/ 374
562

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 84

*******

Người chân thật tu hành, căn bản vẫn là tín-nguyện-hạnh, quyết định phải tin tưởng chính mình. Thánh nhân thế gian nói với chúng ta: “Khắc kỷ tác thánh”, ý nghĩa của câu nói này là phàm phu có thể khắc phục được vọng niệm của chính mình, thì bạn liền có thể làm thánh. Trong Phật pháp thì đoạn phiền não liền chứng Bồ Đề, cho nên người tu hành nhất định phải vật lộn với phiền não, phải đánh thắng, không thể đánh thua, thua thì xong rồi. Làm thế nào mới có thể đánh thắng? Phải liều mạng, không sợ khổ, không sợ khó, không sợ chết thì bạn quyết định chiến thắng. Phàm hễ đánh bại trận là do sợ khó, sợ khổ, sợ chết. Sợ khó, sợ khổ, sợ chết thì bạn nhất định thất bại. Chân thật cầu Phật Bồ Tát bảo hộ, cầu Phật Bồ Tát hộ niệm, bạn hạ quyết tâm thìPhật Bồ Tát liền hiện tiền, Phật Bồ Tát ngày đêm ở chung quanh bạn bảo hộ bạn. Khổ cùng nạn quyết định là có, thế nhưng quyết định không chết được. Đến lúc bạn sắp chết thì Phật Bồ Tát lập tức liền hiện tiền đến giúp bạn một chút. Chúng ta xem thấy trong Hư Vân Lão Hòa Thượng Niên Phổ, bạn xem thấy Đàm lão Hòa thượng phát nguyện bái sơn, ba bước một lạy, mấy ngàn dặm đường phải lạy mấy năm mới lạy đến, buổi tối thì ngủ ngay trên đất nơi lạy đến, nhiều tháng nhiều năm thì làm gì không bị bệnh? Có bệnh khổ, khổ đến không thể đứng vững. Phật Bồ Tát đến để giúp Ngài điều dưỡng bệnh. Sau khi hết bệnh rồi thì Phật Bồ Tát đi, Ngài tiếp tục bái lạy. Sợ khổ, sợ khó, sợ chết thì làm sao có thể ra khỏi luân hồi,làm sao có thể được sanh Tịnh Độ? Chúng ta phải tìm cho ra tâm bệnh, chỉ cần tiêu trừ tâm bệnh. Phật tổ có thể thành tựu, tại vì sao chúng ta không thể thành tựu?

“Hằng phóng quang minh chiếu nhất thiết”.

“Quang” là trí quang. “Chiếu nhất thiết”, thế xuất thế gian tất cả pháp không có thứ nào không thông đạt tường tận thì gọi là chiếu nhất thiết. Mười phương ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, quá khứ vô thỉ, vị lai vô cùng, tất cả thảy đều thông đạt tường tận. Cái năng lực này từ do đâu mà có? Năng lực chính là ở “an trụ Tam Ma Địa” mà ra. Thực tế mà nói, Tam Ma Địa chính là chân tâm, là bổn tánh của chúng ta. Ngày nay chúng ta đã bỏ mất đi chân tâm bổn tánh, lăn lộn trong sáu cõi, cho nên đời sống khổ đến như vậy, đáng thương đến như vậy. Chư Phật Bồ Tát giáo huấn đối với chúng ta không gì khác hơn là giúp chúng ta hồi phục lại tự tánh mà thôi. Mê là chính mình mê, ngộ vẫn là phải chính mình giác ngộ, chư Phật Bồ Tát làm tăng thượng duyên cho chúng ta, còn chúng ta phải nương vào giác ngộ của chính mình. Tại vì sao chúng ta không giác ngộ? Vẫn là một câu nói cũ: “Không chịu buông bỏ”, cho nên không giác ngộ. “Nhìn thấu, buông bỏ”, đây là khi tôi mới bắt đầu học Phật, Đại Sư Chương Gia truyền cho tôi. Về sau tôi tường tận, Bồ Tát từ sơ phát tâm mãi đến thành Phật, công hạnh của họ cũng không ngoài hai câu này. Nhìn thấu giúp chúng ta buông bỏ, buông bỏ giúp chúng ta nhìn thấu, tương bổ tương thành. Thảy đều buông bỏ thì có thể thành vô thượng đạo. Nhìn thấu là thông đạt tường tận, không mê hoặc; buông bỏ thì tâm địa thanh tịnh, không nhiễm trước. Trước mắt chúng ta, nghiêm trọng nhất chính là danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, đây là chướng ngại lớn nhất trước mắt chúng ta, là cội gốc của đại tai đại nạn. Chúng ta hiểu rõ rồi thì đó chính là nhìn thấu. Biết được thứ này không phải là thứ tốt thì bạn liền buông bỏ. Khi bạn vừa buông bỏ thì trí tuệ của bạn liền thêm lớn, mặt thấy của bạn sẽ rộng hơn, thấy được lại sâu hơn. Sau khi thấy rồi lại buông bỏ, thế là trí tuệ của bạn thêm lớn. Đối với tất cả chúng sanh vũ trụ hư không pháp giới, quá khứ, hiện tại, vị lai, càng xem càng rộng, càng thấy càng sâu, thế là bạn cũng sẽ buông bỏ được càng rộng, buông bỏ được càng sâu, không một chút nào nhiễm trước. Không chỉ là pháp thế gian, mà Phật pháp cũng không nhiễm trước, không những không nhiễm trước mười pháp giới, mà pháp giới nhất chân báo độ chư Phật cũng không nhiễm trước, như vậy mới có thể đồng cảnh giới Phật, tri kiến đồng với Phật, sở chứng đồng với Phật. Đây là “hằng phóng quang minh chiếu nhất thiết”. Trên kinh Đại thừa thường nói “tịch nhi thường chiếu, quang chiếu bất xả”. Câu nói này cũng chính là ở trong Đàn Kinh, Đại Sư Huệ Năng đã nói là “thường sanh trí tuệ”, thời thời sanh trí tuệ, nơi nơi sanh trí tuệ, niệm niệm sanh trí tuệ. Trí tuệ làm sao mà sanh? Tâm địa thanh tịnh.

/ 374