/ 28
378

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 19

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Liên Hải

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: 1999

Địa điểm: Tịnh Tông  Học Hội - Singapore


Xin mời mở kinh bổn ra, Kinh Địa Tạng luận quán trang thứ 17, hàng thứ hai từ dưới đếm lên.

“Thiên Thai y chư Đại thừa kinh, lập tứ chủng tam muội tu thập thừa quán pháp, trực tựu ấm tâm, hiển tam thiên pháp, tức tùng hành quán nghĩa”. Bốn loại tam muội này, giới thiệu qua với chư vị rồi. Ở đây  nhắc đến “thập thừa quán pháp”, cũng phải giới thiệu đơn giản về danh từ này, chúng tôi đem đoạn này trong Giáo Thừa Pháp Số photo ra phát cho chư đồng học, đây là chỉ quán của Thiên Thai, cũng là cương lĩnh tu hành của tông Thiên Thai, nó phân thành mười điều. Mười điều này đối với người tu hành đều có sự giúp đỡ rất lớn, dù người niệm Phật cũng không ngoại lệ. Trong mười điều có thể phân thành ba đoạn, nhắm tới ba bậc căn cơ thượng trung hạ.

Thứ nhất là “quán bất tư nghì cảnh”. Trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy được. Trong bộ kinh Địa Tạng này, đoạn trước chúng ta đọc qua Ngũ trùng huyền nghĩa. Ngũ trùng huyền nghĩa Đại sư Thanh Liên đều thêm cho nó câu bất tư nghì, nói rõ bộ kinh này và Hoa Nghiêm, Pháp Hoa không có gì khác. Cho nên trong đoạn lớn này, đây là đoạn lớn thứ hai “tổng thị quán pháp”. Đoạn này thực sự mà nói chắc chắn không thể thiếu được. Nếu như thiếu mất đoạn này, trong Ngũ trùng huyền nghĩa đoạn trước thêm bất tư nghì, chắc chắn sẽ gây cho người khác sự hoài nghi. Kinh này từ xưa đến nay đều liệt vào trong bộ Phương đẳng. Bộ Phương Đẳng là Đại thừa nhập môn, làm sao có thể sánh ngang hàng với Hoa Nghiêm, Pháp Hoa được? Trong quán pháp, tức là tổng nguyên tắc, tổng cương lĩnh tu hành đã là cùng Pháp Hoa và Hoa Nghiêm không khác gì nhau, đương nhiên đây là thuộc về cảnh giới bất tư nghì rồi. Đối với Ngũ trùng huyền nghĩa đoạn trước ông đã nói chúng ta mới có thể tin tưởng, mới không đến nỗi nghi hoặc. 

Trong chỉ quán điều thứ nhất là đối với thượng căn lợi trí. Nói cách khác, người trung hạ căn tánh không làm được. Dưới đây có một đoạn giải thích đơn giản.

“Nhất niệm cụ túc tam thiên tánh tướng, bách giới thiên như, thử cảnh tức không tức giả tức trung”. Gọi là quán, tức người hiện đại nói là: cách nhìn, cách nghĩ. Cách nhìn đối với toàn thể vũ trụ nhân sanh. Trong triết học gọi nó là nhân sinh quan, vũ trụ quan. Cách nhìn của quí vị có chính xác hay không? Có phải là chân tướng sự thật hay không? Nếu như quí vị nhìn thấy đích thực là chân tướng sự thật, thì quan niệm của quí vị là chính xác. Nhà Phật nói là “chánh tri chánh kiến”. Nếu như cách nhìn, cách nghĩ của quí vị trái ngược với chân tướng sự thật, trong Phật pháp gọi là “tà tri tà kiến”. Tà tri tà kiến là quí vị nhìn sai, quí vị nghĩ sai rồi. Sự thật là gì? Sự thật là nhất niệm tự tánh. Nhất niệm ở đây chư vị phải hiểu được nhất niệm chính là tự tánh, nhất niệm chính là chân tâm, nhất niệm chính là chân như. Niệm thứ hai là mê rồi. Niệm thứ hai liền biến thành A lại da thức. Chư vị phải hiểu được, niệm thứ nhất là chân tâm, niệm thứ hai là vọng tâm. Sai biệt giữa Phật, Bồ Tát và phàm phu chính là chỗ này. Chư Phật Bồ Tát vĩnh viễn  duy trì nhất niệm. Phàm phu một niệm vừa khởi lên, lập tức liền rơi vào niệm thứ hai. Nên nói là “ba tâm hai ý”, liền rơi vào ba tâm hai ý rồi. Ba tâm là gì? A lại da, mạt na, ý thức.  Đây gọi là ba tâm. Hai ý chính là chỉ cho mạt na và ý thức. Mạt na là ý căn, thứ sáu là ý thức, rơi vào rất nhanh. Tất cả chúng sanh lúc sáu căn tiếp xúc sáu trần đều là một niệm, không khác gì với Chư Phật Như Lai, cho nên Phật thành Phật vì sao nói: đại địa chúng sanh đồng thành Phật đạo. Chính là đạo lý này vậy.

Có người nào, chúng ta lấy người làm ví dụ, sáu căn tiếp xúc sáu trần niệm thứ nhất không phải là chân tâm. Niệm thứ nhất và chánh kiến, chánh tri của Chư Phật Như Lai, không có mảy may sai biệt. Đáng tiếc là niệm thứ nhất vừa khởi lên, lập tức liền trở thành niệm thứ hai, sai chính là sai nơi đây vậy. Tốc độ này nhanh quá, gần như cùng với niệm thứ nhất đồng thời khởi lên, rơi vào niệm thứ hai rồi. Niệm thứ hai là gì? Phân biệt chấp trước vọng tưởng. Trong niệm thứ nhất không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước. Có thể duy trì được niệm thứ nhất người này chính là Phật, chính là pháp thân đại sĩ. Giữ không được lập tức đọa lạc vào trong niệm thứ hai, đọa lạc vào trong ba tâm hai ý. Người này liền gọi là phàm phu. Sai biệt giữa phàm và thánh là đây vậy. Một niệm trú nhất chân pháp giới, ba tâm hai ý trú thập pháp giới. Chân tướng sự thật này chúng ta phải hiểu được.

/ 28