/ 80
772

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Tập 74


Điều thứ bảy là “Chánh Niệm”.

“Niệm chánh trợ đạo, tâm bất động thất cố”.

Hôm qua, tổng vụ của Tịnh Tông Học Hội là cư sĩ Lý Văn Hoa nói với tôi: “Hiện nay, chúng con thật sự thể hội được tầm quan trọng của đạo tràng giảng kinh, niệm Phật”. Thể hội được từ đâu vậy? Cư Sĩ Lâm gần đây có công trình, vì phải xây thêm hai tầng nữa ở phía trên năm tầng lầu hiện nay. Thêm hai tầng nghĩa là giảng đường lầu năm phải thêm trụ cột, thì phía trên mới có thể xây thêm hai tầng nữa. Vì vậy, giảng đường hiện nay không dùng được, niệm Phật đường cũng không dùng được. Ông nói: “Hiện nay nhìn thấy Cư Sĩ Lâm rất tiêu điều, không hưng vượng giống như trước đây. Vô cùng rõ ràng là đạo tràng ở đây của chúng ta, nếu không niệm Phật, không giảng kinh thì lập tức suy xuống ngay”. Ông đến nói với tôi, tôi gật đầu đồng ý, không sai tí nào cả. Đạo tràng làm thế nào mới hưng? Cư Sĩ Lâm đã hưng vượng ba năm. Ba năm tại sao hưng vậy? Hiện nay rõ ràng rồi, hàng ngày giảng kinh, hàng ngày niệm Phật, vậy mới hưng vượng lên được. Đạo tràng này như vậy thì đạo tràng trong thiên hạ thảy cũng đều như vậy. Tại sao vậy? Các bạn hàng ngày giảng kinh, hàng ngày niệm Phật thì đạo tràng này chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ, vậy sao không hưng vượng được chứ? Đương nhiên là hưng vượng. Nếu như đạo tràng này không có người giảng kinh, không có phong khí học tập, không có người niệm Phật, không có phong khí của đạo, tuy có chỗ mà vô học vô đạo thì đạo tràng làm sao hưng vượng được? Nếu như đạo tràng vô học, vô đạo mà vẫn cứ hưng vượng, thì đó chính là ma vương đang ở đó tác quái, ma đang ủng hộ, cũng có thể khiến bạn hưng vượng nhất thời, đó không phải thật sự hưng vượng. Sau khi ma đi rồi thì đạo tràng của bạn sẽ suy ngay.

Phật pháp là chánh pháp, cho nên tuyên dương chánh pháp là quan trọng hơn hết. Hội trưởng Lý đặc biệt chú ý đối với việc bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp, hoằng dương chánh pháp của chúng ta, đây là việc làm chính xác. Từ lần xây dựng đạo tràng này, cảm xúc vô cùng rõ ràng. Hội trưởng có bàn với tôi về địa điểm giảng kinh, tạm thời hiện nay dời đến hẻm 17, Nha Lung. Chúng tôi đã cất một túp lều tranh tạm thời ở bên đó (tuy nói là tạm thời, nhưng có lẽ cũng phải dùng được hai, ba năm). Công trình của Cư Sĩ Lâm, theo tình hình đó thì dự tính bình thường phải mất hai năm rưỡi, do vậy giảng đường tạm thời này chí ít cũng phải dùng hai năm rưỡi. Cư sĩ Lý đến nói với tôi, ông muốn xây tường xung quanh túp lều tranh này, tương lai bên trong dùng máy điều hòa. Tôi kiến nghị với ông, việc này không cần thiết, lều tranh này rất tốt, chúng ta hoạt động ở trong đó, người bên ngoài thảy đều có thể nhìn thấy; nhìn thấy thì họ sẽ muốn đến. Cho nên không cần dùng tường, như vậy sẽ độ chúng nhiều hơn. Họ nhìn thấy có nhiều người ngồi như vậy, họ cũng muốn vào để nghe thử, vậy là vô tình họ đã đến rồi. Khu đất này còn lớn hơn so với giảng đường Cư Sĩ Lâm. Chúng tôi ngày đầu tiên sử dụng địa điểm đó, nhìn thấy người ngồi chật kín, thính chúng không ít hơn so với giảng đường lầu năm của Cư Sĩ Lâm. Có rất nhiều gương mặt mới đến dự, cả xuất gia và tại gia, đây là việc tốt. Chúng tôi có điều đắn đo khác, đó chính là hiệu quả của thu âm. Ghi hình thì không bị trở ngại, chỉ sợ hiệu quả của thu âm, sợ bị nhiễm tạp âm. Hiện nay đang nghiên cứu cải tiến, làm sao có thể nâng cao hiệu quả của thu âm, để tương lai băng ghi hình của chúng ta có thể lưu hành rộng rãi. Vậy là phải mời một số chuyên gia đến xem thử phải cải thiện như thế nào. Từ đó cho thấy, quan hệ chánh niệm là quan trọng.

Niệm chánh đạo, niệm trợ đạo. Tịnh Tông Học Hội thành lập, chúng tôi từ trong kinh luận chọn ra năm môn tu học. Bởi vì tu hành càng đơn giản càng tốt, quyết không được phép quá tạp. Nhiều mà tạp thì không thể thu được hiệu quả, nhất định phải tinh giản, cho nên chúng tôi đã lựa chọn ra năm môn. Môn thứ nhất chính là “Tịnh Nghiệp Tam Phước”, chọn ra từ trong “kinh Quán Vô lượng Thọ”. Đây là môn học vô cùng quan trọng, chúng ta phải thường niệm. Đây là đại căn bản của tu hành, bất kể tu học pháp môn nào, Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ, vô lượng pháp môn đều bắt rễ từ trên nền tảng này.

/ 80