655

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Tập 62

 

Đoạn thứ ba: Phương pháp tu học.

“Bính, chí ư nghiên cứu biện pháp”. Đoạn này nói phương pháp.

“Ư kinh văn trường giả, tất tiên thức kỳ cương lĩnh, đại đoạn chương tiết khắc định tiến độ, cung khác thung dung, chung thỉ mạc giải, nghiên cứu yếu lĩnh, lược cử kỳ đoan phàm thập”.

Kinh văn ngắn, phân đoạn của nó, tầng nấc rất dễ dàng nhìn ra. Kinh văn dài thì học sẽ tương đối khó khăn. Cho nên chúng ta học kinh, những bộ kinh luận lớn chúng ta nên đặt ở phía sau, bắt đầu học từ bộ kinh nhỏ, hoặc giả hơi dài một chút, không nên vượt quá hai vạn chữ. Kinh văn như vậy khi chúng ta học sẽ vô cùng thuận tiện, như “kinh Kim Cang”, “kinh Di Đà”, “kinh Vô Lượng Thọ” là những bộ kinh tương đối dễ dàng. Nếu như kinh Pháp Hoa hay kinh Lăng Nghiêm, khi chúng ta là người sơ học thật sự sẽ vô cùng khó khăn, vì kinh văn quá dài, văn tự của một bộ kinh xấp xỉ cũng ở khoảng 60.000 chữ (sáu – bảy vạn chữ). Chúng ta biện biệt phân đoạn, tầng nấc, bố cục, kết cấu của nó đều không phải người sơ học có thể làm được. Cho nên, trước tiên chúng ta phải nên bắt tay từ bộ kinh nhỏ.

Hai câu dưới đây chúng ta cần nhớ kỹ, học cái gì nhất định phải có tiến độ, nhất định phải “Khắc định tiến độ”. Ví dụ bộ kinh sách này, môn học này, khoảng bao nhiêu giờ thì học xong, nhất định phải có tiến độ. Tiến độ là tự mình định đặt. Phải “cung khác thung dung”, tức là làm thật cung kính, thật thận trọng. Phía dưới đã nêu ra mười cương lĩnh ở trong biện pháp.

Thứ nhất, “Thích Khoa Đề”.

Nhất là những kinh luận lưu hành thông thường này, người Trung Quốc hầu như không phân tông phái, không phân đạo tràng, mọi người đều thích đọc, như “Phẩm Phổ Môn”, ai ai cũng thích đọc. “Tâm Kinh”, “kinh Kim Cang”, “kinh Di Đà”, “kinh Địa Tạng”, hầu như là vô cùng phổ biến trong giới Phật giáo Trung Quốc. Những kinh điển này, xưa nay cũng có rất nhiều chú sớ. Những chú giải này chúng ta đều có thể tham khảo, nhưng nhất định không được có thành kiến. Có thành kiến bạn sẽ không thể học được gì. “Chỉ cung cấp cho ta tham khảo”. Nhất định tự mình phải có chủ ý riêng, không thể hoàn toàn đi theo người ta, làm như thế bạn sẽ vĩnh viễn không thể xuất đầu lộ diện. Chúng ta phải học sao cho mình có thể độc lập. Cho nên xưa nay, những đại đức này, họ giảng kinh chúng ta có thể nghe, văn tự của họ chúng ta có thể đọc, chỉ cung cấp cho mình làm tham khảo, điểm này là quan trọng hơn cả.

Chúng ta y cứ cái gì? Nhất định y cứ kinh văn. Đây chính là trước khi Thế Tôn diệt độ, chỉ dạy đệ tử Tứ Y Pháp: “Y pháp bất y nhân”. Chúng ta trực tiếp học với Phật, chúng ta là học trò của Phật, những gì mà người khác giảng, người khác chú sớ, họ đều là học trò của Phật, đều là bạn học của chúng ta, ngay cả Bồ Tát cũng là bạn học. Họ là học trò đàn anh khóa trước, chúng ta là học trò đàn em khóa sau. Những cái của học trò khóa trước có thể cho chúng ta làm tham khảo. Chúng ta trực tiếp học với Phật Đà, trực tiếp phải học kinh điển. Đây là một quan niệm rất quan trọng. Không đi theo người. Thầy của chúng ta thật sự hiểu Phật pháp, chúng ta tôn xưng là “thầy”, quả thật chúng ta tôn sư trọng đạo. Nhưng mà thái độ của thầy đối với chúng ta không phải như chúng ta tưởng tượng, thầy xem chúng ta như bạn học. Vào thời xưa thư từ qua lại, thầy viết thư cho đệ tử, viết thư cho học trò, ký tên phía sau là “Hữu Sinh”. Đây không chỉ là khiêm tốn, mà là sự thật. Chúng ta là bằng hữu, là đạo hữu đồng tham. Thầy dùng thái độ này để đối xử với học trò của mình, gọi là “Hữu Sinh” (chữ “Hữu” trong bằng hữu, chữ “Sinh” trong học sinh). Chúng ta vừa nhìn thấy chữ ký này của họ thì liền biết người này có học vấn. Cho nên, tri thức của thế xuất thế gian đều ở khiêm kính. Phật Đà đối với người đều khiêm tốn, đều cung kính.