/ 80
1.246

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Tập 25

Vào thời xưa, khi quốc gia có tai nạn, địa phương có hung tai thì quốc vương và quan chức địa phương đều biết dùng Phật pháp để giáo hóa chúng sanh, trên dưới đều có thể y giáo phụng hành, được Phật cảm hóa tiêu trừ tai nạn. Trong lịch sử chúng ta nhìn thấy rất nhiều điển hình. Rốt cuộc có hiệu quả hay không? Sự thật lịch sử có thể chứng minh cho chúng ta. Tại sao lại có hiệu quả? Đạo lý này sâu rộng vô cùng. Trong kinh điển Đại Thừa Phật giáo nói rất rõ ràng, Nho gia và những tôn giáo khác cũng có nói nhưng không nói rõ ràng bằng Phật pháp. Điều này chứng tỏ điển tích của Phật pháp rất là phong phú.

Phật nói cho chúng ta biết, hư không pháp giới tất cả chúng sanh trong cõi nước chư Phật là cùng một nhân sanh. Nhân này Phật pháp gọi là tâm tánh, cùng một tâm tánh sinh ra. Giống như thân của con người chúng ta vậy, nó là một thân thể, thân thể này có biết bao nhiêu tế bào. Chúng ta hiện nay biết, tế bào hoàn toàn không phải là đơn vị nhỏ nhất. Tế bào là do nguyên tử, điện tử tổ hợp mà thành. Nhà khoa học cận đại nói cho chúng ta biết, nguyên tử, điện tử cũng không phải là đơn vị nhỏ nhất, còn có đơn vị nhỏ hơn điện tử, chỉ bằng một phần ức vạn, gọi là hạt “Quark”. Tất cả mọi chúng sanh trên thế giới chúng ta là giống như vật chất nhỏ nhất vậy, không biết toàn bộ cơ thể là mình, chấp trước cái hạt nhỏ kia cho đó là mình. Đến khi nào họ biết toàn bộ cơ thể là mình, sau đó mới biết được bất kỳ một hạt nào cũng có thể ảnh hưởng toàn thân. Giống như cơ thể chúng ta vậy, bất kỳ một tế bào nào, bất kỳ bộ phận nào, bạn dùng kim châm vào thì toàn thân đều cảm giác thấy đau, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Cho nên, Phật dạy chúng ta, khi có tai nạn xảy ra, nhất định phải phản tỉnh, phải ăn năn, phải hối lỗi, như vậy thì mới có thể hóa giải tai nạn.

Giáo dục của Phật Đà quả thật là nền giáo dục trí tuệ chí thiện cứu cánh viên mãn của thế xuất thế gian. Tất cả mọi vấn đề thế xuất thế gian đều có thể giúp chúng ta giải quyết. Chúng ta ở trong đời sống thường ngày gặp phải một số tai họa không may, thường hay nghe thấy lụt lội, hạn hán, động đất, bão tố, những thứ này đích thực là do chúng sanh hữu tình chúng ta đã tạo nghiệp bất thiện mà chiêu cảm nên. Nếu như nói những tai họa tự nhiên này không có liên quan gì với tư tưởng hành vi của chúng ta, thì đây là điều sai lầm, quan niệm này hoàn toàn sai lầm! Người Trung Quốc khoảng 2000 năm trước, vào thời đại của đế vương, có thể nói hầu như là không có đế vương nào mà không tiếp nhận giáo dục qua Phật pháp. Phật pháp truyền đến Trung Quốc từ triều Hán, năm thứ 10 Vĩnh Bình, Minh Đế thời hậu Hán (tức là năm 67 sau công nguyên), thì truyền đến Trung Quốc. Sau khi truyền đến Trung Quốc, giai cấp sĩ đại phu Trung Quốc, hiện nay gọi là phần tử tri thức, bất kể họ tin hay không tin, không có ai mà không đọc sách Phật, nhiều ít đều có đọc, do đó ảnh hưởng rất sâu. Khi tuổi còn trẻ, khí huyết sung mãn, thành kiến rất sâu nên không thể tiếp nhận, nhưng lúc tuổi về chiều thì có rất nhiều người tiếp nhận. Nhân vật đại biểu cụ thể nhất là Hàn Dũ. Hàn Dũ khi còn trẻ tuổi bài xích Phật pháp, lúc về già quy y Hòa thượng Đại Điên, chăm chỉ học Phật, biết tư tưởng kiến giải trước đây là sai lầm. Cho nên, người đi học trước đây có cái điểm hay, họ biết mình có lỗi lầm, họ biết sám hối, họ biết sửa lỗi, đây là điều rất hiếm có. Hiện nay có một số người vô cùng ngoan cố, tuy biết là sai rồi cũng không thừa nhận, cũng không chịu sửa, quả báo này là rất thê thảm. Chúng ta không thể không hiểu những đạo lý này, không thể không quan sát thật kỹ quá khứ, hiện tại, những sự thật này, để từ chỗ này xây dựng tín tâm.

Phật pháp là giáo dục từ đời sống thường ngày từng li từng tí, cho đến khi bạn triệt để hiểu rõ chân tướng hư không pháp giới. Đó là một nền giáo dục viên mãn, chúng ta cần phải lý giải. Gặp được Phật pháp là may mắn lớn. Có rất nhiều chính trị gia sinh ra hoài nghi đối với tôn giáo, đây là vì họ nhận thức không đủ. Tại sao Trung Quốc thời cổ đại, trải qua mấy ngàn năm nay thay đổi triều đại, mà mỗi một đế vương đều tôn sùng Phật giáo? Nguyên nhân là họ hiểu rõ, họ nhận thức được. Bản thân Phật Bồ-tát cho đến tất cả chúng sanh mà các Ngài giáo hóa, đối với quốc gia mà nói thì trong kinh Phạm Võng có hai điều chúng ta cần biết.

/ 80