PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Tập 45
Kinh văn: “Long vương! Cử yếu ngôn chi, hành thập thiện đạo, dĩ giới trang nghiêm cố, năng sanh nhất thiết, Phật pháp nghĩa lợi, mãn túc đại nguyện”.
Công đức lợi ích mà từ đây trở về sau nói chính là điều thứ nhất phía trước chúng ta đã đọc đến “hành thập thiện, bố thí, dĩ thí trang nghiêm cố”, được lợi ích là “thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt”. Đây là nói lợi ích tổng quát, từ đoạn kinh văn này trở xuống đều là nói tổng quát, chứ không nói tỉ mỉ từng điều, từng điều nữa.
Phần trước Phật đã khai thị cho chúng ta biết, người ở thế gian này như ngạn ngữ thường nói: “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”. Cái ý này quả thật là sâu rộng vô hạn. Quả báo một đời của chúng ta cũng vô cùng phức tạp, sự việc nhỏ cực kỳ vi tế không có gì không phải có nhân từ trước. Qua đây chúng ta liền biết được sự phức tạp của cái nhân này. Cùng là hành bố thí, trong bố thí bất kể là lớn nhỏ, xả một đồng cũng tốt, xả ức vạn tiền cũng tốt, bất luận là bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy, thập thiện đầy đủ thì cái phước báo đó là viên mãn, không một mảy may khiếm khuyết. Nếu trong thập thiện có một điều khiếm khuyết, thì quả báo này liền không viên mãn. Xem ở trong quả báo của bạn, bạn còn có những việc nào bất như ý thì bạn liền biết ngay là trong tu nhân có chỗ nào đó đã có khiếm khuyết, cho nên quả báo không viên mãn. Từ chỗ này chúng ta mới thật sự có thể thể hội được sao gọi là “nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”, sao gọi là “tự làm tự chịu”, chúng ta mới đích thực hiểu rõ. Nhân quả này quả thật mà nói nó quá chi li, chỉ có thật sự thể hội được, thật sự hiểu được đạo lý này thì tâm mới thật sự yên định được, tuyệt đối sẽ không oán trời trách người. Tại sao vậy? Động một ý niệm oán trời trách người là chúng ta lại tạo nghiệp bất thiện rồi, chiêu đến bất như ý cho đời sau. Đây là chân tướng sự thật.
Phật trong kinh ở phần trước nêu lên ví dụ này chỉ là nói một cách sơ lược, chưa có cặn kẽ. Đại sư Thiên Thai thì giải thích cặn kẽ cho chúng ta trong “Bách Giới Thiên Như”. Tại sao vậy? Chúng ta học Phật đến bây giờ mới hiểu được đạo lý này, chỉ riêng trong một việc bố thí là đầy đủ thập thiện, bạn có biết không? Trong mỗi một điều mục của thập thiện, ví dụ như trong điều mục không sát sanh có không sát sanh của không sát sanh, không sát sanh của không trộm cắp, không sát sanh của không tà dâm, thậm chí là không sát sanh của không tham, không sát sanh của không si. Bạn vừa quan sát như vậy thì thấy quá tỉ mỉ rồi. Phương pháp quan sát này, đại sư Thiên Thai khi giảng kinh Pháp Hoa dạy chúng ta xem thập pháp giới, trong mỗi một pháp giới đều đầy đủ mười pháp giới. Trong pháp giới Phật, có pháp giới Bồ-tát trong pháp giới Phật, có pháp giới Thanh Văn ở trong pháp giới Phật, thậm chí là có pháp giới địa ngục ở trong pháp giới Phật. Trong pháp giới người, có pháp giới Phật trong pháp giới người, có pháp giới thiên trong pháp giới người, cũng có pháp giới súc sanh trong pháp giới người. Mỗi một pháp giới đều đầy đủ mười pháp giới, tổng cộng là 100 pháp giới. Đây là nói một cách sơ lược. Ở trong mười pháp giới, mỗi một pháp giới lại đầy đủ 100 pháp giới. Ai hiểu được cái đạo lý này? Ai có thể có năng lực này để quan sát vi tế? “Chư pháp thực tướng” nói sao dễ dàng! Chúng ta ngày nay dùng ngôn ngữ đơn giản để nói là chân tướng của vũ trụ nhân sinh, hoặc giả nói chân tướng của tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới. Cho dù chúng ta có thể ở trong một pháp giới thấy mười pháp giới vẫn là thấy ở ngoài da, vẫn không thể thâm nhập. Thâm nhập quan sát thì không có bờ mé, không có cùng tận. Cái tột cùng nguồn pháp này, căn nguyên là không có ngọn nguồn, không có bờ mé. Phải làm thế nào mới có thể khế nhập cảnh giới này vậy? Cổ đức thường nói với chúng ta: “Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì”. Chúng ta từ câu nói này giống như rập khuôn công thức trong toán học: “Hữu tâm không bằng vô tâm”. Pháp Thân Đại Sĩ là vô tâm. Trong mười pháp giới, pháp giới bốn thánh vẫn là hữu tâm. Hữu tâm làm thiện không bằng vô tâm làm thiện. Hữu tâm là rơi vào trong ý thức; vô tâm chính là chân tâm, chính là chân như bản tánh. Chúng ta phải tỉ mỉ hướng vào trong đây mà thể hội.