/ 80
571

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Tập 68

 

Điều thứ hai là “Trạch Pháp Giác Chi”.

Trong Thất Giác Chi, điều thứ hai là “Trạch Pháp Giác Chi”. Chỗ này chú giải nói: “Quán chư pháp thời, thiện năng giác liễu, giản biệt chân ngụy, bất mậu thủ ư, hư ngụy pháp cố”.

Ý nghĩa hàm chứa trong đây rất rộng. Thất Giác Chi chủ yếu là giảng nói phương pháp tu hành. Thế nhưng nói đến tu hành là hàm chứa toàn diện hết thảy, quyết không phải cục bộ, mà bao gồm đối nhân, xử thế, tiếp vật ngay trong cuộc sống thường ngày. Ở trong đây đem tất cả sai lầm của chúng ta cải sửa lại, đó gọi là tu hành. Những gì là pháp sai lầm, những gì là pháp chính xác, chúng ta phải có năng lực phân biệt, cho nên “thiện năng giác liễu”. Trong cái thiện này bao gồm trí tuệ, bạn không có trí tuệ thì bạn không có sức phán đoán; bạn không có phương tiện thì bạn không biết làm thế nào để giản biệt. Cho nên nhất định phải có trí tuệ, có phương tiện khéo léo.

Chúng ta là phàm phu không có trí tuệ, trí tuệ chưa khai mở, chúng ta làm thế nào phán đoán chân vọng, tà chánh, phải quấy của tất cả pháp thế xuất thế gian? Do đó cần phải học. Chữ “Học” của Trung Quốc cùng ý nghĩa của chữ “Giác” thông nhau. Học chính là giác ngộ, hiếu học chính là ưa thích giác. Hoan hỉ giác ngộ tường tận thì họ mới có thể hiếu học, không hiếu học liền sẽ đem sự việc này lơ là đi.

Ngày nay tiêu chuẩn mà chúng ta dùng chính là tiêu chuẩn của cổ thánh tiên hiền dạy chúng ta. Chúng ta dùng tiêu chuẩn này để so sánh, để chọn lựa. Phật dạy cho chúng ta tiêu chuẩn, thực tế mà nói, chúng ta vừa bước vào cửa thì liền dạy cho chúng ta. Chúng ta vừa bước vào cửa Phật, việc thứ nhất là tiếp nhận nghi thức “Tam Quy”. Tam quy chính là đem tiêu chuẩn “Giác – Chánh – Tịnh” dạy cho chúng ta. Bạn xem trong “Đàn kinh”, đại sư Huệ Năng - tổ thứ sáu của Thiền tông truyền thụ Tam quy, Ngài không phải nói quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, mà Ngài dạy người đọc quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh, sau đó nói với chúng ta “Phật là giác vậy, Pháp là chánh vậy, Tăng là tịnh vậy. Khi nói Phật, Pháp, Tăng, chúng ta thường luôn luôn hiểu lầm, dính vào tướng. Nói đến “quy y Phật” lập tức liền nghĩ đến tượng Phật, nói đến “quy y Pháp” liền nghĩ đến kinh Phật, nói đến “quy y Tăng” liền nghĩ đến người xuất gia. Dính tướng thì sai rồi! Cho nên có câu: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. Chân thật nghĩa của “Phật – Pháp – Tăng”“Giác – Chánh – Tịnh”, giác mà không mê là Phật, chánh mà không tà là Pháp, tịnh mà không nhiễm là Tăng. Đây là dạy chúng ta quy y “Giác – Chánh – Tịnh”, không phải quy y tượng Phật bằng gỗ, xi măng, cũng không phải là quy y quyển kinh, càng không phải quy y người xuất gia. Chúng ta cần phải làm cho rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo.

“Đàn kinh” thật hay, thuần túy là thứ của người Trung Quốc, đem tinh túy của Phật pháp thảy đều tiêu hóa, vì chúng ta nói ra. Bên trong đã nói không chỉ là Thiền, mà bao gồm tất cả Phật pháp, Đại thừa, Tiểu thừa, Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ, thảy đều bao gồm hết, nói ra tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc. Việc này chúng ta phải hiểu. Cho nên tiêu chuẩn chọn lựa của chúng ta chính là “Giác – Chánh – Tịnh”. “Giác – Chánh – Tịnh” chính là tổng cương lĩnh, tổng tiền đề. Trái ngược với “Giác – Chánh –Tịnh” thì không phải Phật pháp. Vậy thì cái gì gọi là “Giác”, cái gì gọi là “Chánh”, cái gì gọi là “Tịnh”? Trong kinh luận Đại - Tiểu thừa nói được rất nhiều, chúng ta đọc kinh, nghiên giáo cũng không ngoài là đem tinh nghĩa trong ba chữ này làm cho rõ ràng, làm cho tường tận mà thôi. Chúng ta phải hiểu đạo lý này.

Thực tiễn đến tối sơ phương tiện (trong kinh Lăng Nghiêm gọi là tối sơ phương tiện), từ chỗ nào mà vào cửa? Từ Thập Thiện Nghiệp Đạo kinh. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy chúng ta khéo giữ ba nghiệp, chúng ta bắt đầu từ chỗ này.

  • “Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Chính mình phải giữ bốn thiện nghiệp của miệng.
  • “Khéo giữ thân nghiệp, không mất oai nghi”.
  • “Khéo giữ ý nghiệp, thanh tịnh vô nhiễm”.

Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật chỉ nói ba câu cương lĩnh này. Ba câu cương lĩnh này chính là một bộ Thập Thiện Nghiệp Đạo kinh. Chúng ta nhất định phải ghi nhớ, không quên, nhất định phải chân thật lý giải tinh thần của mười thiện, ý nghĩa chân thật của mười thiện là gì. Mười thiện nếu làm viên mãn thì liền thành được Phật quả cứu cánh. Cho nên, chúng ta thường hay xem thấy trên những tượng Phật họa, thông thường vầng hào quang ở trên đều có ba chữ “Án A Hồng”. “Án A Hồng” là ý nghĩa gì? Chính là khéo giữ ba nghiệp mà trên kinh Vô Lượng Thọ nói. “Án” là khéo giữ thân nghiệp, “A” là khéo giữ khẩu nghiệp, “Hồng” là khéo giữ ý nghiệp. Cho nên mười thiện viên mãn chính là Phật quả viên mãn.

/ 80