PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 50
Cho nên Kinh điển không thể sơ sài qua loa, mà phải rất tỉ mỉ mà đọc tụng, mà thể ngộ, chúng ta mới có thể có được thọ dụng chân thật. Thực tế mà nói, “chư Phật vô lượng công đức trí tuệ thánh minh” còn có một tầng ý nghĩa rất sâu, đó là trong tự tánh chúng ta vốn sẵn đầy đủ. Việc này Thế Tôn ở trong Kinh Đại Thừa có nói, trong Kinh Tiểu Thừa thì Phật không có nói. Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Phẩm Xuất Hiện nói được rất rõ ràng, tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí tuệ của Như Lai. “Vô lượng công đức” là đức tướng, “trí tuệ thánh minh” là trí tuệ, tự tánh của tất cả chúng sanh vốn sẵn đầy đủ. Tại vì sao chúng ta bỏ mất đi trí tuệ công đức vô lượng của chính mình? Xin nói với các vị, nói mất đi không phải chân thật đã mất, tự tánh vốn sẵn có thì làm sao mất đi được? Quyết định không thể mất đi. Hiện tại trí tuệ công đức của chúng ta không khởi được tác dụng, Phật nói cho chúng ta nghe, là do có chướng ngại, tuyệt nhiên không phải mất đi, là bạn có chướng ngại nên ngăn nó không khởi được tác dụng. Chỉ cần bạn đem chướng ngại trừ bỏ thì trí tuệ đức năng của bạn liền lại hiện tiền. Trí tuệ đức năng hiện tiền thì không hề khác biệt cùng mười phương tất cả chư Phật Như Lai.
Rốt cuộc là chướng ngại gì? Phật vì chúng ta nói thẳng một lời, đó là vọng tưởng, chấp trước, “chỉ bởi vọng tưởng, chấp trước mà không được chứng đắc”. Phật nói ra cho chúng ta nghe rồi, chúng ta phải làm sao? Phải đem vọng tưởng xả bỏ, đem chướng ngại trừ bỏ thì bản năng của tự tánh chúng ta liền hồi phục. Phật nói vọng tưởng chấp trước, trong đó còn có phân biệt, có phải Phật nói thiếu hay không? Không phải! Phân biệt có thể bao gồm ở trong chấp trước, cũng có thể bao gồm ở trong vọng tưởng, cũng có thể đem nó tỉnh lược đi. Chúng ta lại nói phân biệt, cái ý này thì rất rõ ràng, rất đầy đủ. Do đây có thể biết, ba loại chướng ngại này trong Phật pháp gọi là phiền não. Chấp trước là kiến tư phiền não, phân biệt là trần sa phiền não, vọng tưởng là căn bản vô minh, cũng gọi là vô minh phiền não. Ba loại phiền não này, kiến tư phiền não, trần sa phiền não, vô minh phiền não, Phật dạy chúng ta cái gì? Đoạn phiền não mà thôi. Sự việc này chúng ta phải thật làm mới được. Phải làm từ chỗ nào? Từ ngay trong cuộc sống thường ngày, từ ngay trong công việc đối nhân xử thế tiếp vật, chân thật đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xả bỏ.
“Xả bỏ”, các vị phải ghi nhớ, không phải là xả bỏ trên sự. Trên sự mà xả bỏ, thì những việc của tôi cũng đều buông bỏ, đều không làm nữa, bạn ngày ngày trải qua đời sống mặc áo, ăn cơm, tôi cũng không mặc áo, không ăn cơm, vậy thì bạn hoàn toàn hiểu sai đi ý nghĩa của Phật. Vạn nhất không nên hiểu lầm. Tôi thảy đều buông bỏ, buông bỏ thì chết rồi, chết rồi thì chẳng phải buông bỏ hết rồi sao? Kỳ thật sai rồi, chết rồi cũng vẫn chưa hết. Trên “Kinh Địa Tạng” nói với chúng ta, chết rồi sau 49 ngày lại phải đi đầu thai, chưa có buông bỏ. Nếu họ thật buông bỏ thì họ sẽ không đến đầu thai. Họ còn đến luân chuyển đầu thai trong sáu cõi, có thể thấy được họ chưa buông bỏ. Chết rồi cũng chưa buông bỏ được, việc này chúng ta nhất định phải làm cho rõ ràng, cho tường tận. Cho nên chết rồi thì thật là khó khăn, chân thật là không thể hết. Phật muốn độ chúng ta, hơi thở này của chúng ta chưa dứt thì còn cứu được, hơi thở này dứt rồi thì hết cứu, Phật Bồ Tát cũng không thể nào giúp được. Cho nên nhất định phải chăm chỉ, phải nỗ lực.
Buông bỏ không phải là buông bỏ trên sự, mà là buông bỏ ở nơi tâm, buông bỏ trên tâm lý. Trên sự chẳng phải trên tiêu đề đã viết rất rõ rồi sao, phải làm tấm gương tốt cho tất cả chúng sanh, làm ra kiểu dáng. Bạn phải làm được càng tốt càng viên mãn, làm ra gương mẫu để cho người khác xem. Đây gọi là giáo hóa chúng sanh. Tuy là làm ra tấm gương tốt nhất, nhưng trong lòng trong sạch không nhiễm một trần. Đó gọi là buông bỏ. Buông bỏ là chỉ sự việc như vậy, vạn nhất không nên hiểu lầm. Cho nên có rất nhiều người nghe giảng hiểu sai đi ý nghĩa, đó là thiểu số không phải đa số, đa số thì phiền phức sẽ lớn. Có một hai người như vậy, công việc của họ đang làm thì không làm nữa, tiền tài trong nhà đều bố thí, đều buông bỏ, sau đó viết thư nói với tôi, họ không có cơm để ăn, phải làm sao? Đó là hoàn toàn hiểu sai ý nghĩa. Vào thời xưa cũng có một người như vậy làm ra một tấm gương, thế nhưng bạn phải tỉ mỉ mà quan sát họ, họ vẫn còn ăn cơm.