/ 80
1.296

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: năm 2001

Tập 19

Kinh văn: “Phục thứ long vương, nhược ly thâu đạo, tức đắc thập chủng khả bảo tín pháp. Hà đẳng vi thập? Nhất giả, tư tài doanh tích, vương tặc thủy hỏa, cập phi ái tử, bất năng tán diệt. Nhị, đa nhân ái niệm. Tam, nhân bất khi phụ. Tứ, thập phương tán mỹ. Ngũ, bất ưu tổn hại. Lục, thiện danh lưu bố. Thất, xứ chúng vô úy”. Chúng ta lần trước giảng đến đây. Hôm nay, chúng ta xem tiếp:

Thứ tám: “Tài mệnh sắc lực, an lạc biện tài cụ túc vô khuyết”.

Ở trong kinh, không chỉ là bộ kinh này, Phật nói cho chúng ta biết chân tướng sự thật. Loại chân tướng sự thật này chính là chân lý về nhân duyên quả báo. Không những pháp thế gian như vậy, mà pháp xuất thế gian cũng không ra khỏi định luật này. Định luật cũng chính là chân lý mà chúng ta thường nói, chúng ta phải thể hội thật sâu, tin tưởng thật sâu. Làm ác thì quả báo của ác chính là mặt trái của mười loại bảo tín pháp mà trong kinh nói. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì tại sao chúng ta không đoạn ác tu thiện chứ? Là người, ai cũng mong cầu quả báo tốt. Người thế gian bất kể là người xưa, người nay, cõi này, phương khác, tất cả chúng sanh không ai không cầu mong giàu có, sống lâu, trí tuệ. Có thể cầu được không? Đáp án là chắc chắn được, nhất định có thể cầu được. Nhà Phật thường nói: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Nhưng chúng ta nhất định phải cầu như lý, như pháp. Nếu không hợp lý, không hợp pháp, thì việc cầu này không có cảm ứng. Chỉ cần như lý, như pháp thì không có gì không cầu được.

Quả báo của “không sát sanh” thù thắng không gì bằng. Trong muôn vàn quả báo thù thắng, điều quan trọng nhất là khỏe mạnh, trường thọ, đây là đức hàng đầu. Chúng ta dứt khoát không có ý nghĩ tổn hại chúng sanh, nhưng điều này vô số người rất khó làm được. Nguyên nhân ở đâu vậy? Tập khí quá nặng. Tập khí sân hận, tập khí cống cao ngã mạn, khi đối với người, với sự, với vật, vô tình nó lại khởi hiện hành, vẫn cứ tạo tác ác nghiệp. Cho nên, Phật dạy chúng ta phiền não phải đoạn, tập khí càng cần phải đoạn.

Chúng ta nhìn thấy nghệ thuật tạo tượng của nhà Phật, bạn thử xem, mỗi tượng của A La Hán đều khác nhau, thế nhưng tỉ mỉ mà quán sát, tượng của họ vẫn là từ bi. Tạo tượng của Bồ-tát thì không như vậy, hầu như diện mạo của Bồ-tát đều giống nhau, đây là nguyên nhân gì vậy? A La Hán ác nghiệp đã đoạn hết rồi, nhưng tập khí ác chưa đoạn. Bồ-tát ngay cả tập khí cũng đoạn rồi, cho nên diện mạo hiền từ, hòa nhã, tất cả chúng sanh nhìn thấy đều sinh tâm hoan hỷ, không giống như A La Hán. Ở chỗ này chúng ta cần phải thể hội cho được, biết học tập như thế nào. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải đoạn tập khí. Cách đoạn tập khí như thế nào vậy? Chúng ta cần phải coi trọng phương pháp, đương nhiên phương pháp có hiệu quả nhất là đem hành vi sinh hoạt của chúng ta, đối nhân tiếp vật, chúng ta ghi thành băng ghi hình, sau đó tự mình thử xem trở lại. Đây là biện pháp hay, nhưng không có người ghi lại giúp bạn. Thế là chúng ta phải nghĩ đến cổ nhân, cổ nhân dùng phương pháp gì vậy? Hằng ngày soi gương. Khi trong tâm bạn có mừng, vui, giận, ghét, bạn dùng gương soi lại chính mình, thử xem đức tướng đó của mình, vậy là có thể tỉnh ngộ ngay. Thật ra chỉ cần tự mình lưu ý, tự mình chịu dụng tâm. Trong đời sống thường ngày, chúng ta nhìn người khác, nhìn chính mình thì không nhìn thấy, nên phải nhìn người khác. Người khác chính là một tấm gương của chúng ta. Khi chúng ta nhìn thấy nhan sắc, vẻ mặt, ngữ khí của người ta bất thiện, chúng ta cảm thấy như thế nào? Xoay trở lại thử nghĩ bản thân mình, chúng ta đối xử người khác có giống như vậy hay không? Phu Tử nói với chúng ta: “Ba người đi ắt có thầy ta”. Bạn thử xem phong cách của người thiện, phong cách của người bất thiện, chỉ cần tự mình chịu lưu ý thì liền biết sửa đổi, trong đời sống thường ngày từng li từng tí đều sẽ biết dụng tâm mà học tập. Chỉ có người lơ là, sơ ý thì khó, loại người này thì nhiều, đặc biệt là trong thời đại hiện nay. Loại người này trong kinh điển Phật thường nói: “Kẻ đáng thương hại”. Chúng ta nhất định không được quở trách “kẻ đáng thương hại” này, tại sao vậy? Vì họ đáng thương. Đáng thương ở chỗ nào? Không có người dạy họ. Cổ nhân Trung Quốc nói là “họ chưa được nhận qua sự giáo dục”. Giáo dục mà người xưa Trung Quốc nói với giáo dục hiện nay ý nghĩa không giống nhau. Hiện nay học đến đại học, học đến tiến sĩ, học vị tiến sĩ cầm được rồi, , nhưng trong mắt của cổ nhân Trung Quốc thì bạn chưa được giáo dục, chưa được nhận qua giáo dục để làm người.

/ 80