PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Tập 52
Kinh văn: “Niệm xứ trang nghiêm cố, thiện năng tu tập, tứ niệm xứ quán”.
Đây là đoạn thứ nhất trong 37 phẩm trợ đạo. Phẩm trợ đạo tổng cộng có bảy khoa, chúng ta ngày nay gọi là bảy giai đoạn, đó là Tứ Niệm Xứ - Tứ Chánh Cần - Tứ Thần Túc - Ngũ Căn - Ngũ Lực - Thất Giác Chi - Bát Chánh Đạo. Bảy giai đoạn này là Phật pháp hoàn chỉnh, cũng có thể nói bất luận là Đại thừa, Tiểu thừa, Hiển giáo, Mật giáo, tóm lại không ngoài bảy loại này. Thuật ngữ của kinh Phật gọi là bảy khoa (khoa là khoa mục), bảy khoa mục đã bao gồm hết rồi. Nội dung trong mỗi một khoa mục đều là sâu rộng không có bờ mé, cho nên chúng ta không thể xem nó là Tiểu thừa. Đại sư Thiên Thai dùng bốn giáo Tạng – Thông – Biệt –Viên để nói rõ với chúng ta. Trong mỗi một khoa đều có Tạng, Thông, Biệt, Viên. Từ đó cho thấy, nó đã bao gồm hết rồi.
Khoa thứ nhất chính là niệm xứ. Trước đây tôi giảng những kinh văn này, cách nói hơi có một chút không giống với người xưa, dễ hiểu hơn.
“Tứ niệm xứ”, chúng tôi thường gọi là thấy rõ, thấy ra được.
“Tứ thần túc” chính là buông xả được.
“Tứ chánh cần” là đoạn ác, tu thiện.
Quí vị từ trên quan điểm này mà thể hội, sẽ không khó hiểu được ý nghĩa của nó. Thấy rõ, buông xả xuyên suốt toàn bộ Phật pháp.
Tại sao phàm phu chúng ta lại có những phiền não tập khí sâu nặng này vậy? Nguyên nhân căn bản là do không biết chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Niệm xứ giúp chúng ta hiểu rõ, dạy chúng ta nhìn vũ trụ nhân sinh như thế nào. Phật ở chỗ này đem nó quy nạp thành bốn hạng mục.
- Thứ nhất, “Quán thân bất tịnh”.
- Thứ hai, “Quán thọ là khổ”.
- Thứ ba, “Quán tâm vô thường”.
- Thứ tư, “Quán pháp vô ngã”.
Sự quán này chúng ta hiện nay gọi là nhân sinh quan, vũ trụ quan. Cách nhìn của bạn đối với nhân sinh vũ trụ, bạn có thật sự nhìn thấy chân tướng của nó hay không?
Điều thứ nhất, “Quán thân bất tịnh”.
Phàm phu điều quan trọng nhất chính là chấp trước thân này, quí trọng thân này, khởi chấp trước tham ái đối với thân này, cái gốc của chấp trước này quá sâu. Nên biết, chấp trước này chính là gốc của sáu cõi luân hồi, luân hồi là từ đây mà ra. Nếu bạn thấy sự việc này rõ ràng rồi, đem thân kiến buông xả, bạn liền thoát khỏi sáu cõi luân hồi. Sáu cõi luân hồi hoàn toàn không phải sự thật, nó là hiện tượng hư ảo, trong kinh Kim Cang nói là “mộng huyễn bèo bọt” không sai tí nào. Người nào có chấp trước thì người đó sẽ hiện cái tướng này, người nào buông xả chấp trước thì hiện tượng này đối với họ không có nữa. Từ đó cho thấy, cảnh giới này là hư ảo, không phải chân thật.
Ngày nay mỗi người chúng ta đều hiện ra hiện tượng này, Thế Tôn ở trên hội Lăng Nghiêm gọi hiện tượng này là “Đồng phân kiến vọng”.
Kiến là kiến giải.
Vọng là hư vọng.
Đồng phân là mọi người chúng ta đều có điểm chung, tuy có điểm chung nhưng vẫn là mỗi người mỗi khác. Ví dụ hôm nay giảng đường này rất sáng sủa, có mấy chục ngọn đèn đang chiếu sáng, đây gọi là đồng phân kiến vọng. Thực ra ánh sáng của mỗi ngọn đèn không liên quan nhau, giống như từng ánh sáng hòa lẫn vào nhau, nhưng trên thực tế vẫn là cái nào ra cái nấy. Bạn tắt một ngọn đèn đi, ánh sáng của ngọn đèn này không còn nữa, nó hoàn toàn không cản trở cái khác. Quí vị từ chỗ này mà thể hội thật kỹ, mỗi người có cảnh giới riêng, mỗi người có trời đất riêng, mỗi người có vũ trụ của riêng mình. Có thể nói, mỗi người không giống nhau; cũng có thể nói, mỗi người có sự liên quan mật thiết. Chân tướng sự thật ở trong đây, chúng ta cần thể hội thật kỹ. Cho nên, không thể nói đồng, cũng không thể nói bất đồng. Giống như ánh sáng đèn này vậy, bạn không thể nói nó không hòa vào nhau, ánh sáng của mấy chục ngọn đèn quả thật là hòa lẫn với nhau; bạn cũng không thể nói nó thật sự hòa vào nhau, vì nếu thật sự hòa vào nhau thì khi tắt một ngọn, ánh sáng ngọn đèn này đã không còn nữa. Trong Phật pháp thường nói “Phi nhất phi dị”, không thể nói một, cũng không thể nói không một. Đây là chân tướng sự thật, không phải lời nói hàm hồ tắc trách, quả thật đúng là chân tướng.