/ 80
1.158

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Tập 41

Kinh văn: “Nhĩ thời Thế Tôn, phục cáo Long vương ngôn, nhược hữu Bồ-tát, y thử thiện nghiệp, ư tu đạo thời, năng ly sát hại, nhi hành thí cố, thường phú tài bảo, vô năng xâm đoạt, trường thọ vô yểu, bất vi nhất thiết, oán tặc tổn hại”.

Lời của Phật là chân thành, quan trọng là tin được. Người học Phật hiện nay đối với lời nói của Phật phần lớn là bán tín bán nghi, còn người không học Phật thì luôn cho rằng đây là lời khuyến thiện của nhà Phật, nhất định không phải là lời chân thật nên họ rất khó tiếp nhận. Nguyên nhân này, nói một cách chân thật, người xuất gia có trách nhiệm rất lớn. Người thế gian tại sao không thể tiếp nhận lời dạy của Phật? Vì hình tượng của người xuất gia khiến họ coi thường. Lời của Phật hay như vậy, các bạn đều là người xuất gia, mục đích là để tuyên dương Phật giáo, nhưng suy nghĩ và hành vi của bản thân bạn thì hoàn toàn không tương ưng với lời Phật dạy. Có thể thấy bản thân các bạn đều không tin Phật. Các bạn không tin mà khuyên chúng tôi tin thì sao có thể được? Chúng ta hãy suy nghĩ thật kỹ đạo lý này. Chúng ta đối với lời của Phật vì sao tin vậy? Chúng ta biết thông qua sự tu học giới định tuệ, thật sự khai trí tuệ. Sau khi trí tuệ mở rồi, đối với tất cả hiện tượng thế xuất thế gian ta đều thông đạt hiểu rõ. Đây là điều mà chúng ta không thể sánh với Phật, Bồ-tát. Các Ngài thấy rất rõ ràng, còn chúng ta mê hoặc điên đảo. Người thế gian đang mê nhưng hoàn toàn không thừa nhận mình mê, mà ngược lại còn thừa nhận mình có trí tuệ cao độ và cho cổ thánh tiên hiền là mê muội. Quan niệm sai lầm này phải làm thế nào đem nó chỉnh sửa trở lại là việc không phải dễ dàng.

Trước tiên bản thân chúng ta phải thông qua tu học chứng thực lời của Phật là chân thật. Nếu như không thông qua tu học nghiêm túc thì cảnh giới này không đạt được, vĩnh viễn tùy thuận tập khí phiền não của mình, tùy thuận theo tri kiến của mình, nhất định không chịu tin theo lời của Phật. Trong kinh  Phật nói cho chúng ta biết (đây là nói với sáu cõi phàm phu), trước khi bạn chưa chứng được A La Hán thì nhất định không nên tin theo ý của mình. Tại sao sau khi chứng được A La Hán thì mới có thể tin vào ý của mình? Đạo lý ở chỗ nào? A La Hán đã đoạn kiến tư phiền não rồi, tam giới 88 phẩm kiến hoặc, 81 phẩm tư hoặc đoạn hết rồi. Phật nói, người ở vào trình độ này gọi họ là “chánh giác”, giác ngộ của họ không có sai lầm, cũng tức là nói cách nghĩ, cách nhìn của họ là chính xác.

Danh từ “kiến tư phiền não” không dễ hiểu, đây là danh từ Phật học. Nếu như kiến tư phiền não của bạn chưa đoạn, hay nói cách khác, tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn, những thứ này chưa có đoạn, thì tri kiến của bạn là bất chánh. Kiến thức mà bạn học nhiều đi nữa, thậm chí là bạn có thể đem Đại Tạng Kinh đọc thuộc từ đầu đến cuối, giảng đến mức hoa trời rơi rụng, bạn vẫn không phải là chánh kiến. Chỉ có người đầy đủ chánh kiến mới biết tâm đại từ đại bi của Phật Bồ-tát, người thế gian chưa đạt đến cảnh giới này. Nếu như họ có thể tôn sư trọng đạo, có thể thuận theo lời giáo huấn của thánh hiền, y giáo phụng hành, thì loại người này có phước rồi. Đây không phải trí tuệ của họ, mà là thiện căn phước đức nhiều đời nhiều kiếp của họ. Họ có phước, họ có thể tiếp nhận, có thể tin, có thể phụng hành thì họ được phước.

Kinh văn từ đoạn lớn dưới đây là nói thập thiện nghiệp thực tiễn vào trong pháp hành của Bồ-tát. Từ chỗ này chúng ta có thể thể hội được thập thiện nghiệp là cơ sở của tu hành. Không có thập thiện thì làm gì có lục độ? Cho nên, phía sau lục độ nói tứ vô lượng tâm, tứ nhiếp pháp, 37 phẩm trợ đạo, đủ dạng pháp môn đều lấy thập thiện làm cơ sở. Không có thập thiện là không có Phật pháp, chúng ta phải biết đạo lý này.

/ 80