/ 28
730

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 2

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 1998

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội_Singapore


Mời mở kinh ra. Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, trang thứ nhất phần quán luận, bắt đầu xem từ giữa hàng thứ hai, chúng ta đọc qua một lượt đoạn văn này.

“Chư Phật ngộ chi, tắc tam thân viên hiển, chúng sanh mê thử, tắc lục đạo tuần hoàn, tuy mê ngộ chi hữu thù, nhi tâm tánh chi vô biệt. Cố đổ đức vân, chỉ hư không thế giới, tất ngã tự tâm”.

Đoạn này, tuy ở trước đã nói, nhưng chưa hết ý, bây giờ chúng ta bổ sung thêm một chút. Đây là nói rõ về nguyên khởi của pháp giới, trong tất cả pháp đều thuộc về pháp căn bản, đây là trí tuệ chân thật. Nguyên khởi của pháp giới như thế nào? Đều ở chỗ mê ngộ. Khi ngộ tự tánh hiện ra, chúng ta gọi là nhất chân pháp giới. Nếu mê mất tự tánh, từ trong mê hiện ra chính là mười pháp giới.

“Mười” không phải chữ số, biểu trưng vô lượng, thực tế mà nói là vô lượng vô biên pháp giới. Vì sao vậy? Vì mỗi chúng sanh hiện một pháp giới. Chúng sanh vô biên pháp giới sẽ vô biên. Không những mỗi chúng sanh hiện một pháp giới, ngày nay chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật là mỗi niệm hiện pháp giới, một ý niệm chính là một pháp giới, liền hiện một pháp giới. Từ chỗ này quý vị quan sát tường tận, mỗi người chúng ta ngay trong đời này, trong mấy mươi năm ngắn ngủi, pháp giới không tương đồng.

Đại sư Thiên Thai giảng Kinh Pháp Hoa, nói với chúng ta “bách giới thiên như”, là nói một cách rõ ràng về điều này. Chúng ta phải ngộ nhập từ mấy câu nói của ngài, mới đạt được thọ dụng, mới khế nhập chân tướng sự thật. Nhưng niệm niệm bất khả đắc, do đó pháp giới sự có- lý không, tướng có- tánh không. Đạo lý này rất thâm sâu. Chẳng những không có danh, đến tướng cũng không có, ở trước nói rất hay “vô tướng vô danh”. Tướng là y tha khởi, bởi vậy không có, mộng huyễn bào ảnh. Danh là biến kế sở chấp tánh, càng hư vọng. Duy thức tông nhìn thấu chân tướng sự thật, cho nên duy thức, họ chỉ thừa nhận giữa vũ trụ có thức, ngoài thức ra không có gì nữa.

Thức là gì? Chư vị thử nghĩ xem thức là gì? Duy thức tông giải thích, thức là liễu biệt, là phân biệt. Tôi nói thêm với chư vị một vấn đề, quý vị thử nghĩ xem, thức là nhân quả bất không, chuyển biến mà. Thức là năng biến, tất cả cảnh giới là sở biến. Chúng tôi nói nhân quả bất không, chư vị xem năng biến sở biến đều bao hàm trong đó, đạo lý là như vậy.

Quan sát của họ rất thâm nhập, quan sát của họ rất chính xác. Nhưng chư vị phải biết, nó không phải đệ nhất nghĩa, nó là đệ nhị nghĩa. Đệ nhất nghĩa là gì? Đệ nhất nghĩa là tự tánh, là thể của thức, thể của thức chính là tự tánh, tự tánh là không tịch. Trong kinh thường dùng tịch tịnh, dùng tịch diệt, dùng hai chữ này để hình dung nó. Vạn pháp giai không là nói từ thể, nhân quả bất không là nói từ chuyển biến, nói từ sự. Giữa vũ trụ có hai loại này, ngoài ra đều là sở biến, đều là hư vọng.

“Chư Phật ngộ chi”. Chư Phật ở đây và chư Phật nói trong Kinh Kim Cang là một. Viên giáo sơ trụ trở lên đều gọi là Phật, 41 vị pháp thân đại sĩ gọi là chư Phật. Họ phá nhất phẩm vô minh, thấy một phần tự tánh. Tông môn gọi là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Thiên thai tông gọi là “phần chứng tức Phật”, phần chứng tức Phật trong Lục Tức Phật, đây là thật không phải giả. Họ dùng chân tâm, chân tâm chính là tự tánh.

Đoạn trước nói bốn chữ, chúng ta nhất định phải nhớ. Thể của tự tánh “trạm tịch”, dụng của tự tánh “hư linh”.

Khi Phật giáo chưa truyền vào Trung quốc, trước lúc đó thánh nhân của Nho giáo, Đạo giáo đều biết dùng “hư”, cực kỳ cao minh. Nếu ta dùng thực là sai, dùng phải hư. Chẳng hạn như một ngôi nhà, vì ngôi nhà trống rỗng chúng ta mới dùng được nó. Nếu trong nhà là chân thực, chúng ta dùng sao được, không dùng được. Quý vị suy nghĩ tường tận xem, phàm những gì phát huy tác dụng lớn đều là trống không. Bởi vậy dùng tâm, tâm phải trống không, trong tâm không được có bất kỳ thứ gì. Lục tổ Huệ Năng nói: “bổn lai vô nhất vật”, cực kỳ cao minh. Vì sao chúng ta không sánh bằng ngài? Vì trong tâm ta có nhất vật, vậy là hỏng. Có một vật thì sao? Không linh. Linh là trí tuệ, vô nhất vật là trí tuệ, linh. Ngài thưa với ngũ tổ Hoằng Nhẫn: “Ttrong tâm đệ tử thường sanh trí tuệ”. Vì sao vậy? Vì tâm trống rỗng, trống rỗng thì linh. Tâm địa thanh tịnh, không nhiễm chút bụi trần. Bất luận khi nào, bất luận ở đâu, đối nhân, đối sự, đối vật trong tâm đều thanh tịnh không ô nhiễm. Đây là chân tâm khởi dụng, chính là “trạm tịch hư linh”, chúng ta phải hiểu đạo lý này.

/ 28