611

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Tập 54

Kinh Văn: “Niệm xứ trang nghiêm cố, thiện năng tu tập, tứ niệm xứ quán”.

Đoạn này chúng tôi đã giới thiệu qua, hôm nay chúng ta đem nó làm một bài tổng kết. Đây là đoạn thứ nhất ở trong đạo phẩm, thuật ngữ trong Phật pháp gọi là môn học thứ nhất. Ba mươi bảy đạo phẩm chia làm bảy môn học. Đây là môn học thứ nhất. Môn học đầu tiên đương nhiên cũng là môn học quan trọng nhất, là phương tiện ban đầu để nhập môn của chúng ta. Nếu như không bắt tay làm từ chỗ này thì bạn sẽ không có cách gì nhập môn được, cho nên nó quan trọng hơn cả.

Bốn loại này gọi là quán. Quán, chúng ta gọi là cách nghĩ của bạn, cách nhìn của bạn. Bốn loại này gồm cách nhìn của bạn đối với thân, cách nhìn của bạn đối với sự hưởng thụ trong đời này của bạn, cách nhìn của bạn đối với tâm, cách nhìn của bạn đối với tất cả vạn sự vạn vật ngoài tâm. Nếu cách nhìn của bạn là chính xác thì mới có thể tu đạo. Nếu cách nghĩ, cách nhìn của bạn sai lầm thì cho dù bạn rất tinh cần nỗ lực tu hành, pháp mà bạn tu đều là pháp tà.

Phật ở trong kinh luận thường xuyên nhắc nhở chúng ta: “Tâm chánh tất cả pháp đều chánh, tâm tà tất cả pháp đều tà”. Cho nên, “tứ niệm xứ” chính là xây dựng nhân sinh quan, vũ trụ quan chính xác. Ba điều phía trước là thuộc về nhân sinh quan, còn một điều phía sau, “Quán pháp vô ngã” là thuộc về vũ trụ quan, chúng ta nhất thiết không được lơ là.

Thứ nhất là dạy chúng ta “Quán thân bất tịnh”. Bạn thật sự hiểu rõ ràng, minh bạch rồi thì bạn đối với thân tướng sẽ không còn tham luyến, bạn chắc chắn sẽ không vì nó mà tạo tội nghiệp. Chúng sanh tạo nghiệp, vì thân tạo nghiệp là chiếm đa số; vì thân thể hưởng thụ, người thế gian gọi là ngôi nhà xác thân, mê vào ngôi nhà xác thân mà tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, chiêu cảm những việc bất như ý cho đời sau. Chư Phật Bồ Tát thấy rõ chân tướng của ngôi nhà xác thân, triệt để hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch. Hiểu minh bạch có phải là không cần thân phải không? Không phải, cần cái thân này để thay ta tu tích công đức. Người thế gian mê vào ngôi nhà xác thân, lợi dụng thân tạo tác tội nghiệp, còn Phật Bồ Tát lợi dụng cái thân này tích lũy công đức, vậy là khác nhau rồi. Từ đó cho thấy, ngôi nhà xác thân là công cụ, nó không phải mục đích, điểm này nhất định phải nhận thức rõ ràng.

Trong kinh giáo nói thân tự tha, tất cả sắc pháp đều bất tịnh. Cái thân của mình, cái thân của tất cả chúng sanh hữu tình, sắc thân đều là vật bất tịnh. Tại sao bất tịnh vậy? Vì tâm không thanh tịnh, tâm ô nhiễm cho nên thân cũng bị ô nhiễm. Nếu như tâm thanh tịnh thì thân liền thanh tịnh. “Cảnh tùy tâm chuyển”, sự việc này ở trong kinh Phật nói rất nhiều. Thân của chúng ta nếu so với tâm thì thân là cảnh giới của tâm. Thân từ đâu mà có vậy? Là do tâm biến hiện ra. Mở đầu bộ kinh này Phật đã nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Thân của chúng ta là từ tâm tưởng sanh. Khi bạn đến đầu thai, bạn có tưởng, có tưởng mới biến thành thân. Tại sao bạn trở thành tướng mạo này? Tướng mạo này là bạn tưởng trước khi đầu thai, bạn ưa thích tướng mạo này, nó liền biến thành cái tướng mạo này, từ tâm tưởng sanh. Người thế gian nói di truyền, tướng mạo của con cái rất giống cha, giống mẹ. Nó không phải di truyền, trong Phật pháp nói bạn ưa thích cha, ưa thích mẹ, ưa thích cái tướng đó của họ, nên bạn liền biến thành cái tướng đó, không phải di truyền.

Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Người xưa nói, thân thể tướng mạo của bạn trước 40 tuổi là chịu sự ảnh hưởng của đời trước; sau 40 tuổi thì thân thể tướng mạo của bạn, bạn phải tự mình chịu trách nhiệm. Tại sao vậy? Trong đời này, vọng tưởng của bạn, tư tưởng của bạn làm thay đổi tướng mạo của bạn. Nếu như ý nghĩ của bạn ác, hành vi ác thì tướng mạo của bạn càng biến càng hung ác. Tâm địa bạn lương thiện, từ bi thì tướng mạo của bạn càng biến càng đẹp, chính là cái đạo lý này. Từ 40 tuổi về sau, thân thể của mình khỏe mạnh, tướng mạo là phải tự mình chịu trách nhiệm. Từ tướng mạo của bạn, từ thể chất của bạn liền biết cái mà bạn bình thường tưởng đến là gì, nghĩ đến là gì, niệm những gì. Điều này rất có đạo lý.