VẤN ĐÁP HỌC PHẬT
Kỳ 39
Giải đáp: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 30/06/2006
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Quý vị pháp sư, quý vị đồng tu. Hôm nay có hai mươi mấy câu hỏi, chúng ta giải đáp theo thứ tự. Trước tiên là câu hỏi của đồng tu Trung Quốc, có tám câu hỏi.
Hỏi: Câu hỏi đầu tiên, xin hỏi ý nghĩa của “đạo tràng” là gì?
Đáp: Tôi nghĩ nhắc tới vấn đề này, có lẽ là có ý muốn xây đạo tràng. Danh xưng này nghe tên là hiểu nghĩa, nơi này có đạo mới được gọi là đạo tràng. Đạo có rất nhiều loại, thông thường có Phật đạo, Đạo giáo Trung Quốc cũng là đạo, Nho cũng là đạo, một số tôn giáo của nước ngoài cũng đều là đạo. Cho nên đạo có chánh có tà, tà môn ngoại đạo đó cũng là tràng, cũng đều là đạo tràng. Hàm nghĩa của hai chữ đạo tràng này, chúng ta nhất định phải làm rõ. Ở trong cửa Phật, đạo tràng không nhất định phải có hình thức, chỉ cần có đạo, không cần có hình thức, cũng gọi là đạo tràng. Thích-ca Mâu-ni Phật năm đó còn tại thế, ngài dạy học 49 năm, chuyện này quý vị đồng tu đều biết. Ngài dạy ở đâu? Đều ở dưới tán cây trong núi rừng, đều ở nơi hoang vu, không có công trình kiến trúc gì cả. Phương thức sinh hoạt của họ là ăn một bữa giữa ngày, tức là ôm bình bát đi khất thực, ngủ một đêm dưới cây, buổi tối xếp bằng ngồi thiền dưới cây, nghỉ ngơi một chút là được, trải qua cuộc sống như vậy. Cả đời chưa từng xây phòng ốc, chưa từng xây qua. Nơi mà Phật ở, Phật đều là đang dạy học, cho nên nơi đó gọi là đạo tràng. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa này, quan trọng nhất là phải có đạo.
Hiểu được ý nghĩa này, hôm nay cho dù chúng ta ở bất kỳ nơi nào, tức là bạn ở trong nhà cũng như vậy, người một nhà bạn hằng ngày nghe kinh, tụng kinh, niệm Phật, một lòng hướng Phật thì gia đình của bạn chính là đạo tràng. Định nghĩa trong Đại thừa giáo là bốn người ở cùng nhau cùng tu hành, đều có thể tuân theo lời dạy bảo của Phật-đà, chính là lục hòa kính, vậy thì đó là đạo tràng nhà Phật tiêu chuẩn. Ví dụ trong nhà bạn có bốn người, bốn người đều niệm Phật, đều tụng kinh Vô Lượng Thọ, một nguyện vọng là cầu sanh thế giới Cực Lạc, tu lục hòa kính, vậy thì nhà bạn chính là đạo tràng tiêu chuẩn. Phải biết điều này, không cần quan trọng hình thức. Đặc biệt là vào thời đại hiện nay, đời loạn, cả xã hội động loạn không yên, người thực sự tu đạo phải buông xuống vạn duyên, trong tâm bạn có đạo mới gọi là đạo tràng thực sự. Cho nên đạo tràng ở đâu? Đạo tràng ở tâm địa, không ở bên ngoài. Trong tâm bạn có đạo, cho dù bạn ngồi ở đâu thì nơi đó chính là đạo tràng.
Phật pháp, đặc biệt là đạo Tịnh độ tông, Đại sư Ấn Quang khai thị cho chúng ta vô cùng rõ ràng thấu triệt. Về Phật giáo mà nói, pháp ấn của nhà Phật chính là bốn câu: “Chớ làm việc ác, vâng làm việc thiện, tự thanh tịnh tâm, là chư Phật dạy”. Đây không chỉ là giáo dục của Thích-ca Mâu-ni Phật, mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai dạy người, nguyên tắc, phương hướng, mục tiêu chính là bốn câu nói này. Bốn câu này trên thực tế chính là ba câu trước, “chớ làm việc ác, vâng làm việc thiện, tự thanh tịnh tâm”, chính là ba câu mười hai chữ này, đây chính là phương hướng, mục tiêu, cương lĩnh dạy học chung của hết thảy chư Phật. Trong tâm chúng ta thường có bốn câu nói này thì nơi bạn đang ở chính là đạo tràng.
Đạo tràng Tịnh tông, pháp sư Ấn Quang nói rất hay, ngài cũng có bốn câu nói. Tôi đọc Văn Sao của ngài, bốn câu này thường hay nhắc tới, có thể nói là bốn câu mà ngài truyền pháp, chúng tôi tiếp nhận chính là học trò của Ấn tổ, tức là truyền nhân của Ấn tổ. Bốn câu của ngài ấy là: “Giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận; dứt lòng tà, giữ lòng thành; tín nguyện trì danh; cầu sanh Tịnh độ”. Trước đây tôi khắc một con ấn có bốn câu này, ấn truyền pháp của Ấn tổ. Tôi nói càng rõ ràng hơn để mọi người càng dễ hiểu, tôi sửa bốn chữ “tín nguyện trì danh” của ngài thành “thật thà niệm Phật”, mọi người sẽ dễ hiểu. Vì vậy sửa thành “Giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận; ngăn lòng tà, giữ lòng thành; thật thà niệm Phật; cầu sanh Tịnh độ”. Nếu bạn đi theo phương hướng này, đi theo mục tiêu này thì bạn chính là đạo tràng Tịnh độ, không nhất định phải có hình thức, ở đâu cũng vậy! Mọi lúc mọi nơi đều là đạo tràng tu Tịnh độ của chúng ta.
Nhưng muốn giải thích ý nghĩa bốn câu này đơn giản một chút, thế nào gọi là “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận”? Ý nghĩa của giữ vẹn luân thường tức là chúng ta có thể chung sống hòa thuận với tất cả mọi người. Luân là nói về ngũ luân, cha con, vợ chồng, anh em, quân thần, bạn bè, đều có thể chung sống hòa bình với những người có quan hệ này với chúng ta, đó gọi là giữ vẹn luân thường; “trọn hết bổn phận” tức là làm tròn bổn phận của chúng ta, những việc chúng ta nên làm thì nhất định phải làm tốt, đó gọi là “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận”. “Ngăn lòng tà, giữ lòng thành” vô cùng quan trọng, ngăn là phòng ngừa, phòng ngừa tà tư tà niệm, phòng ngừa hết thảy tà hạnh, tư tưởng, hành vi của bạn bất chánh thì phải nên phòng ngừa. Tiêu chuẩn tà chánh chính là giới luật trong Phật pháp của chúng ta.