Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa
Tập 17
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Liên Hải
Biên tập: Minh Tâm
Thời gian: 1999
Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội - Singapore
Mời mở kinh bổn ra, Luận quán trang thứ 17, hàng thứ hai. Bắt đầu từ đoạn này, là đoạn lớn thứ hai.
Trong đoạn lớn thứ nhất giới thiệu về ngũ trùng huyền nghĩa. Đoạn lớn thứ hai đây cũng là điều rất khó được. Thông thường trong các chú giải không thấy nhiều. Đại sư Thanh Liên cung cấp cho chúng ta một pháp quán, “tổng thị quán pháp”. Pháp là phương pháp, quán là quan niệm. Phật pháp, thế pháp chỉ ở chỗ quán niệm không đồng. Thế pháp là một quan niệm sai lầm, trái ngược với chân tướng sự thật. Phật pháp là quan niệm chính xác. Chánh nghĩa là tương ưng với chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Đây là điều chúng ta y cứ theo tiêu chuẩn của nó mà nói ra. Từ đó có thể biết, học Phật hoàn toàn chỉ là chuyển biến quan niệm của chúng ta mà thôi, chuyển biến quan niệm sai lầm thành quan niệm chính xác. Đây là tổng cương lĩnh của việc tu hành.
Chúng ta xem đoạn văn này.
“Sơn gia lập pháp, hữu giáo hữu quán yên, giáo dĩ khai giải, quán dĩ khởi hạnh”. Sơn gia là cổ đức tôn xưng đối với đại sư Trí Giả. Nên trong giáo lý Thiên thai nhìn thấy hai chữ sơn gia này, chính là hậu học xưng hô đối với đại sư Trí Giả. Trong phương pháp dạy học của ngài có giáo có quán. Giáo là dạy học. Dạy học chủ yếu là dạy quí vị sáng lý, hiểu rõ những đạo lý này. Quán là nói về khởi hành. Cũng tức là nói phải đem những đạo lý mà quí vị đã hiểu rõ đó thực hành cho được. Đem những quan niệm sai lầm chuyển biến trở lại, đây gọi là hành. Đây chính là khởi hành. Cho nên giáo và quán có những gì khác nhau. Ý nghĩa bao hàm của nó, hai câu này nói rất rõ ràng. Chúng ta học giáo, nghiên cứu kinh giáo của nhà Phật là khai giải, mục đích là khai giải. Sau khi giải rồi đó là tu hành, tu hành là thuộc về quán.
Dưới đây ngài nêu ra một ví dụ, “như cao minh tương lại”. Cao là dầu, minh là ánh đèn, đèn sau khi thắp sáng phải nhờ vào dầu, nương nhờ vào nhau, dầu nếu như không có lửa, nó không khởi tác dụng, không thể khởi tác dụng chiếu sáng. Ánh đèn nếu không có dầu nó sẽ bị tắt mất. Cho nên tác dụng chiếu sáng nhất định là dầu đèn nương nhau. Đem ví dụ này ví cho giáo, quán, mối quan hệ của giáo và quán, cũng giống như mối quan hệ giữa dầu và đèn vậy. Hai thứ này không tách rời nhau.
Ví dụ thứ hai nói “mục túc giao tư”, đây cũng là một ví dụ. Thí dụ như đi đường, đi đường chân phải chuyển động, nhưng nếu quí vị không có con mắt nhìn không thấy đường, thì quí vị không thể nào đi được. Đây là đem mục ví dụ cho giáo, túc ví dụ cho quán. Mắt giúp cho chân, chân giúp cho mắt, vậy mới đạt được mục đích.
“Tức ư tứ môn nhập thanh lương trì hỉ.” Tứ môn chính là giáo, giải, quán, hành. Bốn môn này, quí vị mới có thể thoát ly khổ hải, khế nhập cảnh giới của Phật. Cảnh giới của Phật ví dụ cho ao thanh lương.
Mấy câu sau đây rất quan trọng. “Hậu đại truyền kỳ giáo giả, cự khả đồ thủ văn ngôn, nhi bất minh quán hành hồ?” Hậu thế là chỉ cho thời đại mạt pháp của chúng ta, thời đại mạt pháp người học Phật cũng không ít, nhưng vì sao không có thành tựu? Học giáo không thể khai giải, tham thiền không thể khai ngộ, niệm Phật không thể đắc nhất tâm, trì chú không thể tương ưng. Nguyên nhân là do đâu? Không có quán hành. Chỉ có giáo lý, không có quán hành, chắc chắn không thể thành tựu. Cho dù chúng ta đem Phật Pháp giới thiệu cho người khác, đây chính là nói giảng kinh thuyết pháp, cũng giảng một số lý luận. Lý luận giảng có huyền diệu bao nhiêu đi nữa, mà không liên quan gì đến hành trì trong cuộc sống của thính chúng, cách giảng như vậy người hiện đại sẽ không dễ dàng tiếp thu. Vì sao vậy? Người hiện đại nói chuyện hiện thực, tất cả các sự việc đầu tiên đều phải nói đến hiện thực. Nếu như không liên quan gì đến hiện thực, họ không có thời gian, cuộc sống của họ vô cùng bận rộn, tâm tình của họ rất khẩn trương, nếu như nghe rồi mà không liên quan gì đến cuộc sống của bản thân, không đạt được lợi ích chân thật, thì lần sau họ không đến nữa.
Từ đó có thể biết, chẳng những chúng ta phải giới thiệu giáo lý, còn phải giới thiệu quán hành, giúp cho họ đem những lý luận nhà Phật này thực tiễn vào trong cuộc sống, làm cho họ lập tức liền đạt được lợi ích, liền đạt được điều tốt đẹp. Đây là điều mà người hiện đại yêu thích, mong cầu. Chúng ta không thể không hiểu những sự thật này. Đây gọi là quán cơ, người hiện đại căn cơ như thế nào?