/ 80
621

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Tập 47

Kinh văn: “Tuệ trang nghiêm cố, năng đoạn nhất thiết, phân biệt vọng kiến”.

Phần kinh văn phía trước là nói đem thập thiện nghiệp đạo thực tiễn vào trong lục Ba-la-mật của Bồ-tát. Đây là một đoạn cuối cùng của “Bát Nhã Ba-la-mật”. Giới-Định-Tuệ tam học là ba nguyên tắc mà mười phương ba đời tất cả chư Phật từ sơ phát tâm mãi đến viên mãn Bồ Đề nhất định phải tuân thủ. Định là thể của tâm, Tuệ là quán chiếu của tâm, Giới là hành vi của tâm, cho nên gọi là tam học hay tam bảo. Tuệ là Phật bảo, Định là Pháp bảo, Giới là Tăng bảo, chúng ta gọi Phật-Pháp-Tăng tam bảo. Tam bảo đầy đủ là hành đạo Bồ-tát, gọi là học Phật. Thiếu một điều trong ba điều thì chắc chắn không thể thành tựu. Cổ nhân nói, ba điều này ví như ba chân của cái vạc, thiếu một chân sẽ bị ngã đổ ngay, không thể đứng vững. Vì vậy, chúng ta muốn học Phật thì ba điều này không thể không xem trọng. Quí vị hãy suy nghĩ thật kỹ, vô lượng vô biên pháp môn, nếu bạn đem nó quy nạp lại thì cuối cùng quy nạp thành ba điều này. Vì vậy tam học là tổng cương lĩnh hành môn của Bồ-tát.

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là giới học, là đại căn đại bản trong giới học. Trong đời sống thường ngày, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm đều tương ưng với thập thiện thì mới gọi là người học Phật. Nếu như vẫn cứ tương ưng với thập ác, tức là đi ngược lại với Phật pháp, thì càng đi càng xa. Dứt khoát không được cho rằng giới nho nhỏ thì có thể bỏ. Cái tư tưởng này ở thời cận đại vô cùng thịnh hành, thậm chí là trong lúc chúng ta thọ giới. Khi tôi thọ giới, pháp sư ở trong giới đàn, thầy truyền giới cũng đều nói, giới nho nhỏ có thể bỏ, cho rằng đại giới chúng ta phải giữ, không được phép phạm, còn giới nho nhỏ thì không sao cả. Phật giáo ngày nay suy vi đến mức độ này, nguyên nhân là gì vậy? Là “giới nho nhỏ có thể bỏ”, hỏng tại chỗ này. Đâu biết rằng tích tiểu ác sẽ thành đại ác. Chúng ta coi thường việc thiện nho nhỏ nên không chịu làm, mà ác nho nhỏ bản thân lại không thể ngăn cấm, cho nên tuy cả đời học Phật nhưng cuối cùng vẫn không tránh khỏi đọa ác đạo. Nguyên nhân này chúng ta nhất định phải hiểu rõ, nhất định phải sáng tỏ. Người tu hành chân chánh, quan niệm của họ hoàn toàn ngược lại với chúng ta, việc thiện cực nhỏ họ chịu làm, việc ác cực nhỏ họ rất cẩn thận, không để phạm, cho nên họ có thể thành tựu. Đây gọi là trí tuệ chân thật. Người thế gian là khôn vặt mà hư việc lớn.

Trong sáu cương lĩnh pháp hành của Bồ-tát, năm điều phía trước đều là chú trọng ở trên sự, một điều sau cùng này là ở trên lý. Điều này phải làm như thế nào? Phật ở trong kinh luận nói với chúng ta rất rõ ràng, lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là tuệ. Trong kinh Bát Nhã nói “Tam luân thể không”, chúng ta tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, lìa tất cả tướng, tu tất cả pháp, đây gọi là Bát Nhã Ba-la-mật. Cho nên Bát Nhã không thể tách rời năm phần phía trước. Tách rời năm phần phía trước thì Bát Nhã tan thành mây khói, vì Bát Nhã đó chỉ có lý, không có sự. Cần phải có lý, có sự thì Bát Nhã mới viên mãn, không đến nỗi lệch về một bên.

Chúng ta đã từng nghe qua, Thế Tôn năm xưa còn tại thế, bản thân Ngài giảng kinh thuyết pháp 49 năm, trong đó đã dùng 22 năm để giảng Bát Nhã. Chúng ta nhìn từ lịch sử mới biết, Phật giáo hóa chúng sanh đích xác là lấy Bát Nhã làm trung tâm. Nếu như không có Bát Nhã thì năm điều phía trước là thiện, từ bố thí đến thiền định đều là thiện. Bạn tu bố thí, tu trì giới, tu nhẫn nhục, tu tinh tấn, tu bốn điều này thì quả báo của bạn ở trời Dục Giới. Nếu như bạn tu thiền định thì quả báo của bạn ở trời Sắc Giới, trời Vô Sắc Giới, cũng chỉ hưởng phước trời, không ra khỏi tam giới. Nếu như bạn có tu Bát Nhã Ba-la-mật ở bên trong thì bạn liền thoát khỏi tam giới. Không những thoát khỏi tam giới mà còn thoát khỏi thập pháp giới, vậy mới đạt được thành tựu cứu cánh viên mãn. Ngài giảng Bát Nhã 22 năm, thời gian giảng nhiều như vậy. Kinh Đại Bát Nhã là bộ kinh lớn nhất trong kinh Phật, kinh Hoa Nghiêm chỉ có 80 quyển, còn kinh Đại Bát Nhã có 600 quyển. Trong kinh có những câu lặp lại hơn cả ngàn lần, vạn lần. Có người nói, người Trung Quốc không thích lặp lại, người Trung Quốc từ xưa thích đơn giản rõ ràng, văn tự ngôn ngữ đều coi trọng đơn giản chính yếu, vừa rõ ràng, vừa đầy đủ. Đây là tiêu chuẩn ngôn ngữ văn chương. Vào thời xưa, có thể đạt đến tiêu chuẩn này là văn chương hay, ngôn ngữ hay, mới không rắc rối. Nhưng tập tánh của người Ấn Độ với người Trung Quốc không giống nhau. Người Ấn Độ ưa thích lặp lại liên tục, lặp lại hết lần này đến lần khác. Chúng ta thử suy nghĩ thật kỹ, nó có cái hay của nó. Khuyên bảo một lần, vài lần, người liền quay đầu giác ngộ thì ít lắm. Bao giờ cũng ngàn lần dặn dò, vạn lần nhắc nhở họ mới quay đầu, mới thật sự giác ngộ. Đối với người Trung Quốc hiện nay phải dùng phương pháp này của Phật pháp mới có hiệu quả. Phương pháp cổ xưa của Trung Quốc chúng ta tuy hay, nhưng hiệu quả không bằng Phật pháp. Phật pháp coi trọng việc lặp lại liên tục. Cho dù bạn đã quay đầu rồi, đã giác ngộ rồi, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh rồi nhưng vẫn phải lặp lại như vậy, nguyên nhân gì vậy? Bạn giác ngộ rồi nhưng người khác chưa giác ngộ. Phật pháp lấy lợi ích chúng sanh làm hàng đầu, sau đó mới là tự lợi. Sự khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa quả thật mà nói chính là ở điểm này. Pháp Đại thừa là lấy lợi ích chúng sanh làm hàng đầu, cho nên đem từ bi đặt lên phía trước. Pháp Tiểu thừa là lấy tự lợi làm hàng đầu, cho nên đem tịch tịnh đặt lên phía trước. Pháp mà Trung Quốc tiếp nhận là pháp Đại thừa, ở trong từ bi tu tịch tĩnh, đây là tự lợi, tha lợi đôi đường. Tịch tĩnh là thiền định. Từ bi thực tiễn trong bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nếu như tách rời bốn điều phía trước này thì từ bi chỉ là lời nói suông. Từ bi phải thực tiễn vào trong đời sống thường ngày. Ý nghĩa này phần trước cũng đã báo cáo qua với quí vị rồi.

/ 80