/ 80
666

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Tập 65

Chúng ta xem câu sau cùng trong ngũ căn trang nghiêm: “Đoạn chư phiền não”. Đây là Huệ căn.

Huệ căn, theo chú giải ở trong “Giáo Thừa Pháp Số” là “dĩ quán tự chiếu, quyết trạch phân minh”. Câu nói này chú trọng ở “quán”. Cương lĩnh tu hành của nhà Phật có danh từ gọi là “quán chiếu, tác quán”. Chữ này là chữ đại biểu. Không chỉ là nhãn quán, tai nghe cũng gọi là quán, mũi ngửi hương cũng gọi là quán, sáu căn tiếp xúc với sáu trần đều gọi là quán, dùng một chữ này để đại biểu.

Thế nào mới gọi là quán? “Lìa tâm ý thức” thì gọi là quán. Tuy Tông môn, Giáo Hạ nói pháp không như nhau, nhưng ý nghĩa của nó đều giống nhau. Cho nên, Phật pháp không nói “nghiên cứu” (vì nghiên cứu là chưa lìa khỏi tâm ý thức), mà nhà Phật gọi là “tham cứu” (tham cứu chính là không dùng tâm ý thức). Lời nói này chúng ta nghe qua vẫn không dễ hiểu. Vì sao vậy? Tâm ý thức là hư vọng, không phải chân thật. Dùng tâm ý thức hư vọng thì quyết định không thể nào thấy được chân thật, chúng ta thường nói “chân tướng vũ trụ nhân sanh”. “Vọng” không thể nào chứng được “chân”, chỉ có “chân” mới có thể chứng “chân”. “Chân” là cái gì? “Chân” là chân tánh. Quán là tự tánh khởi dụng, nghiên cứu là ý thức khởi dụng, trên hình thức dường như là giống nhau, nhưng trên thực tế khác nhau rất lớn. Người học Phật vì sao có thể tu hành chứng quả, còn người thế gian vì sao không làm được? Tóm lại mà nói, chính là bạn dụng tâm sai, bạn dùng vọng tâm, bạn không biết dùng chân tâm. Dùng chân tâm mới có thể thấy được chân tướng. Trong chân tâm không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Các vị phải nên biết, tâm tập khởi chính là vọng tưởng. Vọng tưởng biến thành chủng tử của A Lại Da thức. Ý thức là phân biệt, Mạt Na là chấp trước. Không dùng tâm ý thức, hay nói cách khác, ngay trong cuộc sống thường ngày không có vọng tưởng chính là không dùng A Lại Da, không có phân biệt chính là không dùng thức thứ sáu, không có chấp trước chính là không dùng thức thứ bảy. Đại sư Giao Quang trong “Lăng Nghiêm Chánh Mạch” chủ trương “xả thức, dùng căn”, đạo lý chính ngay chỗ này, chính là nói xả tám thức, dùng căn tánh của sáu căn. Căn tánh sáu căn là chân tâm, căn tánh không có phân biệt. Cho nên Ngài dạy chúng ta dùng tánh thấy để thấy tất cả vạn pháp, dùng tánh nghe để nghe tất cả âm thanh, bạn liền thấy được chân tướng. Nếu bạn biết dùng căn tánh của sáu căn, thì bạn liền thành Phật, chư Phật Như Lai. Chúng ta đem trình độ hạ thấp xuống đến mức thấp nhất, viên sơ trụ Bồ Tát phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, họ không còn dùng tám thức, năm mươi mốt tâm sở nữa. Các vị phải nên biết, chúng sanh trong mười pháp giới (bao gồm Phật ở trong mười pháp giới) đều dùng tâm ý thức, đều không lìa khỏi tám thức. Lìa khỏi tám thức liền đến được pháp giới nhất chân. Trong kinh Hoa Nghiêm nói, “thế giới Hoa Tạng” hoàn toàn không dùng tâm ý thức (thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng là thế giới Hoa Tạng). Chúng ta biết được đạo lý này, nhưng không thể chuyển lại được. Tại vì sao không chuyển đổi được? Vì vô lượng kiếp đến nay, chúng ta dùng tâm ý thức đã quen rồi, học Phật vẫn là dùng tâm ý thức mà học. Cho nên, học Phật không khai ngộ, học giáo không thể đại khai viên giải, tham thiền không thể đại triệt đại ngộ, niệm Phật không thể nhất tâm bất loạn, nguyên nhân là dùng tâm ý thức, không hiểu được tác quán.

Thiền tông tu hành có ba giai đoạn. Công phu ban đầu là “quán chiếu”, tương đương với “công phu thành khối” của Tịnh Độ tông chúng ta. Đạt đến trình độ này, ở Thiền tông hay ở Giáo hạ đều không thể xem là thành tựu. Vì sao vậy? Không thể liễu sanh tử, không thể ra ba cõi, công phu này tuy đắc lực, nhưng không có năng lực siêu vượt ba cõi. Thế nhưng ở Tịnh Độ tông thì được, Tịnh Độ tông có công phu này thì khẳng định vãng sanh về cõi Phàm Thánh Đồng Cư, cho nên Tịnh Độ không thể nghĩ bàn. Sự thù thắng của Tịnh Độ chính ngay ở chỗ này. Bạn dựa vào các pháp môn khác thì không được, bạn không cách gì thoát khỏi sáu cõi luân hồi. Tịnh Độ chỉ cần điểm công phu nhỏ này thì đủ rồi.

Hướng nâng lên trên cao là “chiếu trụ”. Đạt đến công phu “chiếu trụ” là được định. Công phu cao nhất là “chiếu kiến”. Chiếu kiến là minh tâm kiến tánh. Chúng ta đọc “Tâm Kinh”: “Quán Tự Tại Bồ Tát chiếu kiến”, đây là công phu tối thượng thừa, là minh tâm kiến tánh. Cho nên, tu các pháp môn khác nhất định phải đạt đến “chiếu kiến” thì bạn mới có thể rời khỏi mười pháp giới, mới có thể chứng được pháp giới nhất chân. Chứng được pháp giới nhất chân chính là bạn đã chứng được thật tướng các pháp. Bạn công phu không đến “chiếu kiến” thì không được. Thế nhưng ở Tịnh Độ tông đích thực không như vậy, cho nên đây là một pháp môn đặc biệt, có công phu của “quán chiếu” liền có thể sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư, công phu “chiếu trụ” thì sanh cõi Phương Tiện Hữu Dư, công phu “chiếu kiến” thì sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm, họ thảy đều vãng sanh. Bốn độ của thế giới Cực Lạc là thành tựu như vậy. Thế nhưng lại có một đặc biệt mà trong mười phương cõi nước chư Phật không có, đó là thế giới Tây Phương tuy có bốn cõi, nhưng bốn cõi đều bình đẳng. Việc này không thể nghĩ bàn, đây là được chư Phật tán thán.

/ 80