/ 374
776

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 57

Kinh văn: “Sở dĩ giả hà, Như Lai định huệ, cứu sướng vô cực, ư nhất thiết pháp, nhi đắc tối thắng tự tại cố”.

Đoạn Kinh văn này là nói đến đức dụng pháp thân và báo thân của Như Lai. Lý sự ở trong đây không phải Bồ Tát thông thường có thể lý giải được, huống hồ là phàm phu, cho nên Thế Tôn ở ngay chỗ này gọi A Nan nói với ông, phía trước trên Kinh văn đã nói rõ: “Như Lai chánh giác, kỳ trí nan lượng, vô hữu chướng ngại, năng ư niệm khoảnh, trụ vô lượng ức kiếp, thân cập chư căn, vô hữu tăng giảm”. Đây là vô cùng tán thán đức dụng pháp thân, báo thân vô biên. Ở trong Phật pháp, ngay trong giới Kinh Phật dạy chúng ta không được tự khen mình chê người, vậy khi chúng ta xem đoạn Kinh văn này, chỗ này Thế Tôn chẳng phải chính mình đã tán thán chính mình hay sao? Tại vì sao Thế Tôn phải dùng phương pháp này để nói pháp? Đạo lý này rất sâu, chính bởi vì sự việc này không có người nào có thể biết, cho nên gọi là “chỉ Phật cùng Phật mới có thể cứu cánh”. Trong tình hình này, Phật đành phải tự mình nói. Sau khi nói xong, phải giải thích với chúng ta. “Sở dĩ giã hà” là một câu hỏi, ý nghĩa chính là tại vì sao Phật dùng cách nói này.

Phía sau lại giải thích: “Như Lai định huệ, cứu sướng vô cực”. Chỗ này ở trong khoa văn, các vị có thể xem thấy được câu này là giải thích. “Như Lai”, danh hiệu này ở phẩm sau cùng chúng ta sẽ giải thích tỉ mỉ, bởi vì phía sau có mười hiệu, trong mười hiệu, hiệu thứ nhất chính là Như Lai. Nếu nói theo nghĩa rộng, người kiến tánh mới có thể được gọi là Như Lai. Do đây có thể biết, mười loại đức hiệu trên quả địa Như Lai, Bồ Tát cũng có. Bồ Tát nào vậy? Phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, họ liền đầy đủ mười hiệu. Tuy là đầy đủ mười hiệu, nhưng chưa đạt đến cứu cánh viên mãn. Điểm này chúng ta cần phải hiểu rõ. Cho nên, Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát liền có năng lực tùy loại hiện thân, như trong Phổ Môn Phẩm đã nói: “Đáng dùng thân gì để độ thì Ngài liền hiện ra thân đó để độ”. Thích Ca Mâu Ni Phật ba ngàn năm trước giáng sanh ở bắc Ấn Độ, thị hiện tám tướng thành đạo. Tám tướng thành đạo là địa vị gì vậy? Là Tạng Giáo Phật trong bốn giáo của Thiên thai. Tám tướng thành đạo là Tạng Giáo Phật, hay nói cách khác, Viên Sơ Trụ Bồ Tát thị hiện liền có năng lực làm việc thị hiện này, cũng gọi là “Như Lai”, cũng gọi là “Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, Phật, Thiên Nhân Sư”, là thật không phải là giả, mãi đến cứu cánh quả vị, mười hiệu viên mãn rồi. Nếu như các vị không thể thể hội đối với ý nghĩa này, người xưa thường dùng ánh trăng để làm thí dụ. Đại khái mùng hai, mùng ba, chúng ta xem thấy trăng lưỡi liềm thì có thể thấy được ánh sáng của trăng. Bạn nói xem, đó có phải ánh sáng thật của trăng hay không? Là thật không phải giả, là trăng thật, thế nhưng ánh trăng của ngày 15 tròn đầy viên mãn cũng là trăng thật, quyết định không phải là giả. Bồ Tát Viên Giáo Sơ Trụ, Nhị Trụ cũng giống như trăng non, quả vị cứu cánh viên mãn cũng giống như ánh trăng của ngày 15, họ là thật không phải là giả, cho nên Bồ Tát Sơ Trụ là Phật thật, không phải Phật giả. Đại Sư Thiên Thai nói “Lục Tức Phật”, địa vị này gọi là “Phần Chứng Tức Phật”, họ là thật không phải là giả, thế nhưng chân thật là họ chỉ chứng được mấy phần, chứng được bộ phận chứ chưa chứng được viên mãn, cho nên là “Phần Chứng Tức Phật”. “Phần Chứng Tức Phật” bao gồm những vị thứ nào? Viên Giáo Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác 41 ngôi thứ, trên “Kinh Hoa Nghiêm” gọi là 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ, họ đều thuộc về Phần Chứng Phật, đều có năng lực thị hiện tám tướng thành đạo, đều đầy đủ mười hiệu Như Lai. Ngay chỗ này chúng ta cần phải biết rõ trước.   Danh từ này ý nghĩa rất rộng.

Nói “Như Lai định huệ”, “định” là thiền định, “huệ” là trí tuệ. Do đây có thể biết, người thấy được tánh rồi, định huệ của họ tuyệt đối không giống như nhị thừa, Bồ Tát trong mười pháp giới. Bồ Tát trong mười pháp giới chưa kiến tánh, Phật trong mười pháp giới cũng chưa kiến tánh. Vậy thì Phật của mười pháp giới tương đương quả vị gì của Viên Giáo? Trên Kinh Phật nói với chúng ta, A La Hán trong pháp giới bốn thánh (chúng ta gọi là Tiểu Thừa A La Hán, Bích Chi Phật), công phu đoạn chứng của họ, tức là năng lực đoạn phiền não của họ tương đương với Bồ Tát Viên Giáo Thất Tín Vị, thế nhưng trí tuệ đức tướng không thể nào so sánh được với Bồ Tát Thất Tín Vị. Bồ Tát Thất Tín trí tuệ cao hơn họ rất nhiều, nhưng đoạn phiền não thì giống như họ. Do đây có thể biết, Phật ở trong Tạng Giáo chỉ có thể đến Bồ Tát Cửu Tín Thập Tín Vị, vẫn chưa đến Sơ Trụ, cũng chính là nói vô minh của họ chưa phá. Bồ Tát Sơ Trụ là phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, được đại tự tại. Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát trong pháp giới bốn thánh thì được tự tại nhỏ, không phải đại tự tại. Việc này chúng ta cần phải hiểu rõ.

/ 374