VẤN ĐÁP HỌC PHẬT
KỲ 67
Chủ giảng: pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 11/05/2007
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi.
Hôm nay có 39 câu hỏi, chúng ta theo thứ tự mà giải đáp. Trước hết là câu hỏi của đồng học trên mạng, có 8 câu hỏi.
Hỏi: Thứ nhất, xin hỏi vì sao giáo dục gia đình lại quan trọng? Nếu lơ là giáo dục gia đình thì có hệ lụy gì?
Đáp: Tôi nghĩ vấn đề này không cần nói nhiều, bạn chỉ cần suy nghĩ cho kỹ về gia đình của chính bạn, gia đình của bạn bè người thân của bạn, gia đình hàng xóm của bạn thì bạn sẽ hiểu rõ thôi. Bạn lại thử nghĩ xem, lời của cổ thánh tiên hiền Trung Quốc nói với chúng ta, gọi là “gia hoà vạn sự hưng”. Nếu gia đình bất hoà thì sao? Nếu gia đình bất hoà thì vạn sự đều suy. Bạn thử nghĩ xem có phải là tình trạng như vậy không? Hãy quan sát tỉ mỉ điều này. Bản thân bạn đang mong có một gia đình tốt đẹp, một gia đình hoà thuận, hay là mong bất hoà? Vợ chồng bất hoà, cha con bất hoà, anh em bất hoà, bạn có muốn sống trong gia đình này không? Đây là vấn đề rất thực tế, không cần phải nói đạo lý với bạn, bạn cũng có thể cảm thấy vì sao giáo dục gia đình lại quan trọng.
Khi chúng tôi giảng kinh thường hay nói, mối quan hệ giữa gia đình với xã hội, với quốc gia, với thế giới, thì gia đình giống như một tế bào ở trong thân thể con người vậy, quốc gia giống như một cơ quan trong cơ thể. Trên thân chúng ta có rất nhiều cơ quan không giống nhau, bên ngoài có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, bên trong có lục phủ ngũ tạng, đều là do tế bào tổ hợp thành, toàn thân giống như một thế giới, bạn sẽ hiểu được gia đình là đơn vị nhỏ nhất, là tế bào của thân thể con người. Nếu tế bào bị hỏng, đều có vấn đề, đều bị nhiễm virus thì liệu các cơ quan có thể khoẻ mạnh được không? Thân thể có thể khoẻ mạnh được không? Từ chỗ này bạn cứ suy nghĩ thì sẽ hiểu rõ thôi, gia đình không tốt, xã hội nhất định sẽ động loạn, đất nước chắc chắn không an toàn, thế giới nhất định sẽ đại loạn.
Xã hội ngày nay của chúng ta, địa cầu này của chúng ta bị bệnh rồi, bị bệnh ở chỗ nào? Ở tại gia đình. Khi tôi sống ở Queensland Úc Châu, từ sau khi xảy ra sự kiện ngày 11 tháng 9, Học viện Hoà Bình ở Đại học Queensland đã cảm thấy hòa bình thế giới có khủng hoảng nghiêm trọng rồi. Làm sao để hoá giải xung đột? Làm thế nào mới có thể thực hiện hoà bình? Họ đã tìm tôi và các giáo sư đang dạy ở học viện Hoà Bình, có mười mấy giáo sư, chúng tôi đã tổ chức hai lần tọa đàm. Trước tiên, tôi nghe nhà trường báo cáo. Sau đó tôi nói với họ, tôi nói, các vị ngày ngày đang nghiên cứu hoá giải xung đột mà các vị không tìm ra nguồn gốc của xung đột. Việc này giống như thầy thuốc trị bệnh vậy, bạn luôn phải tìm ra được gốc bệnh, tuỳ bệnh cho thuốc mới sinh ra được hiệu quả. Họ hỏi tôi gốc bệnh ở đâu? Tôi đã nói với họ, ở gia đình. Điều này họ không nghĩ đến. Bạn xem trong xã hội ngày nay, tỷ lệ ly hôn cao cỡ nào? Tỷ lệ ly hôn chính là gì? Chính là vợ chồng bất hoà. Vợ chồng là cốt lõi của gia đình, giống như nhân của tế bào vậy, nhân tố này bất hoà thì gia đình sẽ tan vỡ. Cho nên, vợ chồng bất hoà nhất định sẽ dẫn đến cha con bất hoà, anh em bất hoà, họ bước vào xã hội liệu có thể chung sống hoà mục với ai được không? Không thể nào. Đây là điều mà người làm công tác hòa bình không nghĩ đến.
Sau đó tôi lại nói với họ, tôi nói còn có một nhân tố sâu xa hơn, họ hỏi nhân tố sâu xa đó là gì? Nhân tố sâu xa đó là chính mình, là bản thân bạn bất hoà với chính mình, chính mình bất hoà với chính mình như thế nào? Trong giáo dục truyền thống Trung Quốc gọi là xung đột giữa bản tính và tập tính; ở trong Phật pháp gọi là do xung đột giữa tánh đức, tự tánh với tập khí, phiền não. Điều này rất khó phiên dịch, họ rất khó lý giải, nên chúng tôi đã đổi lại cách nói, nói dễ hiểu một chút. Tôi nói lợi hại, bạn nhìn thấy lợi thì bạn nghĩ chính mình sẽ chiếm lấy, hay là để cho người khác đoạt được? Điều này dễ hiểu. Lúc lợi ích hiện ra trước mắt thì đều muốn tranh lợi, nếu bạn tranh lợi, nhất định sẽ tổn hại người khác, xung đột sẽ xảy ra từ chỗ này. Tôi nói đây là nội tâm của chính mình, chính là xung đột giữa lợi mình và lợi người. Nếu chúng ta niệm niệm đều nghĩ đến lợi ích của người khác, không nghĩ đến lợi ích của chính mình, thì xung đột sẽ hoá giải được thôi. Nếu niệm niệm chăm chăm vào lợi ích của chính mình, không ngó ngàng đến lợi ích của người khác thì làm sao có thể hoá giải xung đột?