33Thứ Hai, 10/06/2024, 21:48

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

Kỳ 23

Giải đáp: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 30/12/2005

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông


Quý vị đồng tu, hôm nay là thời gian vấn đáp cuối cùng của năm 2005 của chúng ta. Trước tiên là câu hỏi của hai vị đồng tu Hồng Kông.

Hỏi: Câu hỏi đầu tiên, lão pháp sư trong buổi giảng thường nói: “Lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên”, xin hỏi nên dụng công thế nào để áp dụng ba nguyên tắc này vào nghe kinh, niệm Phật và đối nhân xử thế tiếp vật?

Đáp: Ba câu này là Bồ-tát Mã Minh nói trong Khởi Tín Luận. Đối tượng dạy học của môn Khởi Tín Luận này là Pháp thân Bồ-tát, cũng chính là từ Bồ-tát Sơ trụ trở lên của Viên giáo trong kinh Hoa Nghiêm, họ mới có thể làm được; bạn muốn làm được, ít nhất bạn phải là Bồ-tát Sơ trụ của Viên giáo. Nói cách khác, bạn không cần tới thế giới Cực Lạc cũng không sao, tại sao vậy? Bạn đã đạt được trình độ đó, thoát ly khỏi lục đạo rồi, bạn cũng thoát ly khỏi mười pháp giới rồi, cho nên đó là thành tựu thực sự; trong Thiền tông nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, họ mới có thể làm được. Hiện nay chúng ta nghe được ba câu này, chỉ cần làm được điều gì? Không nên chấp trước là được, đặc biệt là trong cuộc sống, đối nhân xử thế tiếp vật, đừng nên chấp trước quá mức. Có thể làm được điểm này, đối với tu học hiện tiền của chúng ta sẽ có sự giúp đỡ rất lớn. Thực sự đạt được cảnh giới này, vậy thì hết sức chúc mừng bạn, kiến tư phiền não của bạn đã đoạn trừ rồi, bạn đã thành Phật rồi.

Hỏi: Câu hỏi thứ hai, trên kệ sách kết duyên của Học hội, có sách nhắc nhở chỉ giới hạn lấy một quyển mà thôi, xin hỏi như vậy như pháp không?

Đáp: Chuyện này như pháp hay không là do người phụ trách họ quy định, họ quy định thì như pháp, họ không quy định thì không như pháp. Cho nên pháp không có pháp cố định, mỗi đạo tràng đều có pháp riêng của họ. Hồng Kông có nhiều cửa hàng như vậy, mỗi cửa hàng đều có pháp riêng của cửa hàng họ. Nếu bạn muốn lấy nhiều hơn cũng được, bạn hỏi họ, họ sẽ đưa cho bạn. Trong suy nghĩ của tôi, đại khái chỉ hạn chế lấy một quyển, có thể là vì tránh để có người lấy nhiều ở đây, lấy đi bán kiếm tiền, có khả năng này. Bán lấy tiền là chuyện tốt, cũng có khả năng sau khi họ lấy về đem hủy đi, đó là những người không tin Phật giáo, bài xích Phật giáo, họ mang về đem hủy đi. Vậy mang một quyển về đem hủy, tội nhẹ; nếu lấy mấy trăm quyển về đem hủy đi, vậy thì tội này quá nặng. Nếu bạn có nhu cầu, bạn có thể nói rõ với người phụ trách, tôi tin tưởng họ sẽ tặng cho bạn.

Hỏi: Tiếp theo là câu hỏi của đồng tu Trung Quốc. Câu đầu tiên là nên học tập Đệ Tử Quy như thế nào mới có thể vãng sanh Tây Phương? Tại sao?

Đáp: Bạn hỏi tại sao, trong kinh đức Phật nói, trì giới niệm Phật. Thực hành Đệ Tử Quy là trì giới; có trì giới, niệm Phật mới có thể vãng sanh. Bởi vì thực hành Đệ Tử Quy, bạn chính là thiện nhân. Bạn xem điều kiện vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc là thiện nam tử, thiện nữ nhân. Đệ Tử Quy còn không làm được, niệm Phật tốt hơn đi chăng nữa cũng không đi được, tại sao không đi được? Bởi vì bạn không phải là thiện nhân, bạn không phải là thiện nam tử, thiện nữ nhân, chính là vì điều này. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là “những người thượng thiện cùng tụ hội một chỗ”, niệm Phật tốt hơn đi chăng nữa, tâm hạnh đều bất thiện, cho dù A-di-đà Phật tới tiếp dẫn bạn đi, đại chúng bên đó không thể sống chung với bạn, phải hiểu đạo lý này.

Hỏi: Câu hỏi thứ hai, trên đường đến suối vàng không phân biệt già trẻ, xin hỏi đối với chúng sanh căn tánh cực kỳ kém cỏi, tham sân si mạn vô cùng nghiêm trọng, nên dùng phương pháp nào nhanh nhất để được giải thoát? Đây là một câu hỏi, tiếp theo nói, con biết được bản thân không đúng, hút thuốc, uống rượu, hút thuốc phiện, cảm xúc thăng trầm giống như phát điên, gần như sụp đổ nhưng không cách nào tự khống chế được. Xin lão pháp sư khai thị.

Đáp: Câu hỏi đầu tiên, bạn rất có tâm từ bi, rất hiếm có, câu hỏi này ngay cả A-di-đà Phật cũng làm không được. Trong Phật pháp thường nói, “tâm, Phật và chúng sanh, ba thứ không khác biệt”, sức mạnh đó là bình đẳng. Tâm là tâm chúng sanh, Phật là chư Phật Như Lai, tâm, Phật và chúng sanh, chúng sanh này là nói nghiệp lực mà chúng sanh đã tạo. Bạn xem kinh Địa Tạng nói, nghiệp lực của chúng sanh có thể ngang với núi Tu-di. Cho nên nghiệp lực này, đức Phật cũng không có cách nào, Phật không thể xoay chuyển định nghiệp của chúng sanh, ngài không có năng lực này, tự làm vẫn là phải tự chịu. Sự gia trì của Phật đối với chúng sanh, các bạn phải biết được, chỉ có dạy bảo. Phật giảng rõ ràng đạo lý, để bạn hiểu rõ, để bạn quay đầu sửa đổi làm mới. Bởi vì nghiệp là bạn tự mình tạo, bạn nhất định phải tự mình chịu, bản thân bạn phải hóa giải nó; nghiệp tự mình tạo, người khác không cách nào chịu thay được. Vậy nếu người khác có cách chịu thay được thì Phật cũng bái họ làm thầy, vậy thì quá giỏi!