PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 21
Ý NGHĨA NGÀY LỄ PHẬT ĐẢN
Hôm nay là ngày Lễ Phật Đản của năm 1998, cũng chính là ngày của mẹ. Tối hôm qua chúng ta đã tham gia lễ truyền đăng, rất là hy hữu. Mọi người đều rất hoan hỉ. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia. Sau buổi cơm sáng hôm nay, cư sĩ Trương viết một mẫu giấy đưa cho tôi, muốn tôi nói qua ý nghĩa kỷ niệm “Lễ Phật Đản”. Vấn đề này hỏi được rất hay.
Chúng ta phải nên làm lễ kỷ niệm như thế nào? Lễ Phật Đản là lễ kỷ niệm ngày đản sanh của Thích Ca Mâu Ni Phật, theo truyền thống của Trung Quốc là ngày mùng tám tháng tư âm lịch, Indonesia là vào ngày trăng tròn tháng năm. Vào thời xưa, có ba ngày lễ lớn được tổ chức để kỷ niệm. Thứ nhất là ngày Thế Tôn thị hiện sanh ra ở thế gian, thứ hai là ngày Thế Tôn thành đạo, thứ ba là ngày Thế Tôn vào Niết Bàn. Chúng ta thử nghĩ, nếu Thế Tôn không xuất hiện ở thế gian thì thế gian này sẽ như thế nào? Thực tế mà nói, thật không thể tưởng tượng được. Thế Tôn xuất hiện, thị hiện ra trí tuệ cứu cánh viên mãn, vì chúng ta giải quyết rất nhiều, rất nhiều vấn đề nghi nan, giúp chúng ta hóa giải vô số tai hại của tự nhiên và con người làm ra. Chúng ta nhận thâm ân của Phật, rất ít người có thể biết được. Chúng ta kỷ niệm ngày khánh đản, quan trọng nhất phải đem ân đức giáo huấn của Thế Tôn giới thiệu cho xã hội đại chúng, khiến cho mọi người đều có thể tri ân, báo ân. Chúng ta dùng phương thức gì để báo ân, hay nói cách khác, dùng phương thức gì để kỷ niệm? Chỉ có tuân thủ lời giáo huấn của Thế Tôn, y giáo phụng hành. Chính chúng ta chân thật có được nhân sanh hạnh phúc, có được gia đình mỹ mãn, mỗi một người đều có được sự nghiệp thành công, xã hội hòa thuận, quốc gia giàu mạnh, thế giới hòa bình, thì kỷ niệm này thật có ý nghĩa, thật có giá trị.
Ngày này năm nay, ở khu vực Singapore, thực tế mà nói, chúng ta cảm thấy hoan hỉ không gì bằng. Ở Singapore, cư sĩ Lý Mộc Nguyên toàn tâm toàn lực hộ trì Phật pháp, lễ thỉnh các pháp sư đến nơi đây để giảng kinh dài lâu. Nhân duyên này thù thắng không gì bằng. Hai năm trước, chúng ta phát khởi thành lập “Lớp Bồi Dưỡng”, năm nay lại bắt đầu mở “Lớp Hoa Nghiêm”. Chúng ta dùng những việc này để khánh chúc lễ Phật đản, để khánh chúc ngày lễ của mẹ. Ý nghĩa này thật không tầm thường, trên thực tế thật là hi hữu khó được.
Cái tên “Lý Mộc Nguyên” tôi xem rồi lại xem, cảm thấy rất diệu. Nếu tách chữ “Lý” ra thì là thập bát tử, vậy nếu không phải là thập bát vị A La Hán thì chính là thập bát vị Phật tử. Đại khái tương lai ở nơi đây sẽ cho ra mười tám vị Bồ Tát, vậy thì không còn gì bằng, toàn thế giới đều được nhờ. Cái tên của ông cũng rất có ý nghĩa. Bạn xem, “Mộc” là thập bát, bên dưới là nguyện, nguyện thứ mười tám của A Di Đà Phật là quan trọng, nguyện mười tám là mười niệm ắt sanh, cho nên ý nghĩa của danh hiệu này cũng không thể nghĩ bàn. Vì vậy ở vào cục diện của ngày hôm nay, ý nghĩa về tên của ông đã hiện rõ ra rồi, khiến cho chúng ta xem thấy rất là tường tận, rất là rõ ràng.
“Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức” chính là tất cả chư Phật Như Lai tu nhân chứng quả đại đức viên mãn. Loại đại đức viên mãn này ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” dùng mười đại nguyện vương để biểu thị. Nguyện nguyện đều là không có cùng tận, siêu việt thời gian, siêu việt không gian, nguyện nguyện đều là tận hư không khắp pháp giới. Hơn nữa, “một chính là tất cả, tất cả chính là một”, đó mới là mười đức của Phổ Hiền Đại Sĩ.
- Nguyện thứ năm, “Tùy hỷ công đức”
Điều này vô cùng quan trọng. Trước tiên chúng ta phải nhận biết “công đức” là gì. Chỗ này chúng ta không thể hàm hồ được. Chúng ta xem thấy rất nhiều đạo tràng, phía trước để một cái thùng, bên trên viết là “Thùng công đức”, cho rằng tiền để vào trong đó thì có công đức, vậy thì sai rồi, việc này không hề có công đức. Vào thời xưa, Vua Lương Võ Đế là người trong lịch sử Trung Quốc, nổi tiếng là một Phật giáo đồ kiền thành, là đại hộ pháp của nhà Phật chúng ta. Khi ông còn đương chức, đã tạo dựng 480 đạo tràng (ngày nay chúng ta gọi là tự viện), quy mô đều rất lớn. Ông luôn khích lệ nhân dân xuất gia, xem thấy người xuất gia thì rất hoan hỉ, cho nên đồ chúng có đến mấy trăm ngàn người, chính ông cũng cảm thấy kiêu ngạo, “việc này thật đáng được tự hào, ta làm được công đức lớn đến như vậy!”. Lúc này, Bồ Đề Đạt Ma - Tổ sư Thiền tông đến Trung Quốc. Đạt Ma Tổ Sư nghe được quốc vương của Trung Quốc nhiệt tâm hộ pháp như vậy nên đương nhiên phải đến bái kiến. Lương Võ Đế cũng rất vui mừng tiếp kiến một vị cao tăng đến từ Ấn Độ. Sau khi gặp mặt, Lương Võ Đế nói với Đạt Ma Tổ Sư về công đức hộ pháp, thành tích hộ pháp của mình. Sau khi nói xong, ông thỉnh giáo với Đạt Ma Tổ Sư: “Công đức của tôi có lớn không?”. Đạt Ma Tổ Sư rất thẳng thắn, không nói nhân tình với người, Ngài trả lời thành thật: “Không có công đức gì!”. Lương Võ Đế nghe rồi lòng rất không vui, cho nên Lương Võ Đế không hộ pháp cho Ngài. Ngài phải đi đến Chùa Thiếu Lâm, quay mặt vào vách chín năm để đợi Huệ Khả.