320Chủ Nhật, 07/04/2024, 22:33

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

Kỳ 7

Hòa thượng Tịnh Không trả lời câu hỏi

 của đồng tu tại Hồng Kông

Thời gian: 20/05/2005

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

 

Quý vị pháp sư, quý vị đồng tu, hôm nay tôi thấy không ít câu hỏi, để xem hai tiếng đồng hồ có thể trả lời hết không.

Đầu tiên là cư sĩ Quách đến từ Bắc Kinh, ông ấy hỏi hai câu hỏi. Câu đầu tiên nói, pháp sư thường nói “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, ý niệm vừa khởi thì một tiếng Phật hiệu lấn át, duy trì tâm thanh tịnh. Trong nhiều năm tu học thực tiễn, con vẫn còn vọng niệm, phiền não xuất hiện lúc nhiều lúc ít, tham học tới phẩm Nghĩa Bồ-tát trong Ưu-bà-tắc Giới Kinh, Thế Tôn khuyên dạy bằng lý và nhiều ví dụ. Nói bản thân ngài lúc còn tu hành ở nhân địa, xem phiền não, bạn ác thành bạn trợ giúp trang nghiêm đạo Bồ-tát, thậm chí trong thời gian dài bị đủ mọi phiền não, đau khổ. Bởi vì có sức tự tại nên tuyệt đối không làm cho bản thân thoái chuyển, đồng thời đã thành tựu bốn điều nghĩa Bồ-tát, điều này thỉnh pháp sư tập hợp lại để làm khai thị sâu và rõ ràng hơn.

Đáp: Trong Ưu-bà-tắc Giới Kinh nói, ví dụ mà Thế Tôn đưa ra, phàm phu chúng ta không học nổi. Tại sao vậy? Bạn xem trong kinh Phạm Võng, Thích-ca Mâu-ni Phật nói lần này ngài đến thị hiện làm Phật ở thế gian của chúng ta là lần thứ 8000; hay nói cách khác, sớm đã thành Phật rồi, ngài là tới biểu diễn. Trong kinh luận đức Phật thường nói, chúng sanh có tám vạn bốn ngàn phiền não, Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn, có phải là một pháp môn đối với một phiền não hay không? Không phải, chúng ta đọc kinh Hoa Nghiêm thời gian dài như vậy, chúng ta hiểu được bất kỳ một pháp môn nào đều có thể đoạn trừ hết thảy phiền não, “một tức là nhiều, nhiều tức là một”, hiện tại đoạn kinh văn đang giảng trong kinh Hoa Nghiêm chính là nói đạo lý này. Nhưng căn tánh của chúng sanh không giống nhau, hoàn cảnh tu học cũng khác biệt, cho nên phương tiện nhất, dễ dàng nhất, ổn thỏa nhất, phương tiện nhất vẫn là dùng phương pháp trì danh niệm Phật. Cho nên “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, đề khởi một câu Phật hiệu chính là giác, dùng phương pháp này thuận tiện hơn bất kỳ phương pháp nào, ai cũng đều biết dùng, vấn đề là bạn có thể kiên trì hay không! Vọng niệm, cho dù là thiện niệm, niệm ác, cho dù là ý niệm gì, chỉ cần có ý niệm khởi, ý niệm thứ hai của bạn chính là A-di-đà Phật, đổi qua ý niệm này.

Cho nên trong Đại tập kinh, đức Phật nói niệm Phật là vô thượng thậm thâm thiền, phương tiện hơn nhiều so với tham thoại đầu, quán tâm, tham cứu của tông môn, [những phương pháp này] rất không dễ dàng, [niệm Phật] rất dễ dàng. Chúng ta học tập nhất định phải khế hợp căn cơ của chính mình, nên đi con đường dễ hành, đừng nên tìm phiền phức cho chính mình. Pháp môn thù thắng như vậy, thực sự niệm Phật, bạn xem trong “Tịnh độ thánh hiền lục”, “Vãng sanh truyện”, rất nhiều người niệm ba năm liền thành công. Trước đây có người hỏi tôi, họ nói: pháp sư, liệu có phải thời gian ba năm là thọ mạng của họ tới không? Tôi không tin, làm gì có chuyện trùng hợp như vậy? Không thể nào. Mà là thế nào? Công phu đạt, họ vãng sanh tự tại, “mặc dù tôi còn thọ mạng nhưng không cần nữa, tôi muốn sớm ngày rời đi”, họ thực sự rời đi rồi. Công phu này cũng không phải quá sâu, Tịnh tông nói nhất tâm bất loạn có ba cấp bậc, cao nhất là lý nhất tâm, tiếp theo là sự nhất tâm, sau cùng là công phu thành phiến. Thật ra mà nói, đời này của chúng ta chưa chắc có thể làm được nhất tâm bất loạn, nhưng công phu thành phiến thì có thể làm được.

Lý nhất tâm bất loạn, phiền não đoạn rồi, vậy thì đó là pháp thân Bồ-tát, sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm; sự nhất tâm bất loạn tương đương với A-la-hán, đoạn kiến tư phiền não rồi, chưa đoạn trần sa, vô minh. Đoạn kiến tư phiền não rồi thì vãng sanh liền tự tại, muốn vãng sanh lúc nào thì vãng sanh lúc đó, muốn ở lại thế gian này thêm vài năm nữa cũng không thành vấn đề, họ thực sự có năng lực này. Đây đều không phải chuyện chúng ta có thể làm được, chúng ta có thể làm được là công phu thành phiến, công phu thành phiến chính là niệm Phật tam-muội cạn nhất. Thế nào gọi là công phu thành phiến? Trong tâm ngoài câu A-di-đà Phật ra, không còn tạp niệm nào khác, đây là công phu. Vọng tưởng, tạp niệm chưa đoạn, nhưng Phật hiệu đắc lực, Phật hiệu đích thực hàng phục vọng tưởng, tạp niệm, giống như đá đè cỏ vậy, họ thực sự đè xuống được. Loại công phu này mỗi người chúng ta đều có thể làm được, người căn tánh lanh lợi, trong kinh Phật nói, bảy ngày có thể làm được; người công phu kém một chút, căn tánh kém một chút, tôi nghĩ bảy năm sẽ không có vấn đề, chắc là có thể làm được, đó là sự thật.