VẤN ĐÁP HỌC PHẬT
Kỳ 6
Hòa thượng Tịnh Không trả lời câu hỏi
của đồng tu tại Hồng Kông
Thời gian: 13/05/2005
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Quý vị pháp sư, quý vị đồng tu, chúng ta giải đáp câu hỏi của mọi người theo thứ tự.
Hỏi: Vị này là cư sĩ Lý ở Sán Đầu, ông ấy hỏi sáu câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên ông ấy nói, trong Tam Thời Hệ Niệm Toàn Tập nói rằng “âm dương đều được lợi”, ông ấy nói nếu đối với đồng tu đã vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, biết trước thời gian, có thể thường làm Tam Thời Hệ Niệm cho họ không? Người biết trước thời gian liệu có thể xác định vãng sanh thế giới Cực Lạc không?
Đáp: Ý muốn hỏi đại khái là đã vãng sanh, hơn nữa là biết trước thời gian, đã vãng sanh làm Tam Thời Hệ Niệm cho họ được không? Thật ra mà nói, cho dù họ có vãng sanh thế giới Cực Lạc hay không, người đã qua đời, làm Tam Thời Hệ Niệm cho họ đều là chuyện tốt, đích thực là “âm dương đều được lợi”. Còn như nói biết trước thời gian liệu có xác định vãng sanh thế giới Cực Lạc hay không? Chuyện này thì chưa chắc. Phàm là người biết trước thời gian, chúng ta có thể đoán chắc họ tuyệt đối không đọa ác đạo, có thể chắc chắn điều này. Ví dụ đời sau họ sanh vào cõi trời, có người biết trước thời gian; đời sau được phước báo lớn trong nhân gian, cũng có người biết trước thời gian. Cho nên biết trước thời gian, có một số người không phải là tín đồ Phật giáo, không tin Phật pháp, cũng không biết có thế giới Tây Phương Cực Lạc, cũng có. Chuyện này lúc nhỏ tôi từng gặp qua, có một bà cụ ở quê chúng tôi, cũng là người thân của chúng tôi, lúc qua đời biết trước thời gian, chưa từng học Phật. Không biết bà ấy đi về đâu, có lẽ bản thân bà ấy biết, chúng ta không biết, chắc chắn là sanh tới nơi tốt, có thể khẳng định điều này.
Lúc làm Tam Thời Hệ Niệm, phải làm một cách thành khẩn, làm một cách cung kính thì mới có thể “âm dương đều được lợi”. Nếu như hữu khẩu vô tâm, sau khi quỷ thần tìm tới mà bạn không tiễn đi được, vậy thì tương đối phiền phức. Bạn mời họ tới mà bạn không chăm sóc chu đáo, có lúc sẽ gây phiền phức cho bạn, chuyện này phải cẩn thận, nhất định phải cung kính, phải chân thành.
Hỏi: Câu hỏi thứ hai, ông ấy nói bởi vì có nhu cầu cụ thể, đọc tụng một bộ kinh nào đó, hồi hướng công đức đọc tụng cho một người nào đó, lúc viên mãn liệu có cần đọc “nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh độ”? Đây là kệ hồi hướng, có cần niệm kệ hồi hướng không?
Đáp: Cần, kệ hồi hướng không phải để niệm, niệm kệ hồi hướng, đọc kệ hồi hướng không có tác dụng, bản thân mình phải phát tâm theo kệ hồi hướng. Bản thân bạn có công đức, hồi hướng cho người đó cũng được công đức, đây là “âm dương đều được lợi”; quyết định muốn bản thân có lợi ích, bản thân có bao nhiêu lợi ích, đối phương được bấy nhiêu lợi ích. Nếu người niệm chúng ta mà hữu khẩu vô tâm, niệm bài kệ một lần, đối phương không có được công đức, đây nhất định là tương đối, bản thân chúng ta phải thật sự phát tâm theo kệ hồi hướng, họ mới được lợi ích.
Hỏi: Câu hỏi thứ ba, ông nói nếu đệ tử tham gia pháp hội niệm Phật hoặc pháp hội Tam Thời Hệ Niệm, trước điện Phật dùng hình thức nói miệng mời oan thân quyến thuộc, tổ tiên nhiều kiếp theo con tiến vào đạo tràng, không lập bài vị. Các vị tổ tiên, oan thân quyến thuộc được mời tới nghe kinh nghe pháp này liệu có thể tiến vào đạo tràng, cùng nhận lợi ích của pháp không?
Đáp: Hoàn toàn phụ thuộc vào tâm chân thành của chính bạn, bản thân bạn có tâm chân thành, họ được, họ có thể tới tham gia; tâm địa không thành khẩn thì không có cách nào, thần hộ pháp không cho họ tiến vào. Cho nên nhất định phải có tâm chân thành, chí thành cảm thông, câu nói này rất có đạo lý.
Hỏi: Đồ cúng mà cư sĩ tại gia cúng Phật, lúc cúng dường có thể cúng quá ngọ không?
Đáp: Theo quy tắc mà nói thì đều không được, cho dù là tại gia hay xuất gia, cúng Phật không được quá ngọ, đây là lịch sự. Đức Phật không ăn quá ngọ, bạn quá ngọ cúng dường ngài, vậy là không lịch sự.
Hỏi: Câu hỏi thứ năm, ông ấy nói con ông ấy bị bệnh luôn cảm thấy đói, tìm thầy chữa trị nhưng không hết, nên niệm Phật hồi hướng cho oan gia trái chủ của con như thế nào mới có thể giải oan kết?