/ 17
457

Giảng đường Nhân Ái Hoà Bình

HỌC PHẬT VẤN ĐÁP

HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG

TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA ĐỒNG TU– KỲ 94

Giảng ngày 25 tháng 04 năm 2008

Tại: Hiệp hội Giáo dục Phật Đà Hồng Kông.

TẬP 16

------------------------------

Các vị Pháp sư, các vị Đồng học, xin mời ngồi. Buổi vấn đáp hôm nay có hơn bốn mươi câu hỏi, chúng ta ở trong hai tiếng đồng hồ này, tôi thấy nên rút ngắn thời gian gọn gàng nhất có thể, hi vọng đều có thể trả lời hết.

Trước hết là câu hỏi của đồng học Bắc Kinh, họ có bốn câu hỏi. Câu thứ nhất: Làm thế nào xác định được niệm Phật có đắc lực hay không? Nếu niệm Phật niệm đến nỗi khí sắc không tốt, không muốn gặp bất kỳ ai, nhìn thấy người, bao gồm cả người thân, bạn bè, thầy giáo, đồng nghiệp, cũng đều không chào hỏi, không ngẩng đầu lên, không có lễ phép, ngay cả yêu cầu thấp nhất làm người là “Đệ Tử Quy” cũng không đạt được, niệm Phật như vậy có đúng không ạ?

Niệm Phật công phu đắc lực là phiền não nhẹ trí huệ tăng, không hoài nghi, sức mạnh tín nguyện tăng lên, đây đều là biểu hiện của công phu đắc lực, lại hướng lên trên một bước, chính mình nắm chắc được việc vãng sanh, đó là đắc lực thật sự. Muốn đạt được công phu như vậy thì không có gì khác, nhất định phải buông xuống thân tâm thế giới. Đối với khí sắc không tốt, thân thể không khỏe, đây là nghiệp chướng hiện tiền, điều này không cần kiêng kị, không vấn đề gì, có thể ngẩng đầu lên gặp người khác. Nghiệp chướng hiện tiền nhưng có tín tâm tiêu trừ nghiệp chướng, qua mấy ngày thì nghiệp chướng tiêu trừ, đây chính là chứng minh công phu của bạn đắc lực. Thật sự có công phu hóa giải nghiệp chướng. Nghiệp chướng gì cũng có thể tiêu trừ, mấu chốt là ở chính bạn có tín tâm hay không. Cho nên thật sự sám trừ nghiệp chướng thì dung mạo, thân thể của bạn sẽ hoàn toàn hồi phục lại bình thường. Bình thường chính là khỏe mạnh nhất.

Câu thứ hai, vì để chính mình sớm ngày thành tựu mà không quan tâm, không chăm sóc đến con cái, cha mẹ, người thân, không sắp xếp cho ổn thỏa, thậm chí gạt người nhà, gạt đồng nghiệp, niệm Phật như vậy có thể thành tựu không ạ?

Niệm Phật như vậy không thể thành tựu. Vì sao vậy? Họ làm người còn không làm tốt thì làm sao có thể làm Phật? Nếu như vậy mà có thể thành tựu thì Thích Ca Mâu Ni Phật tuyệt đối sẽ không dạy chúng ta trì Giới niệm Phật, vậy không cần trì Giới nữa, niệm Phật là được rồi, không cần trì Giới. Vì sao Phật và Tổ Sư đều nhấn mạnh phải trì Giới niệm Phật như vậy? Đặc biệt là trong “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật”, bạn xem Phật dạy phu nhân Vi Đề Hi, nền tảng của niệm Phật nhất định phải xây dựng trên nền tảng của Tịnh Nghiệp Tam Phước. Không có nền tảng Tịnh Nghiệp Tam Phước thì niệm Phật không thể vãng sanh, phải nhớ kỹ Tịnh Nghiệp Tam Phước. Trong năm môn công khóa của đồng học Tịnh Tông chúng ta thì Tịnh Nghiệp Tam Phước được xếp thứ nhất, bởi vì nó là nguyên tắc chỉ đạo cao nhất. Điều đầu tiên là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự Sư trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”, chưa làm được điều này thì những điều phía sau không cần bàn đến. Niệm A Di Đà Phật chỉ có thể nói là kết được chút thiện duyên với Thế giới Tây Phương Cực Lạc, ngay trong đời này không thể thành tựu. Vậy muốn thành tựu thì phải tùy thuận giáo huấn trong Kinh điển, trong Kinh điển chắc chắn không dạy bạn niệm Phật mà không chăm lo gì đến con cái, cha mẹ, người thân của bạn, không hề có cách nói này.

Câu hỏi thứ ba, có nơi gọi là Niệm Phật Đường nhưng chỉ cho niệm Phật mà không cho nghe Kinh giáo, không cho nghe Sư phụ giảng Kinh, nói chỉ một câu Phật hiệu niệm đến cùng, ba năm thì có thể thành tựu. Đường chủ của Niệm Phật Đường còn nói chính mình nghe Lão pháp sư Tịnh Không giảng Kinh đã được mười năm rồi, đã thấu rõ hết rồi. Cho nên, nghe ông ấy thì không sai, không cần phải nghe Lão pháp sư giảng Kinh nữa, cũng không để mọi người đến Thang Trì tham học “Đệ Tử Quy”, Niệm Phật Đường như vậy có thể đến để niệm Phật không ạ?

Nếu đúng là đường chủ của Niệm Phật Đường đã thấu rõ những lý luận, nghi quy của Tịnh Tông rồi thì có thể, ông ấy chịu trách nhiệm nhân quả, đây là Tổ sư Đại đức xưa nay không có ngoại lệ. Năm xưa tôi theo Lão sư Lý, Lão sư Lý đã từng nói, pháp của Thầy là được truyền thừa từ Đại sư Ấn Quang, Thầy y giáo phụng hành, Thầy dạy dỗ chúng tôi, Thầy chịu trách nhiệm với chúng tôi. Nhưng Thầy vẫn khuyến khích chúng tôi đọc “Văn Sao” của Đại sư Ấn Quang, cũng không nói chỉ nghe một mình Thầy mà không tiếp nhận những thứ của Tổ Sư Đại Đức, Thầy không phải là như vậy. Thế nhưng, những thứ của Tổ Sư Đại Đức phải thông qua lựa chọn của Thầy, Thầy không đồng ý thì chúng tôi không được đọc. Chúng tôi ở bên này là học Kinh giáo, không phải là chuyên niệm Phật, cho nên những gì Lão sư cho phép chúng tôi đọc, những sách của Đại Sư Ấn Quang thì có thể đọc, sách của Đại Sư Ngẫu Ích, Đại Sư Liên Trì. Ở phương diện Kinh giáo, thời cận đại có Chú sớ của Pháp sư Đế Nhàn có thể đọc, Chú sớ của Pháp sư Viên Anh có thể đọc. Sách của Pháp sư Bảo Tĩnh. Pháp sư Đế Nhàn, Ngài ở Hồng Kông có mấy học trò, đây là những vị cận đại đều có thành tựu, như Pháp sư Đàm Hư, Lão sư chỉ định mấy vị này đều là thiện tri thức chân chánh thời nay, những sách của họ không có vấn đề. Cho nên là có chọn lọc, việc này có thể cung cấp cho mọi người tham khảo.

/ 17