568

HỌC PHẬT VẤN ĐÁP

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI CỦA CÁC ĐỒNG TU

Giảng ngày 07 tháng 12 năm 2007

Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông

TẬP 12

Các vị pháp sư, các vị đồng học, xin mời ngồi. Hôm nay có bốn mươi câu hỏi, chúng ta y theo thứ tự để trả lời, đầu tiên là đồng tu Hồng Kông có ba câu hỏi.

Câu hỏi: Ở Hồng Kông, sau khi tử vong ở bệnh viện thì lập tức bọc thi thể lại, đáng tiếc là Hồng Kông không có Thôn Di Đà có thể trợ niệm vãng sanh, nên làm thế nào mới tốt ạ?

Đương nhiên phương pháp tốt nhất là có thể xây dựng được Thôn Di Đà ở Hồng Kông để trợ niệm giúp người niệm Phật vãng sanh, đây là tốt nhất. Nếu ở Hồng Kông không có điều kiện này, đương nhiên phương pháp tốt hơn là công phu niệm Phật của chính mình thành thục, khi lâm chung thì không phải lo lắng. Thật sự vãng sanh, ở nơi này vừa dứt hơi thở thì bạn đã đến Thế Giới Cực Lạc rồi, không có thân trung ấm, đây là người thật sự có công phu thành phiến mới có thể làm được; Công phu kém một chút thì cần trợ niệm. Duyên phận của con người không như nhau. Nếu như khi tuổi tác lớn, thân thể suy yếu mà mong muốn vãng sanh thì trong nước vẫn có một số đạo tràng, như Đông Thiên Mục Sơn, Chùa Bách Quốc Hưng Long. Ngoài những nơi này ra còn có không ít đạo tràng đều xem trọng sự chăm sóc khi lâm chung, đều có thể cho chúng ta xem xét.

Câu hỏi: Đệ tử làm công quả ở đạo tràng, buổi sáng mỗi ngày vừa thức dậy thì trong tâm đều sanh khởi rất nhiều ác niệm, hơn nữa khi tập trung tinh thần hoặc nhìn Thánh tượng Phật Bồ Tát thì trong tâm cũng thường xuyên khởi ác niệm, xin hỏi con phải nên đối trị như thế nào ạ?

Nguyên nhân này chính là do trong A-lại-da thức tập khí ác nhiều, quá nhiều, hơn nữa lực rất mạnh, tương lai nó khởi tác dụng, chính là khi lâm chung thì nó sẽ dẫn dắt bạn vào ba đường ác. Tập khí tham luyến là nghiệp nhân của cõi Ngạ quỷ, tập khí sân hận là nghiệp nhân của cõi Địa ngục, ngu si là nghiệp nhân của cõi Súc sanh, ngạo mạn là nguyên nhân đọa vào A-tu-la, La-sát. Phải biết điều này. Nếu bạn không muốn tương lai đến những nơi ác đạo này thì hiện tại bạn phải đoạn dứt những tập khí bất thiện này. Có thể đoạn được không? Có thể. Không có gì không thể đoạn được, chỉ cần bạn biết sợ cái khổ nơi ác đạo thì bạn sẽ thật sự làm được. Bạn muốn nói điều này rất khó khăn, con không đoạn nổi, vậy thì bạn vẫn thờ ơ với cái khổ nơi ác đạo. Thật sự sợ cái khổ nơi ác đạo thì dũng khí của bạn sẽ đề khởi ra thôi, tâm dũng mãnh tinh tấn sẽ hiện tiền. Còn việc dùng phương pháp gì thì căn tính của mỗi người không như nhau, nếu mình không biết chọn pháp môn thì niệm Phật là thuận tiện nhất, ba căn nhiếp trọn, lợi độn đều thâu. Trong suốt hai mươi bốn giờ không để câu Phật hiệu này gián đoạn thì sẽ sinh ra hiệu quả rất tốt. Niệm Phật ban đầu, đại khái là tuần đầu tiên sẽ khó, sau một tuần thì sẽ rất bình thường. Tuần đầu tiên thì phải cắn răng chịu đựng, phải vượt qua tuần này, dần dần sẽ vào được trạng thái bình thường.

Câu hỏi: Có đồng tu nói chữ “Bát Nhã” ở trong “Tâm Kinh” có nghĩa là trí huệ, có đồng tu khác thì nói là duyên khởi tánh không, xin hỏi rốt cục là ý nghĩa gì ạ?

“Kinh Hoa Nghiêm” chúng ta đã học được một thời gian rất dài rồi, đối với câu trong kệ khai Kinh: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa” đáng lẽ bạn phải có ít phần thể hội rồi chứ. “Như Lai chân thật nghĩa” là trong tự tánh vốn có, trong Kinh giáo Đại thừa thường nói: “Ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm”. Thế nào là “Như Lai chân thật nghĩa”? Buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là Như Lai chân thật nghĩa. Nếu bạn vẫn còn có phân biệt chấp trước thì không phải là ý của Phật, vậy là ý của ai? Là ý của chính bạn. Bạn hiểu rõ rồi, vị đồng tu đó của bạn nói trong “Tâm Kinh”, Bát Nhã nghĩa là trí huệ, đó ý của anh ấy, không phải ý của Phật; Bạn đồng học kia nói là Duyên khởi tánh không, đó là ý của bạn đồng học kia. Hôm nay bạn đến hỏi tôi ý nghĩa là gì? Đó là ý của bạn, không phải là “Như Lai chân thật nghĩa”. Vậy thì điều gì là Như Lai chân thật nghĩa? Trong “Khởi Tín Luận” nói rất hay, bạn nghe Kinh, bạn đọc Kinh, gọi là nghe giảng, đọc Kinh thì “Lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên”, đó chính là Như Lai chân thật nghĩa. Cái ý này sâu hơn một chút, bạn tỉ mỉ mà thể hội, đáp án ở ngay trong câu hỏi.