có thể vãng sanh. Vì sao vậy? Bởi vì nếu muốn vãng sanh lên hai cõi này thì bạn phải hiểu được hiếu thân tôn sư. Nếu bạn hiểu được cúng dường, bạn lại dùng tâm bố thí mà chẳng có tâm cúng dường, thì lên hai cõi trên thật là không dễ gì khế nhập, đối với tất cả đại chúng, tâm cung kính của chúng ta rất không dễ gì sanh khởi. Then chốt chính ngay chỗ này.

/ 374