66Thứ Sáu, 25/10/2024, 12:46

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

Kỳ 24

Giải đáp: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 13/01/2006

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Quý vị đồng tu, xin chào mọi người.

Hỏi: Hôm nay đầu tiên là câu hỏi của đồng tu Trung Quốc, trước tiên tôi đọc câu hỏi một lần. Con là cư sĩ tại gia, chủ trì quản lý đạo tràng. Trước mắt đạo tràng ngoài hơn 20 vị chúng xuất gia, còn có mấy chục vị nghĩa công, giáo viên lớp đọc kinh và các bạn nhỏ. Mọi người đều nghe lời sư phụ, nghiêm túc thực hành Đệ Tử Quy. Điều này rất hiếm có, tiếp theo ông ấy có hai câu hỏi. Thứ nhất, chúng xuất gia trong đạo tràng làm chuyện không như pháp, con phê bình họ, đồng thời phạt họ lạy Phật từ sáng đến tối, cầu sám hối. Xin hỏi như vậy có được không?

Đáp: Hiện tại đối với việc đồng tu tại gia và xuất gia cộng tu chung trong một đạo tràng, điều quan trọng nhất là phải thực hành Đệ Tử Quy và Thập Thiện Nghiệp Đạo, tiếp đó chính là lục hòa kính, lấy điều này làm tiêu chuẩn. Nếu bạn nói họ không như pháp, vậy tức là làm trái với ba điều này, vậy thì không như pháp. Có thể nói lục hòa kính của chúng ta thực hành như thế nào? Lục hòa kính thực hành trong Đệ Tử Quy, thực hành trong Thập Thiện Nghiệp Đạo, hai điều này thực hành rồi thì lục hòa kính đều làm được hết, đây là lấy điều này làm tiêu chuẩn.

Có lỗi lầm thì có thể, bạn là người chủ trì đạo tràng, đây là chức trách của bạn, bạn có thể phạt họ. Bạn là cư sĩ tại gia muốn phạt người xuất gia, chuyện này đại khái khoảng hơn 40 năm trước, tôi sống 10 tháng ở Phật Quang Sơn, lúc đó vừa thành lập, pháp sư Tinh Vân mở một học viện Phật giáo, Học viện Phật giáo Phương Đông, mời tôi tới làm chủ nhiệm giáo vụ, tôi ở bên đó 10 tháng. Pháp sư Tinh Vân từng hỏi qua tôi, ông ấy nói: “chúng tôi có rất nhiều chấp sự (tức là người phụ trách quản lý dạy học), đều là cư sĩ tại gia, có thể quản lý chúng xuất gia không? Có vấn đề gì không?” Lúc đó tôi nói với ông ấy: chúng tại gia phụ trách công việc giảng dạy thì họ có thể quản lý; nếu họ không phải là phụ trách công việc giáo dục, người xuất gia có lỗi lầm thì tốt nhất họ không nên nói. Nhưng bạn đảm nhận công việc dạy học, vậy thì bạn nhất định phải quản, đó là chức trách của bạn. Bạn là người chủ trì đạo tràng, mặc dù là cư sĩ tại gia nhưng trong đạo tràng này của bạn có chúng xuất gia, đều phải tuân thủ quy tắc, đều phải nghe theo sự ước thúc của họ, bởi vì đó là chức vụ của họ, chúng ta phải tôn trọng quyền hạn của họ. Nếu người xuất gia không tôn trọng quyền hạn thì trật tự trong đạo tràng này sẽ loạn, đây là nhất định phải tuân thủ quy định.

Phạm lỗi lạy Phật một ngày, từ sáng đến tối lạy Phật một ngày, tôi cảm thấy điều này không cần thiết; hoặc là phạt họ lạy 300 lạy là được. 300 lạy đại khái hai tiếng đồng hồ là lạy xong, thời gian khác chi bằng phạt họ đọc kinh. Ví dụ Đệ Tử Quy, Đệ Tử Quy không dài, phạt họ đọc 100 lần, đây là cách hay, phạt họ đọc kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo mười lần, đây đều là phương pháp hay. Điều này thực sự có lợi ích đối với họ, thực sự có lợi ích.

Hỏi: Thứ hai là đạo tràng quy định nghĩa công, các bạn nhỏ và giáo viên lớp đọc kinh không thực hành Đệ Tử Quy, làm chuyện không như pháp, phải phạt 300 lạy và quỳ một nén nhang; nếu các bạn nhỏ không làm được, giáo viên phải cùng bạn nhỏ lạy Phật, quỳ nhang. Xin hỏi như vậy như pháp không?

Đáp: Như vậy cũng như pháp, giáo viên từ bi, dẫn dắt học sinh; nếu học sinh tương lai thực sự hiểu rõ đạo lý, hiểu chuyện, chúng ta phạm nội quy, bạn xem ngay cả giáo viên đều bị phạt cùng chúng ta, cùng chúng ta lạy Phật, phạt quỳ, cảm thấy không đành lòng, tự nhiên chúng sẽ không dám làm chuyện xấu, tự nhiên chúng sẽ có thể tuân thủ quy định, đây là chuyện tốt. Trước đây, chúng ta biết đại sư Hoằng Nhất, đây là một vị cao tăng đại đức thời cận đại, cả đời ngài ấy trì giới rất nghiêm, cho nên rất nhiều người gọi ngài là luật sư; ngài chưa chắc là luật sư, nhưng ngài thọ trì giới luật nghiêm khắc hơn người khác. Đại chúng sống trong đạo tràng của ngài phạm lỗi lầm, đại sư Hoằng Nhật không nói chuyện cũng không trách cứ người khác, đây là cao minh hơn người bình thường một bậc. Thánh hiền Trung Quốc xưa dạy chúng ta: “làm việc không thành, quay lại xét mình”. Các bạn phạm lỗi, tôi không trách các bạn, bản thân tôi chưa dạy tốt, cho nên lỗi lầm không ở chỗ bạn, mà ở chỗ tôi. Đại sư Hoằng Nhất một ngày không ăn cơm, mọi người đều biết được, trong đồng tu của chúng ta có người phạm lỗi, sư phụ một ngày không ăn cơm; phạm lỗi mà không biết sửa, ngài ấy hai ngày không ăn cơm, ba ngày không ăn cơm, như vậy khiến cho các đồng tu có tâm cảnh giác rất cao, không dám phạm lỗi, cho nên cũng không cần dạy bảo. Nhưng người hiện tại không được, người hiện nay không có lương tâm, nếu bạn không ăn cơm, đáng đời, bạn đói chết thì bạn chết chứ tôi đâu có chết, vậy thì chuyện này phiền phức rồi. Cho nên, phương pháp của đại sư Hoằng Nhất vào thời đó có hiệu quả, hiện nay không có hiệu quả, vào hiện nay thì tôi thấy ngài ấy cũng vẫn ăn thôi, đây là điều chúng ta phải biết.