/ 80
1.321

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Tập 5

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Biên tập: năm 2023

Phật thuyết thập thiện nghiệp đạo kinh. Đề kinh này, phía trước tôi đã giảng qua một lần rồi nhưng chưa xong, hôm nay chúng ta giảng tiếp. “Phật Thuyết Thập Thiện” đã giới thiệu rồi, hôm nay chúng ta giảng “Nghiệp Đạo”.

Vì sao gọi là “Nghiệp”? Tất cả hoạt động của chúng ta từ khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm, ngay lúc đang tiến hành gọi là “việc”. Chúng ta thường hay hỏi, bây giờ anh đang làm việc gì đó. Sau khi sự việc làm xong thì kết quả đó gọi là “Nghiệp”. Phật đem tất cả mọi tạo tác của chúng ta chia thành ba loại lớn, mọi người đã biết rõ đó là nghiệp thiện, nghiệp ác và nghiệp vô ký, phân thành 3 loại. Tất cả đều không ngoài ba loại lớn này.

“Vô ký” là không thể nói nó là thiện hay ác, đây được gọi là vô ký. Ví dụ chúng ta cầm khăn lau mặt, uống ly trà, việc này không thể gọi là thiện hay ác, loại này gọi là nghiệp vô ký.

Thiện ác có tiêu chuẩn, thứ bậc của tiêu chuẩn rất nhiều. Thông thường ở trong Phật pháp chúng ta nói “ngũ thừa Phật pháp”. Ngũ thừa Phật pháp chính là năm tiêu chuẩn: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát. Tiêu chuẩn của mỗi một cấp bậc đều khác nhau, nhưng nó có một nguyên tắc bất biến, có nguyên lý. Nguyên lý này chính là sự nghiệp lợi ích chúng sanh là nghiệp thiện, sự nghiệp lợi ích cho bản thân là nghiệp ác. Cách nói này rất nhiều người mới học không thể tiếp nhận. Có người nào không vì bản thân chứ? Tôi vì bản thân thì có gì không tốt? Nhưng ở trong Phật pháp thật sự là không tốt. Tại sao vậy? Vì mục đích của Phật pháp và mục đích của thế gian không giống nhau. Mục đích của Phật pháp là phải làm Phật. Làm Phật thì nhất định phải thoát khỏi tam giới, thoát khỏi thập pháp giới thì bạn mới có thể làm Phật được. Vậy làm Phật có được tự lợi hay không? Phật nói, tại sao bạn không thể làm Phật, tại sao bạn bị trôi lăn trong lục đạo luân hồi? Chính là vì tâm lợi ích riêng tư của bạn quá nặng!

Phật pháp nói bạn chấp trước có “Ngã”, có “Ngã” thì bạn không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, điểm này chúng ta cần phải nên hiểu rõ. Cho nên, Phật pháp dạy chúng ta phải phá chấp ngã. Phá chấp ngã là khi chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, quyết định không nên nghĩ vì bản thân thì cái “Ngã” này mới có thể nhạt dần, mới có thể dứt trừ. Bất kể sự việc gì khởi tâm động niệm vẫn nghĩ có “Ngã” thì ý nghĩ “Ngã” này của bạn ngày ngày đang tăng trưởng, hay nói cách khác, bất kể bạn tu học pháp môn nào, tu tốt cỡ nào, bạn cũng không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, tu tốt mấy cũng chẳng qua là hưởng phước cõi trời mà thôi, không ra khỏi luân hồi! Chúng ta hiểu rõ cái đạo lý này thì mới hiểu được tại sao Phật không cho phép chúng ta lo nghĩ vì lợi ích chính mình. Chúng ta thì hiểu rõ, nhưng đạo lý này người thế gian không hiểu, hay nói cách khác, bạn không muốn thoát khỏi lục đạo luân hồi, điều đó thì khỏi phải bàn. Nếu như bạn muốn thoát khỏi lục đạo luân hồi thì không đoạn “Ngã” không được!

Trong kinh Kim Cang nói rất hay: “Nhược Bồ-tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ-tát”. Bồ-tát thoát khỏi tam giới. Thoát khỏi tam giới là Bồ-tát nhỏ. “Vô ngã tướng” thì mới có thể thoát khỏi tam giới. Tuy thoát khỏi tam giới nhưng chưa thể thoát khỏi thập pháp giới, chúng ta gọi là pháp giới tứ thánh: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát. Trong tứ thánh pháp giới còn có pháp giới Phật. Đây là nguyên nhân gì vậy? Họ không còn chấp ngã! Tuy không chấp trước “Ngã” nữa nhưng họ còn chấp trước “Pháp”, vì vậy họ vẫn còn nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Trong bốn tướng là ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì chỉ có ngã tướng họ không còn chấp trước. Họ vẫn còn chấp trước có nhân, có chúng sanh, có thọ giả, cho nên họ không ra khỏi mười pháp giới.

/ 80