/ 374
1.253

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 17

Kinh văn: “Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức”.

Ý nghĩa bao hàm trong câu này rất sâu rất rộng. Chúng ta giới thiệu sơ lược qua nhưng cũng phải đem mười nguyện của Phổ Hiền Đại Sĩ giảng qua một chút. Lần trước đã giảng qua “Sám hối nghiệp chướng”. Sám hối nghiệp chướng ở vào ngày nay là mấu chốt vô cùng quan trọng.

Mấy năm gần đây, tôi nghĩ, có rất nhiều đồng tu từ báo chí, truyền hình nghe thấy những tin tức rất nhiều nơi trên toàn thế giới nói với chúng ta hiện tại tai nạn rất là phổ biến, hơn nữa những tai biến này có thể nói mỗi năm một phức tạp hơn, năm sau nghiêm trọng hơn năm trước. Singapore là đất phước. Tuy là đất phước, nhưng cũng không thể nói không bị ảnh hưởng. Mỗi chúng ta đều quan tâm đến làm thế nào mới có thể tiêu tai giải nạn. Tôi tin tưởng không chỉ là đồng tu học Phật đều đang quan tâm lo lắng, muốn tìm đến phương pháp có hiệu quả để tiêu tai giải nạn, đón kiết hóa hung. Tôi tin tưởng không chỉ Phật giáo đồ, mà tín đồ các tôn giáo khác cũng đang lo lắng như vậy, thậm chí đến những người nổi tiếng, bao gồm những người không tín ngưỡng tôn giáo, xem thấy những tai biến này trong lòng đều không thể an ổn. Đây là vấn đề trọng đại của xã hội hôm nay. Vậy chúng ta muốn hỏi có phương pháp gì có hiệu quả có thể giúp chúng ta tiêu tai khỏi nạn không? Đáp án trên Kinh Phật là khẳng định có, nhất định có phương pháp, hơn nữa nhất định có hiệu quả. Vấn đề là chúng ta có tin tưởng không, có chịu tiếp nhận hay không. Những tai biến này từ do đâu mà đến, vì sao mà có? Nguyên nhân của nó rất là phức tạp, chúng ta phải tường tận. Việc này trên Kinh Đại Thừa Phật thường nói là “vô lượng nhân duyên”, không phải nhân duyên nhỏ, không phải nhân duyên đơn giản, mà là nhân duyên rất phức tạp, tạo thành hiện tượng ngày nay. Hiện tượng là thuộc về quả báo, có nhân ắt có quả. Thế nên ở trong Đại Kinh Phật nói rõ cho chúng ta cội gốc của vũ trụ, nhân sinh. Trên Kinh nói được rất rõ ràng vũ trụ từ đâu đến, vụ trụ hình thành như thế nào. Chúng ta xem thấy ngay trong thái không này có rất nhiều tinh cầu, nó làm thế nào sanh ra? Làm sao diễn biến? Làm thế nào những tinh cầu này vận hành ở ngay trong thiên không có qui tắc đến như vậy, không hề va chạm lẫn nhau? Sinh mạng từ nơi đâu mà đến? Chính chúng ta từ nơi đâu mà đến? Vì sao có sinh mạng? Tại vì sao có những hoàn cảnh đời sống hiện tiền này của chúng ta? Không đọc Kinh Phật thì bạn không thể nào tường tận những chân tướng sự thật này. Không ít chuyên gia học giả thế gian, nhà triết học, nhà khoa học, các nhà tôn giáo đều đang thăm dò, đều đang tìm kiếm, hy vọng tìm được đáp án chân thật chính xác. Thế nhưng đã mấy ngàn năm, từ lúc nhân loại có văn minh lịch sử thì đã bắt đầu tìm, cho đến ngày nay cũng chưa tìm ra, họ có rất nhiều lý luận nhưng không có gì đúng. Chúng ta nghe qua cách nói của họ đích thực không thể bảo chúng ta tâm phục khẩu phục. Quay đầu lại nghe Phật nói thì đích thực có đạo lý. Nói được rõ ràng nhất, tường tận nhất, thấu triệt nhất chính là ở trong “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”. Bộ Kinh này rất dài. Sau khi đọc rồi, cho dù không thể hiểu được triệt để, cũng có thể biết được đại khái. Biết được một cách đại khái thì không tệ rồi, chúng ta ở ngay trong một đời này liền biết được phải nên làm người như thế nào, phải nên tu hành như thế nào, phải nên làm thế nào đón kiết hóa hung, tiêu tai khỏi nạn, trải qua đời sống hạnh phúc chân thật mỹ mãn của chính mình. Mong cầu của chúng ta ở trong cửa Phật đích thực có thể đạt được đầy đủ, chân thật có thể mãn nguyện.

Phật nói với chúng ta lý do của mười pháp giới y chánh trang nghiêm, đó chính là nói khởi nguồn của vũ trụ. Vũ trụ cùng sinh mạng là đồng thời mà có, không có trước sau. Có sinh mạng thì có vũ trụ, có vũ trụ thì có sinh mạng, sinh mạng cùng vũ trụ không thể phân ra. Làm sao diễn biến thành kết quả này? Phật nói rõ cho chúng ta nguyên lý căn bản, trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói: “Tất cả pháp là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Tâm là gì? Không có người nào biết. Khi vừa nhắc đến tâm, mọi người lập tức liền nghĩ đến [trái tim] “Ồ! Chỗ này là tâm, tâm ở chỗ này”. Cái tâm này thì không dùng được, cái tâm này không thể biến đổi, cái tâm này chỉ có thể sanh ra chướng ngại, không có việc gì tốt cả. Cho nên đại đức xưa của Thiền tông nói rất hay: “Nhược nhân thức đắc tâm, đại địa vô thốn thổ”. Ý nghĩa của “đại địa vô thốn thổ” này chính là nói “tất cả vấn đề thảy đều giải quyết”, không còn vấn đề nữa. Nếu người nào chân thật nhận được cái tâm, thì tất cả vần đề thảy đều giải quyết. Do đây có thể biết, mong cầu của cả Phật pháp chính là cầu được “minh tâm kiến tánh”. Minh là minh bạch, ngày nay chúng ta không minh bạch, nếu tâm minh bạch thì liền thấy được tánh. Tánh là gì vậy? Tánh là thể của tâm. Tâm là dụng của tánh. Tâm này là chân tâm, có thể, có dụng. Từ trên thể thì chúng ta gọi là bổn tánh, từ trên tác dụng thì chúng ta gọi là tâm. Nếu như tác dụng cùng với thể tương ưng, thì chúng ta gọi nó là chân tâm; nếu như trái ngược với thể thì chúng ta gọi nó là vọng tâm. Đây là ở trên Kinh Phật nói. Chân tâm khởi tác dụng thì cảnh giới đó liền thù thắng. Chư Phật Bồ Tát ở nơi pháp giới Nhất Chân, trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói Thế giới Hoa Tạng của Phật Tỳ Lô Giá Na, trên “Kinh Vô Lượng Thọ” nói Thế giới Tây Phương Cực Lạc, đó là tác dụng cùng thể tánh hoàn toàn tương ưng, chân tâm khởi tác dụng, duy tâm sở hiện, tâm đó là chân tâm.

/ 374