/ 374
658

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 27

Kinh văn: “Cụ túc vô lượng hạnh nguyện an trụ nhất thiết pháp trung”.  

Câu kinh văn này hàm nghĩa rất sâu rộng. “Hạnh” chính là hành vi đời sống. Chỗ này chúng ta chỉ tiết lược một số cương lĩnh tu học tiện lợi ngay trong cuộc sống thường ngày, y theo những điều mục mà đem những hành vi sai lầm của chúng ta sửa đổi.

Chúng ta đã nói qua tam phước, lục hòa, tam học, lục độ, sau cùng là mười nguyện Phổ Hiền. Khi Tịnh Tông Học Hội của chúng ta thành lập, chúng ta tuyển chọn năm khóa mục rất dễ ghi nhớ này, mỗi giờ mỗi phút đều y theo mười điều mục này để tu học. Phía trước đã nói qua mười nguyện, tôi sẽ không giảng lại nữa. Trong năm khóa mục này bao gồm hành môn vô lượng vô biên của Bồ Tát. Học Phật, nếu chúng ta xem thường việc tu sửa tư tưởng, hành vi, thì ở trong Phật pháp, không luận chúng ta nỗ lực dụng công thế nào để cầu giải, thậm chí nói pháp đến hoa trời rơi rụng cũng không được việc gì. Lúc trước, Lão sư Lý thường nói: “Đáng sanh tử thế nào thì vẫn phải sanh tử như thế đó”, cũng chính là nói đối với việc liễu thoát sanh tử ra khỏi ba cõi không có liên quan. Cho nên, không luận Phật pháp Tiểu thừa hay Đại thừa, từ đầu đến cuối đều chú trọng ở “hành”. “Giải” vẫn là phương tiện trước “hành”, chúng ta không thể không biết. Phía sau “hành” có “nguyện”. Chữ “nguyện” này rất quan trọng, chúng ta thường xem thấy trên Kinh luận, nhất là chú sớ của cổ đức, gọi là “tương chất của hạnh nguyện như đôi cánh của chim, như hai bánh xe của xe”. Đây là nói rõ quan hệ của chúng rất là quan trọng, mật thiết.

“Nguyện dĩ đạo hành”, nguyện là chỉ đạo, lãnh đạo. “Hạnh dĩ tiễn nguyện”,  ngay trong cuộc sống thường ngày phải thực tiễn nguyện của chúng ta. Trên “Kinh Hoa Nghiêm”, Ngài Thanh Lương giảng về phát nguyện cho chúng ta. Trong nguyện quan trọng nhất là phải dùng tâm chân thành làm nền tảng của đại nguyện. Tất cả đại nguyện của Phật Bồ Tát ở trong nhân địa phát ra đều nương theo tâm Bồ Đề. Ngài Thanh Lương nói tương đối tường tận về tâm Bồ Đề. “Hữu tâm chi lễ, hữu tâm chi tướng, hữu tâm chi đức”, Ngài phân ra ba phương diện này.

“Tâm chi lễ” chính là “trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm” mà trong Kinh luận đã nói. Đây là cái lễ của tâm. Pháp môn Tịnh Độ, tục thường gọi là pháp môn phương tiện trong Đại thừa, thế nhưng cũng phải nương vào tâm Bồ Đề. Ở quyển Kinh này, chúng ta xem thấy ba bậc vãng sanh, điều kiện vãng sanh luôn là tám chữ: “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. Có thể thấy được, “phát tâm” rất là quan trọng. Có nhiều vị đồng tu xem thường sự việc này, cho rằng chỉ cần một lòng chuyên niệm Phật thì được rồi. Thế nhưng đến sau cùng, khi lâm chung họ vẫn cứ bối rối chân tay, không được thọ dụng, nguyên nhân do đâu vậy? Do kém khuyết tâm Bồ Đề. Điều kiện vãng sanh có tám chữ, bạn chỉ làm được bốn chữ thì không được; bạn chỉ làm được “một lòng chuyên niệm” nhưng không “phát tâm Bồ Đề”, cho nên vẫn không thể vãng sanh. Do đó có thể thấy được, phát tâm rất quan trọng.

Thâm tâm trong phát tâm Bồ Đề chính là nguyện tâm, hiếu thiện, hiếu đức. Thông thường nói, chư Phật Như Lai phát ra tứ hoằng thệ nguyện ở nhân địa. Tứ hoằng thệ nguyện là nói chung, tất cả chư Phật Như Lai ở ngay trong nhân địa phát ra vô lượng đại nguyện, nhưng quy nạp lại đến sau cùng không ngoài bốn điều này, ngay cả bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà cũng có thể quy nạp trong bốn nguyện này. Cho nên bốn nguyện này biến thành pháp môn Đại thừa, bao gồm hết căn bản đại nguyện trong đó. Phát nguyện nhất định tương ưng với bốn nguyện này.

TỨ HOẰNG THỆ NGUYỆN

  • Nguyện thứ nhất, “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”

Nhất định phải phát tâm nguyện độ chúng sanh. Vì sao chúng ta phải phát nguyện độ chúng sanh? Phía trước đã nói qua với các vị, nếu như Bồ Tát không độ chúng sanh, không giáo hóa, không giúp đỡ chúng sanh thì tâm Bồ Đề của họ không hiển lộ được, hay nói cách khác, họ tu học công đức không thể viên mãn. Đạo lý này tuyệt nhiên không khó hiểu. Người thế gian chúng ta thường nói: “Giáo học tương trường, sư chất đạo hợp”, thầy giáo dạy học trò, học trò cũng thường gợi mở thầy giáo. Nhờ học trò chất vấn những nghi tình, hoặc giả ngay trong cuộc sống thường ngày, thầy giáo xem thấy thường hay cảm ngộ. Cảm ứng này giúp cho thầy giáo khai ngộ. Nếu không tiếp xúc học trò thì thầy giáo làm sao có thể thành công? Cho nên, tánh đức viên mãn nhất định phải dựa vào tiếp xúc với quần chúng rộng lớn, mới có thể hiện khởi được viên mãn. Đạo lý này chính là nguyên nhân tại sao Thiện Tài sau cùng phải trải qua năm mươi ba lần tham học. Nếu Ngài không tham học, thì trí tuệ của Ngài sẽ không thể viên mãn. Cho nên, bất cứ người nào, bất cứ phương thức đời sống nào, bất cứ nghề nghiệp nào ở thế gian này Ngài đều phải tham học. Ở ngay trong đó Ngài khởi phát trí tuệ, để trí tuệ đạt đến viên mãn chân thật. Do đây có thể biết, tu hành không phải nhốt mình ở trong nhà để tu, nhốt mình ở trong nhà để tu thì quyết định không thành. Điểm này các vị đồng tu cần phải biết. Nhốt trong nhà là hưởng phước, hưởng phước thì làm gì trí tuệ có thể sanh khởi được? Không có đạo lý này.

/ 374