/ 28
1.954

Địa Tạng Kinh Huyền Nghĩa

Tập 1

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Minh Tâm

Thời gian: 1998

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội_Singapore

 

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện.

Mời mở kinh ra, xem trang thứ nhất nói về luân quán.

Từ xưa đến nay, chư vị tổ sư đại đức giảng kinh chú sớ, trước khi vào giảng kinh văn, trước tiên nhất định phải đem đại ý toàn kinh, giới thiệu một cách khái lược cho thính chúng, cổ nhân dùng rất nhiều danh từ để giới thiệu. Chúng ta thường thấy nhất, như tông Thiên thai nói về ngũ trùng huyền nghĩa. Ngài Hiền Thủ nói về mười môn khai khởi. Đều là giới thiệu trước khi giảng kinh, cũng có người gọi là luận quán. Như ở đây chúng ta nhìn thấy chú giải, là pháp sư Thanh Liên thời Khang Hy, pháp danh của ngài là Linh Kiệt. Ở đây chư vị có thể thấy, chữ kiệt này viết theo chữ cổ, bây giờ không phải viết như thế, chính là thừa của đại tiểu thừa, đây là cách viết ngày xưa_Pháp danh Linh Kiệt. Ngài dùng là luận quán, cũng thuộc tính chất này. Chúng ta xem kỹ nội dụng luận quán, trong này bao hàm ngũ trùng huyền nghĩa của Thiên thai tông, mà còn phong phú hơn nội dung của ngũ trùng huyền nghĩa.

Ở trước có một đoạn tựa, hôm nay chúng ta xem trang thứ nhất chính là bài tựa. Bài tựa không dài lắm, chỉ trong một trang này. Trong bài tựa tất cả phân thành năm đoạn, đối với người học giáo lý như chúng ta mà nói, nó rất quan trọng. Cho dù đối với người học Phật bình thường mà nói, cũng cần phải biết, khiến chúng ta sanh khởi tín tâm kiên cố đối với Phật pháp. Như đoạn văn tự này, trong các bậc cổ đức cũng có rất nhiều người nói đến, nhưng đoạn văn này của ngài nói vô cùng rõ ràng.

Đoạn thứ nhất, chúng ta đọc qua một lượt đoạn văn này: “Nguyên phu nhất niệm tự tánh, thể nguyên trạm tịch, tự tánh chi tâm, dụng bổn hư linh, vô tướng vô danh, tuyệt tư tuyệt nghị, tác quần sanh chi y chỉ, vi vạn pháp chi căn nguyên, cứu cánh hiệu trung đạo chánh không, bao mỹ xưng đệ nhất nghĩa đế”.

Đến đây là một đoạn, đoạn này là thuật lại căn nguyên của pháp giới cho chúng ta, hoặc nói về căn nguyên của pháp tánh. Chư vị phải biết, pháp tánh và pháp giới là một vấn đề. Pháp tánh là từ thể mà nói, pháp giới là từ dụng mà nói, có thể có dụng, thể dụng là một không phải hai. Đây là từ đâu đến, nếu nói như hiện nay, vũ trụ vạn pháp từ đâu đến?

Ở đây, một hàng rưỡi văn tự đã nói triệt để về nó, từ đâu đến? Từ trong tự tánh biến hiện ra, tự tánh là gì? Là nhất niệm, nhất niệm rất khó lãnh hội. Nhất niệm chính là chân như, chính là bổn tánh, chính là chân tâm. Vì sao khó lãnh hội? Vì ngày nay chúng ta muốn lãnh hội đã rơi vào hai niệm ba niệm, không phải một niệm. Chư vị phải biết, nếu có thể nhìn thấy nhất niệm, có thể khế nhập nhất niệm, trong Phật pháp nói ta đã thành Phật. Trong thiền tông gọi là “Mminh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, tánh chính là nhất niệm.

Tu học Phật pháp, bất luận tông phái nào, mục tiêu sau cùng chính là nhất niệm. Tông môn gọi là “minh tâm kiến tánh”, Tịnh tông gọi là “nhất tâm bất loạn”. Nhất niệm nghĩa là nhất tâm, nếu chứng được nhất tâm tức là thành Phật. Phật này không phải Phật bình thường, đại sư Thiên Thai gọi là quả Phật cứu cánh viên mãn. Nhất niệm khó, nhất niệm là căn nguyên, bổn thể của vũ trụ vạn pháp.

Chúng ta biết, trong triết học hiện đại gọi là bản thể luận, rất nhiều người nói, trước tác cũng rất phong phú. Chúng tôi cũng từng xem, nhưng không thể khiến chúng tôi tâm phục khẩu phục, nguyên nhân do đâu? Vì họ chưa chứng được nhất tâm, những đạo lý họ nói vẫn rơi vào hai ba. Điều này khiến chúng tôi không phục, không thể tâm phục khẩu phục. Phải chứng được nhất tâm, công phu thiền định phải thâm sâu. Thực tế mà nói, nhà Phật nói tu hành, từ sơ phát tâm đến Như Lai địa không có gì khác, chẳng qua là công phu thiền định sâu cạn khác nhau mà thôi. Công phu thiền định cạn, chưa ra khỏi tam giới, đây là trời tứ thiền. Công phu thâm sâu hơn một chút, siêu việt luân hồi lục đạo, mới có thể chứng A la hán, chứng Bích Chi Phật, chứng Bồ Tát, cũng có thể chứng đến quả Phật của quyền giáo, chưa ra khỏi mười pháp giới. Vì sao chưa ra khỏi mười pháp giới? Vì chưa chứng được nhất niệm. Nếu chứng được nhất niệm, tức siêu việt mười pháp giới, gọi là nhất chân pháp giới. Nhất chân pháp giới từ đâu mà có? Do nhất niệm biến hiện ra, nhất niệm sẽ thấy nhất chân, nhiều niệm sẽ thấy rất nhiều pháp giới, mười pháp giới, trăm pháp giới, vô lượng vô biên pháp giới, đây là thật.

/ 28